Xe tăng bay có thật
Các đơn vị thiết giáp cung cấp cho lực lượng mặt đất sự bảo vệ và khả năng cơ động trên chiến trường nhưng điểm yếu của nó là thiếu đi khả năng triển khai ra mặt trận một cách nhanh chóng.
Các đơn vị lính dù có thể cấp tốc được triển khai trên chiến trường nhưng lại bị hạn chế về trang bị mà họ có thể mang theo.
Trong Thế chiến II, sự phát triển của các phương tiện bọc thép có thể được triển khai cùng với các đơn vị lính dù là sự dung hòa giữa hai khái niệm mà các quốc gia Đồng minh hướng tới.
Mỹ và Anh đã phát triển các loại xe tăng hạng nhẹ có thể bay trên tàu lượn như Mk VII Tetrarch và M22 Locust. Tuy nhiên, giải pháp xe tăng đường không của Liên Xô còn gây kinh ngạc hơn.
Thay vì sử dụng tàu lượn, Liên Xô quyết định lắp cánh cho xe tăng.
Thực ra trước đó, quốc gia này cũng đã tìm đến những giải pháp khả thi hơn. Một trong số đó là ý tưởng đưa xe tăng T-27 gắn bên dưới máy bay ném bom hạng nặng TB-3 và có khả năng triển khai ngay trên sân bay sau khi máy bay ném bom hạ cánh.
Một ý tưởng khác lại cho rằng nên gắn dù vào một chiếc xe tăng để nó có thể được thả từ trên không. Tuy nhiên, điều này đã buộc tổ lái phải thả riêng xe tăng và làm chậm quá trình triển khai máy bay trên chiến trường.
Giống như Mỹ và Anh, cuối cùng Liên Xô đã sử dụng tàu lượn như một phương pháp triển khai cho xe tăng đổ bộ đường không.
Tuy nhiên, khi Không quân Liên Xô chuyển sang làm việc với nhà thiết kế máy bay nổi tiếng Oleg Antonov, ông đã đưa ý tưởng này đi một bước xa hơn. Để nhanh chóng triển khai xe tăng trên chiến trường và giúp cho máy bay và tàu lượn không bị trì hoãn tác chiến, Antonov cho rằng chiếc xe tăng nên chủ động tự bay.
Thiết kế của Antonov là một giá đỡ giống như cánh có thể tháo rời cho xe tăng trinh sát hạng nhẹ T-60. Nó được làm bằng gỗ và vải, sử dụng cánh hai lớp với một chiếc đuôi kép.
Xe tăng lắp cánh và được kéo bởi một máy bay, sau đó nó được thả để lướt trên chiến trường, hạ cánh và bỏ đi phần giá đỡ, sẵn sàng chiến đấu gần như ngay khi chạm đất.
Xe tăng A-40 được gắn thêm cánh lượn. Tuy nhiên, máy bay kéo theo xe tăng này không đủ lực để đạt được tốc độ thiết kế.
Thiết kế kinh ngạc
Thường được gọi là A-40, loại xe tăng bay này được chế tạo vào năm 1942 và được thiết kế để có thể kéo bởi máy bay ném bom hạng nặng Pe-8 hoặc TB-3.
Mặc dù đây là những chiếc máy bay có sức kéo đáng nể, nhưng chiếc A-40 thử nghiệm vẫn phải bỏ đi vũ khí trang bị, đạn dược, đèn pha và mang theo rất ít nhiên liệu.
Bất chấp các giải pháp nhằm giảm trọng lượng, TB-3 đã không thành công trong việc duy trì sự ổn định A-40 trong chuyến bay thử nghiệm do lực cản lớn.
Ngày 2/9/1942, Liên Xô cố gắng để nhấc bổng hoàn toàn chiếc xe tăng có lắp cánh. Xe tăng cất cánh bay lên mà không gặp vấn đề gì, nhưng công suất của các động cơ TB-3 không đủ mạnh để đạt đến tốc độ thiết kế là 160 km/giờ. Khi đó, các động cơ của máy bay ném bom bắt đầu trở nên quá nóng.
Tuy nhiên, chiếc xe tăng được báo cáo là lướt đi khá trơn tru. Chiếc A-40 đã được điều khiển hạ cánh an toàn xuống cánh đồng gần sân bay mà nó cất cánh. Sau khi dỡ bỏ cụm giá bay, xe tăng đã được đưa trở về căn cứ.
Mặc dù cuộc thử nghiệm đã thành công về mặt kỹ thuật, nhưng thực tế là A-40 đã gây quá nhiều lực cản khí động học cho cả chiếc TB-3, nên dự án bị hủy bỏ. Chỉ có một chiếc T-60 từng được lắp thiết bị lượn và nó đã được thử nghiệm chỉ một lần.
Liên Xô đã tiếp tục phát triển các cách thức nhằm tăng hiệu quả việc triển khai các phương tiện bằng không quân. Tầm cuối 1940, đầu 1950, nước này đã thành công với mẫu tăng siêu nhẹ ASU-57. Tới giữa thập niên 1970, họ đã có thể thả các phương tiện chiến đấu BMD-1 với đầy đủ kíp lái xuống đất.