Giữa năm nay, Bộ Quốc phòng Lithuania thông báo, Đức đã chuyển giao 2 khẩu pháo tự hành PzH 2000 (Panzerhaubitze 2000) cho quân đội nước này. Đây là đợt giao hàng đầu tiên trong tổng số 21 khẩu theo hợp đồng trị giá 64,2 triệu USD ký cách đây vài năm.
Được biết số pháo tự hành trên không phải hàng sản xuất mới mà được lấy ra từ kho dự trữ của Quân đội Đức, toàn bộ sẽ gia nhập biên chế Quân đội Lithuania vào năm 2019. Như vậy Lithuania sẽ sở hữu một tiểu đoàn pháo tự hành cực kỳ tiên tiến với đơn giá chỉ hơn 3 triệu USD/khẩu (so với giá mua mới 8 triệu USD/khẩu).
Pháo tự hành PzH 2000 (Panzerhaubitze 2000)
Pháo tự hành PzH 2000 được sản xuất từ năm 1996 bởi Tập đoàn Krauss-Maffei Wegmann (KMW) cùng với nhà thầu phụ là Rheinmetall Landsysteme, chính thức trang bị cho quân đội Đức từ năm 1998.
PzH 200 sử dụng khung gầm xe tăng Leopard 2, lắp động cơ diesel tăng áp MTUMT881 Ka-500 công suất 1.000 mã lực, trên đó có một tháp pháo xoay với pháo chính 155 mm/L52 (chiều dài nòng gấp 52 lần đường kính), tổng trọng lượng của hệ thống là 55 tấn.
Cơ số đạn PzH 2000 mang theo gồm 60 viên các loại, tầm bắn tối đa đạt 30 km đối với đạn thường và 40 km với đạn tăng tầm. Tốc độ bắn thực tế đạt 3 viên/8,4 giây; 12 viên/59,74 giây và 20 viên/1 phút 47 giây; góc nâng hạ trong khoảng -2,5° - +65°.
Điểm đặc sắc của PzH 2000 nằm ở hệ thống điều khiển kỹ thuật số MRSI có chức năng công kích mục tiêu bằng nhiều phát đạn một lúc. Để thực hiện phương thức này, PzH 2000 sẽ bắn 5 phát ở các góc khác nhau, từ cao đến thấp, đạn sẽ đến mục tiêu cùng lúc trong khoảng thời gian 1,5 giây kể từ điểm nổ đầu tiên.
Trước đó trong giai đoạn 2007 - 2008, Canada cùng với Bồ Đào Nha đã nhanh chân mua lại 57 xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) Leopard 2A6 từ Hà Lan. Hồi năm 2012, Hà Lan cũng chào bán cho Indonesia 80 chiếc Leopard 2A6 đã qua sử dụng với giá 250 triệu USD, tức là chỉ 3,125 triệu USD/chiếc.
Như vậy dễ nhận thấy so với giá gốc vào khoảng 12 triệu USD thì các quốc gia trên đã có được những xe tăng chiến đấu chủ lực tối tân với đơn giá không thể tốt hơn.
Xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2A6
Leopard 2A6 là một trong những xe tăng chiến đấu chủ lực tốt nhất thế giới, chính thức đi vào phục vụ từ năm 2001, nó là phiên bản nâng cấp từ Leopard 2A5. Chiếc MBT này được đánh giá vượt trội M1 Abarms (Mỹ), Challenger 2 (Anh) và Leclerc (Pháp) ở hệ thống bảo vệ, hỏa lực và tính cơ động.
Xe được điều khiển bởi kíp lái 4 người; trọng lượng 62 tấn; lắp động cơ diesel tăng áp MTU MB-837 Ka501 công suất 1.500 mã lực, cho tốc độ di chuyển tối đa lên tới 68 km/h, tầm hoạt động 500 km.
Vũ khí chính của Leopard 2A6 là pháo nòng trơn Rheinmetall 120 mm L55 với 42 viên đạn, khẩu pháo này dài hơn loại L44 trên phiên bản Leopard 2A5, có tác dụng tăng độ chính xác và nối dài đáng kể tầm bắn. Ngoài ra xe còn được bổ sung 2 súng máy 7,62 mm (1 khẩu đồng trục, 1 khẩu lắp trên tháp pháo) với cơ số đạn dự trữ 4.750 viên.
Một ưu điểm khác của Leopard 2A6 là nó được trang bị giáp composite thế hệ mới kết hợp với các module giáp gắn ngoài, thậm chí còn mang được cả giáp phản ứng nổ khi cần thiết.
Tiện nghi cùng hệ thống thông tin liên lạc cũng như điều hòa không khí nhằm chống lại tác nhân xạ - sinh - hóa (NBC) của Leopard 2A6 cũng được nâng cấp, đem lại sự thoải mái và an toàn cao cho kíp chiến đấu.
Vũ khí Đức luôn là mặt hàng được ưa chuộng trên thị trường thế giới
Mặc dù nhận được tín nhiệm lớn trên thị trường thế giới nhưng vũ khí Đức lại có nhược điểm là đơn giá rất đắt. Tuy nhiên việc nhiều quốc gia châu Âu đang thanh lý một số trang bị dư thừa đã giúp cho những quốc gia nghèo đủ khả năng đưa vào biên chế các khí tài công nghệ cao đúng chuẩn NATO, đây thực sự là cơ hội rất khó có thể bỏ qua.