Có một điều thấy rõ ràng trong việc triển khai lực lượng quân sự Nga tới Syria là sự hiện diện chủ yếu của các lực lượng không quân, còn lục quân chỉ hạn chế với các đơn vị đặc nhiệm, quân cảnh và công binh. Giới chuyên gia quân sự cũng từng đặt câu hỏi, liệu Nga có triển khai xe tăng tương lai T-14 Armata tới Syria, tương tự như Su-57 hay không?
Tuy nhiên, người Nga có lý do của mình để không vội vàng triển khai các thiết bị chiến đấu tương lai của mình tới Syria, nơi hiện vẫn còn ẩn chứa quá nhiều rủi ro.
Khác với Su-57, T-14 Aramta có quá nhiều rủi ro khi tới Syria
Không giống như các phương tiện bay có khả năng cơ động và có ít vấn đề phải đề phòng, thì việc triển khai các phương tiện chiến đấu trên bộ tới Syria, mà đặc biệt là xe tăng phải chiến đấu ở tuyến đầu là việc ẩn chứa rất nhiều nguy cơ. Điều này càng rõ ràng hơn ở một quốc gia đang trong tình trạng nội chiến như Syria.
Ai có thể chắc chắn được việc, các nguyên mẫu T-14 Armata triển khai thử nghiệm ở Syria liệu có rơi vào tay lực lượng thù địch, hoặc thậm chí là gián điệp của đối phương. Nói cách khác, xe tăng Armata sẽ luôn là mục tiêu được ưu tiên bắt giữ hoặc tiêu diệt bằng được bất kỳ khi nào nó lộ diện.
Cùng với đó, do đang là thiết bị ở giai đoạn thử nghiệm, còn mang nhiều "bệnh thời con trẻ", làm sao có thể chắc chắn nguyên mẫu T-14 Armata có thể không gặp sự cố, mà lại trên chiến trường nóng bỏng.
Kịch bản giống như chiếc xe tăng T-14 Armata 2 lần gặp sự cố gặp sự cố trong quá trình tập dượt chuẩn bị cho lễ duyệt binh ngày Chiến thắng 9/5 và 1 lần trực tiếp bị sự cố ngay trên Quảng trường Đỏ trong lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng năm 2015 là hoàn toàn hiện hữu. Nếu điều đó xảy ra, xe tăng Nga sẽ là mồi ngon kể cả khi còn nguyên vẹn hay bị bắn cháy.
Siêu xe tăng T-14 Armata đã ít nhất 2 lần gặp sự cố trong quá trình chuẩn bị cho Lễ Duyệt binh 2015.
Xe tăng T-14 Armata gặp sự cố trên Quảng trường Đỏ trong Lễ Duyệt binh 2015.
Hiện có rất nhiều quốc gia trên thế giới thèm muốn khám phá công nghệ tiên tiến hay chí ít là đánh giá khả năng chiến đấu thực tế của xe tăng T-14 Armata trên chiến trường thực tế.
Không chỉ có Armata, rất nhiều phương tiện chiến đấu tương lai khác của Nga cũng chỉ xuất hiện chớp nhoáng tại Syria rồi lại được chuyển về Nga. Điều này có thể thấy rõ trong trường hợp của xe chiến đấu yểm trợ tăng BMPT-72 hay các đơn vị robot chiến đấu Uran-9.
Phải chăng sự góp mặt của chúng tại chiến trường Syria chủ yếu là nhằm mục tiêu phát hiện các vấn đề kỹ thuật hay "căn bệnh con trẻ" để khắc phục và cho ra đời sản phẩm quân sự hoàn thiện hơn.
Còn một yếu tố khác nữa là phần lớn các khí tài quân sự trên bộ Nga triển khai hay chuyển giao tại Syria chỉ được xếp vào mức… tương đối hiện đại và chúng không có những đặc thù công nghệ khiến các quốc gia khác thèm muốn. Điều này phần nào lý giải cho việc xuất hiện rộng rãi của xe tăng T-90, pháo phản lực nhiệt áp TOS-1A… tại quốc gia Cận Đông này.
Và những vấn đề trên liệu có phải là lý do tới tận thời điểm hiên tại Nga vẫn chưa cho T-14 Armata "tung hoành" tại Syria?
Xe tăng T-14 Armata thử nghiệm trên thao trường
Nếu xuất hiện, sẽ chỉ trong chớp nhoáng
Như đã đề cập ở trên, trang bị quân sự và vũ khí là loại phương tiện đặc biệt và chỉ có "những câu trả lời" từ chiến trường mới thực sự tạo ra hiệu quả của chúng. T-14 Armata cũng nằm trong vòng quy luật này và sự hiện diện của nó tại Syria hoàn toàn là có khả năng. Tuy nhiên, xe tăng tương lai của Nga sẽ chỉ có mặt ở Syria khi đáp ứng các yêu cầu:
Nguyên mẫu T-14 Armata ở Syria chắc chắn sẽ được điều khiển bởi kíp lái lão luyện người Nga. Điều này có thể giải thích đơn giản là Armata mang nhiều đặc điểm đột phá khác với xe tăng truyền thống trước đây của Liên Xô và Nga và là dòng xe tăng tương lai nên chắc chắn nó sẽ không được điều khiển bởi kíp lái ngoại quốc.
Mặt khác, hình ảnh những chiếc T-90 và nhiều khí tài quân sự khác bị Quân đội Syria và đồng minh bỏ lại trên chiến trường còn nguyên vẹn cho phiến quân rõ ràng là tiền lệ xấu. Nga sẽ không muốn kịch bản này lặp lại với T-14 Armata.
Xe tăng T-90 do Nga chế tạo bị thiệt hại ở Syria.
Việc Armata xuất hiện ở Syria là cần thiết về mặt kỹ thuật. Từ khi xuất hiện, các nguyên mẫu T-14 Armata mới chỉ được "thử lửa" tại các trường bắn, nếu sang Syria, sự khắc nghiệt của chiến trường thực sẽ giúp khí tài quân sự này hoàn thiện hơn. Và tất nhiên sự xuất hiện này chỉ diễn ra trong thời gian ngắn.
Rất khó có thể nói cụ thể xe tăng T-14 Armata sẽ được hoàn thiện gì khi tham chiến ở Syria. Tuy nhiên, có những yếu tố hoàn thiện có thể thấy được rõ ràng.
Xe tăng tương lai của Nga sẽ được thử nghiệm trong môi trường sa mạc khắc nghiệt; sự ổn định của các khí tài trên khoang và sự thân thiện của phương tiện với kíp điều khiển trong điều kiện tác chiến thực tế…
Ngoài ra, việc "thử lửa" chiến trường cũng giúp các điểm yếu trên xe tăng Armata bộc lộ, bị phát hiện và khắc phục trên các nguyên mẫu sau đó. Đó là những điều không bao giờ có thể phát hiện được nếu chỉ thử nghiệm trên thao trường.
Và một yếu tố quan trọng khác cần tính tới là "xây dựng thương hiệu" cho T-14 Aramta để mở ra khả năng xuất khẩu trong tương lai, nhất là tại thị trường chịu chi như Trung Đông.
Một dòng xe tăng tương lai, đắt đỏ, nhưng có hiệu quả tác chiến cao trên chiến trường như Armata chắc chắn sẽ khiến Nga thu về hàng tỷ USD tiền xuất khẩu vũ khí. Nhiều dòng vũ khí khác của Nga cũng đã làm được điều tương tự ở Syria như xe tăng T-90, máy bay tiêm kích đa năng Su-35S…
Không giống như Liên Xô, người Nga giờ đã rất biết làm marketing cho sản phẩm vũ khí của mình và liệu Moscow có để vuột mất cơ hội tốt cho T-14 Armata tại chiến trường Syria. Hãy chờ xem!
Siêu tăng Armata của Nga phô diễn uy lực