Áp lực từ đồng minh
Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã huy động số lượng lớn binh lính và khí tài quân sự dọc biên giới gần như ngay lập tức sau khi Hamas tiến hành cuộc tấn công lớn nhất từ trước đến nay trên đất Israel vào ngày 7/10. Ngoài lực lượng chính quy, IDF còn triệu tập 300.000 quân dự bị chỉ trong vài giờ.
Ở biên giới Gaza, quân đội vẫn sẵn sàng. Một sự chờ đợi căng thẳng, với những chiếc máy bay không người lái bay vo ve trên đầu và những tiếng nổ liên tục vang vọng khắp một khoảng không gian rộng.
Nhưng bất chấp việc tăng cường quân sự và có nhiều kỳ vọng rằng một cuộc tấn công trên bộ sắp xảy ra, IDF cho đến nay chủ yếu tập trung vào không kích.
Israel đã tiến hành một cuộc đột kích hạn chế vào Gaza trong đêm nhằm mục đích “tạo ra các điều kiện tốt hơn cho các hoạt động trên bộ”. Nhưng việc thiếu một cuộc tấn công lớn hơn đặt ra câu hỏi về chiến lược của Israel đối với Gaza.
Xe tăng ở biên giới Israel với Dải Gaza. Ảnh: CNN
Điều quan trọng nhất là số phận của hơn 200 con tin vẫn đang bị Hamas giam giữ ở Gaza và những người có thể gặp nguy hiểm nếu Israel tiến hành cuộc tấn công trên bộ.
Các con tin bao gồm dân thường và binh lính Israel cũng như người nước ngoài và trẻ em. Trong số đó có nhiều con tin mang hộ chiếu nước ngoài đến từ 25 quốc gia khác nhau, bao gồm Mexico, Brazil, Mỹ, Đức và Thái Lan, theo chính phủ Israel.
Điều này khiến tình hình càng trở nên phức tạp hơn đối với Israel vì nước này cần phải tính đến lợi ích của các đồng minh.
4 con tin, gồm 2 phụ nữ Israel và 2 phụ nữ Mỹ, đã được thả trong những ngày gần đây, mang lại hy vọng.
Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Anh Rishi Sunak, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đều đến thăm Israel trong vài ngày qua. Các nước đều kêu gọi thận trọng và yêu cầu có thêm thời gian để đàm phán.
Kế hoạch của Israel về những gì sẽ xảy ra sau cuộc xâm lược vẫn chưa rõ ràng, đó là một lý do khác khiến vẫn cần thời gian. Các quan chức Mỹ và phương Tây nói với CNN rằng Mỹ và các đồng minh đã thúc giục Israel có chiến lược rõ ràng về các mục tiêu của mình, đồng thời cảnh báo rằng họ phản đối sự chiếm đóng kéo dài và nhấn mạnh sự cần thiết phải tránh gây thêm thương vong cho dân thường.
Theo các cơ quan y tế tại khu vực do Hamas kiểm soát, cho đến nay đã có hơn 6.850 người Palestine thiệt mạng. Theo LHQ, ít nhất 35 nhân viên Liên Hợp Quốc cũng đã thiệt mạng ở Gaza, phần lớn là do các cuộc không kích của Israel.
Nhiều quốc gia và tổ chức viện trợ quốc tế, bao gồm cả LHQ cũng đang gây áp lực buộc Israel phải tạm dừng và cho phép thêm viện trợ vào vùng đất này. Sau cuộc tấn công của Hamas, Israel cũng cắt nguồn cung cấp điện, thực phẩm, nước và nhiên liệu. Israel cho biết họ đã khôi phục nguồn cung cấp nước vào ngày 15/10. Theo người phát ngôn LHQ Stephane Dujarric, người dân vẫn không được tiếp cận với nước sạch.
Tổng thư ký LHQ António Guterres đã nhiều lần kêu gọi ngừng bắn nhân đạo và nói với Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hôm thứ Ba rằng “những vi phạm rõ ràng đối với luật nhân đạo quốc tế” đang xảy ra ở Gaza.
Australia, một đồng minh của Israel, cũng đã kêu gọi tạm dừng các hành động thù địch và một nhà ngoại giao cấp cao của Liên minh châu Âu nói với CNN hôm thứ Tư rằng EU có thể hướng tới một “sự ngừng bắn nhân đạo ngắn hạn” ở Gaza khi Hội đồng châu Âu họp bất thường vào tuần này.
Israel lo "hở" biên giới phía Bắc
Vụ việc đã gây ra sự phẫn nộ và lên án mạnh mẽ trên khắp thế giới Ả Rập, làm dấy lên lo ngại rằng nếu chiến dịch tiếp tục, cuộc chiến giữa Israel và Hamas có thể trở thành một cuộc xung đột khu vực. Sự lo ngại này có thể là một trong những yếu tố được chính phủ Israel xem xét khi tính đến những ưu và nhược điểm của một cuộc tấn công lớn trên bộ.
Trong khi IDF đã đổ phần lớn nguồn lực của mình vào các khu vực xung quanh Dải Gaza, họ cũng đã đụng độ với Hezbollah ở biên giới với Lebanon. Nếu Israel dốc toàn lực vào chiến dịch trên bộ ở Gaza, Hezbollah có thể nhìn thấy cơ hội can thiệp và tấn công từ phía bắc.
Ảnh: CNN
Israel và các đồng minh đã cảnh báo Hezbollah không nên can dự. Tuy nhiên, vừa qua, lãnh đạo Hezbollah Hassan Nasrallah đã gặp các quan chức hàng đầu của Hamas và lực lượng Thánh chiến Hồi giáo Palestine, theo một tuyên bố do Hezbollah đưa ra.
Nội bộ tranh cãi?
Mặc dù IDF cho biết họ đã sẵn sàng nhưng quyết định tiến hành bất kỳ hành động nào đều thuộc về chính phủ Israel, đứng đầu là Thủ tướng Benjamin Netanyahu.
Thủ tướng Netanyahu đã phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong toàn bộ sự nghiệp chính trị của mình ngay cả trước cuộc tấn công của Hamas. Kế hoạch cải tổ tư pháp của ông đã vấp phải các cuộc biểu tình quy mô lớn và yêu cầu ông từ chức.
Việc Hamas tấn công vào ngày 7/10 đã gây bất ngờ cho chính phủ của ông, IDF và cộng đồng tình báo Israel, khiến người dân phẫn nộ. Các cuộc thăm dò được công bố trên các phương tiện truyền thông Israel cho thấy tỷ lệ ủng hộ với ông Netanyahu đã giảm sau vụ tấn công.
Ông Netanyahu đã cố gắng xoa dịu phần nào sự tức giận này bằng cách bổ nhiệm một nội các chiến tranh khẩn cấp với các lãnh đạo phe đối lập, nhưng truyền thông Israel đã đồn đoán về những rạn nứt đang xuất hiện.
Ông Netanyahu luôn ngại rủi ro khi đưa ra các quyết định quan trọng và một cuộc tấn công toàn diện vào Gaza sẽ đi kèm với những rủi ro chính trị rất lớn trong nước và quốc tế. Trong khi đó, các thành viên khác của chính phủ và IDF khẳng định Hamas phải “bị loại bỏ hoàn toàn”.
Hôm thứ Hai, ông Netanyahu khẳng định, ông hoàn toàn nhất trí với Bộ trưởng Quốc phòng và quân đội trong một động thái bác bỏ những suy đoán về sự bất đồng.
Ít nhất là ở thời điểm hiện tại, dường như vẫn chưa có quyết định nào. Mặc dù khẳng định chính phủ đang “chuẩn bị cho một cuộc tấn công trên bộ”, Thủ tướng Israel vẫn không nêu chi tiết về thời gian, cách thức của cuộc tấn công.