Xe tăng Nga có đối thủ khi Altay được sản xuất loạt

Thùy Dung |

Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, dòng xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) hiện đại Altay chuẩn bị được nước này sản xuất hàng loạt.

Sản xuất loạt

Thông tin sản xuất loạt với Altay được đưa ra sau khi hãng chế tạo Otokar, một công ty con của Tập đoàn Koch đã đệ trình nguyện vọng lên Hội đồng Thư ký quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ (SSN).

Nguồn tin cho biết, nguyên mẫu xe tăng Altay mới nhất được chế tạo theo yêu cầu của SSN hồi tháng 1/2016 dựa trên các yêu cầu chỉnh sửa kỹ thuật của Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. Theo kế hoạch, sau khi được phê duyệt, Otokar sẽ bắt tay vào giai đoạn sản xuất hàng loạt có kiểm soát với khoảng 250 xe.

Ngoài xe tăng Altay, Otokar cũng có trách nhiệm cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và dịch vụ hậu cần cho Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ liên quan tới xe tăng mới.

Cùng với việc bàn giao xe tăng Altay cho Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, đại diện Otokar, Ali Koch tuyên bố, dòng xe tăng mới cũng nhận được sự quan tâm của một số quân đội nước ngoài. Nếu mọi việc diễn ra đúng kế hoạch, xe tăng Altay sẽ được sản xuất hàng loạt từ đầu năm 2017.

Đối thủ của T-90

Mặc dù xe tăng chủ lực Altay được Thổ Nhĩ Kỳ phát triển dựa trên sự giúp đỡ khá lớn từ các công ty quốc phòng của Đức và Hàn Quốc. Tuy nhiên dòng xe tăng này cũng có thể được xem là biểu tượng của ngành công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian gần đây.

Xe tăng chiến đấu chủ lực Altay do công ty quốc phòng Otokar phát triển dành riêng cho Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. Chương trình phát triển Altay được khởi động từ giữa những 1990 với nhà thầu chính là Otokar. Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ đã chi ít nhất 500 triệu USD chỉ để Otokar phát triển và sản xuất 4 nguyên mẫu Altay đầu tiên.

Nhưng phải đợi đến giai đoạn 2008-2012, Otokar mới cho ra mắt các nguyên mẫu tăng Altay đầu tiên. Tuy nhiên, mẫu thử này không làm hài lòng quan chức Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ. Chính vì vậy, chương trình tiếp tục phát triển với sự giúp đỡ nhiều hơn từ Hàn Quốc và Đức.

Với sự tham gia của công ty Hyundai Rotem- nhà thầu phát triển xe tăng chiến đấu chủ lực K2 Black Panther dành cho Quân đội Hàn Quốc, chương trình Altay có sự thay đổi lớn về mặt thiết kế nhất là hệ thống giáp bảo vệ của tháp pháo. Sự thay đổi này giúp tháp pháo của Altay chở nên gọn hơn cũng như giảm bớt đáng kể lớp giáp không cần thiết ở nguyên mẫu cũ.

Trong khi đó của nguyên mẫu Altay thứ hai được trang bị hệ thống động cơ đa nhiên liệu MTU Friedrichshafen của Đức phát triển với công suất tối đa là 1.500 mã lực. Với tốc độ di chuyển tối đa là 70km/h và phạm vi hoạt động là 500km.

Hệ thống vũ khí chính của Altay là một pháo nòng trơn MKEK 120mm kết hợp với hệ thống điều khiển hỏa lực và cân bằng Aselsan STAMP/II. Bên cạnh đó Altay còn được trang bị thêm một hệ thống vũ khí điều khiển từ xa 12.7mm và hệ thống ống phóng lựu đạn khói ngụy trang.

Một trong những điểm nổi bật tạo nên sức mạnh của Altay là hệ thống giáp bảo vệ tổng hợp do công ty Roketsan của Thổ Nhĩ Kỳ phát triển. Với những trang bị này, Thổ Nhĩ Kỳ tin rằng, Altay có thể chiến đấu sòng phẳng với T-90 của Nga.

Tuy nhiên nhiều ý khiến cho rằng Roketsan đã sử dụng lại hầu như mọi công nghệ giáp bảo vệ của K2 Black Panther do Hyundai Rotem phát triển. Gồm hệ thống giáp phản ứng nổ kết hợp với lớp giáp bảo vệ modul phía bên ngoài nhằm chống lại các loại tên lửa chống tăng của đối phương.

Xe tăng chiến đấu chủ lực Altay của Thổ Nhĩ Kỳ có trọng lượng khá lớn lên tới 65 tấn với kíp chiến đấu gồm 4 binh sĩ với 1 chỉ huy, lái xa, xạ thủ và nạp đạn. Dù được phát triển trong giai đoạn gần đây nhưng việc không được trang bị hệ thống nạp đạn tự động là một thiếu xót lớn của Altay so với các dòng xe tăng chiến đấu chủ lực khác trên thế giới.

Những chiếc Altay đầu tiên sẽ được Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đưa vào trang bị từ năm 2017 và nước này dự kiến sẽ đưa vào trang bị khoảng 1.000 chiếc Altay trong tương lai. Trước đó Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ đã ký hợp đồng mua khoảng 250 chiếc Altay với Otokar có giá trị lên tới gần 2 tỷ USD.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại