Thập niên 1950 là khoảng thời gian sôi động của ngành công nghiệp chế tạo xe tăng, do công nghệ hạt nhân ngày càng phát triển đã tạo ra mối quan tâm tới việc giảm kíp chiến đấu, làm cho xe nhẹ hơn để triển khai nhanh hơn.
Đã có nhiều cách tiếp cận theo lý thuyết để làm những điều khác biệt so với kiểu 3 người trong tháp pháo và 1 trong khung gầm cổ điển. Đã xuất hiện hai trường phái đáng chú ý đó là "tất cả trong tháp pháo" và "tất cả trong thân xe, trừ pháo".
TV-8 là ví dụ về việc đưa mọi thứ, bao gồm cả động cơ vào trong tháp pháo. Một trong những mục đích là tăng cường khả năng sống sót sau vụ nổ hạt nhân.
Mô hình thu nhỏ của Chrysler TV-8
Thiết kế này đưa toàn bộ kíp chiến đấu, vũ khí trang bị và động cơ vào trong tháp pháo hình dạng giống thùng phuy trên một khung gầm rất nhẹ. Tổng trọng lượng được ước tính là 25 tấn, phân bổ 15 tấn cho tháp pháo và 10 tấn của khung xe.
TV-8 mang pháo 90 mm T208, khu chứa đạn của nó tương tự các xe tăng hiện đại như M1 và Leopard sau này, đạn được đặt phía sau tháp pháo, ngăn cách bằng một vách thép.
Vũ khí phụ gồm 2 súng máy đồng trục 7,62 mm và 1 súng máy 12,7 mm điều khiển từ xa lắp trên đỉnh tháp pháo do trưởng xe điều khiển. Kíp lái sẽ sử dụng camera quan sát nhằm bảo vệ họ khỏi ánh chớp của vũ khí hạt nhân chiến thuật.
Giai đoạn I của thiết kế TV-8 sử dụng động cơ Chrysler V-8 300 mã lực, kết hợp với một máy phát đặt phía sau tháp pháo; máy phát cung cấp năng lượng tới 2 mô tơ điện bố trí phía trước, mỗi mô tơ điều khiển một trong hai hàng xích.
Các phương pháp khác tạo năng lượng cho xe tăng mà sau này đã được xem xét bao gồm động cơ turbine khí, động cơ điện sử dụng hydrocarbon và cả động cơ phân hạch hạt nhân.
Sơ đồ cấu tạo của TV-8
Cần lưu ý rằng bản chất thiết kế của xe tăng này là "tháp pháo trong tháp pháo". Mặc dù chỉ cần xạ thủ và lái xe để vận hành nhưng TV-8 có tới 4 người điều khiển.
Lý do là kíp chiến đấu 4 người mới đảm bảo thực thi nhiều công việc bảo trì như phá/lắp xích... điều này 2 người không thể làm nổi - đó là mối quan tâm với một số nền tảng FCS, như pháo NLOS ngày nay.
Trong xe tăng, xạ thủ và lái xe ngồi ở 2 bên pháo, tuy nhiên do vị trí ngồi khá cao nên góc khuất ở phía dưới tương đối lớn. Trưởng xe ngồi phía sau cùng với lính nạp đạn.
Kíp điều khiển nằm hoàn toàn ở tháp pháo bên trong. Tháp pháo này được bọc thép dày, ngoài ra còn được bao quanh bởi lớp vỏ bên ngoài, cung cấp sự bảo vệ trước vụ nổ của vũ khí hạt nhân cỡ nhỏ.
Nguyên mẫu thử nghiệm TV-8 của Chrysler
Mặc dù là một ý tưởng lạ nhưng các nghiên cứu xác định rằng TV-8 của Chrysler không có lợi thế thực sự trước những hình thức hiện tại (và vẫn còn hiện hành) của thiết kế xe tăng, vì vậy TV-8 không bao giờ đi xa hơn giai đoạn tiền sản xuất.
Xe tăng chạy bằng năng lượng hạt nhân Chrysler TV-8