Xe máy bốc đầu câu like: Xử lý quyết liệt, tránh hệ lụy lớn

Trọng Điển - Minh Thùy - Trúc Thủy/VOV-Giao thông |

Hình ảnh thanh, thiếu niên chạy bốc đầu, lạng lách, “làm xiếc” nguy hiểm gần đây xuất hiện liên tục trên các trang mạng xã hội chỉ với mục đích câu “view”, câu “like”. Dù các đối tượng đã bị lực lượng chức năng xử lý nhưng dư luận không khỏi lo ngại những hậu quả nguy hiểm khó lường từ những hành vi “câu like ảo” này.

Vừa qua, lực lượng công an liên tục vào cuộc xác minh các clip, xử lý nhiều thanh, thiếu niên, học sinh trong độ tuổi từ 14 đến 20 vi phạm luật giao thông; thậm chí có nhiều hành vi liều lĩnh, thách thức như lạng lách, phóng nhanh, bốc đầu xe.

Có thể kể hàng loạt vụ việc xảy ra chỉ trong tháng 10, như trường hợp 3 thanh niên chạy xe 1 bánh “làm xiếc”, phóng bạt mạng trên quốc lộ 1 tỉnh Tiền Giang; Vụ 37 thanh thiếu niên, học sinh đua xe, bốc đầu, lạng lách trong Vườn quốc gia Ba Vì (Hà Nội) hay nhóm thanh niên bốc đầu xe máy ở Khu đô thị Thủ Thiêm (TP Thủ Đức, TP.HCM).

Xe máy bốc đầu câu like: Xử lý quyết liệt, tránh hệ lụy lớn - Ảnh 1.

Lực lượng công an liên tục vào cuộc xác minh các clip, xử lý nhiều thanh, thiếu niên, học sinh trong độ tuổi từ 14 - 20 vi phạm luật giao thông

Trong khi Đồng Nai vừa xử phạt 2 nam thanh niên không đội nón bảo hiểm, dùng chân lái xe máy trên quốc lộ thì hôm qua Công an Bà Rịa – Vũng tàu cũng vừa khởi tố 6 thanh niên đua xe, bốc đầu, lạng lách rồi đăng trên TikTok, thu hút hàng chục ngàn lượt xem. Mới nhất là một nhóm “quái xế” chạy xe phân khối lớn tốc độ 299 km/giờ, "bốc đầu", gầm rú gây náo loạn ở thị trấn Cát Bà (Hải Phòng).

Không chỉ câu “view”, nhóm "Hội Dị Nhân X" tại Bắc Ninh còn đăng các clip dạy bốc đầu xe trên đường. Những vụ việc trên không chỉ khiến người dân hoảng sợ mà còn lo lắng về hệ lụy lâu dài khi những thói xấu, hành vi nguy hiểm cứ lan truyền trên các mạng xã hội.

"Giới trẻ bây giờ hầu như nhận thức chưa đúng, trước mắt là thấy sao thì làm vậy chứ không biết hậu quả sau này để lại như thế nào".

"Những hành vi đó khiến tôi thấy sợ. Nhiều lần đi trên đường tự dung nghe tiếng nẹt pô khiến bản thân giật mình, lúc đó dễ dẫn tới ngã xe hay tai nạn".

"Câu view, câu like trên mạng là phải chấn chỉnh lại chứ trẻ em đang lứa tuổi tiếp xúc điện thoại biết được, từ đó háo thắng học theo. Phụ huynh nên dặn dò con cái, không giao xe cho các em; canh chừng các em đừng để cho các em đi".

Hành vi thanh thiếu niên lái xe lạng lách, đánh võng, bốc đầu từ lâu đã là nỗi bức xúc và ám ảnh của người đi đường, thế nhưng gần đây hiện tượng này càng “rầm rộ” hơn, phân tích về nguyên nhân, Chuyên gia tâm lý tội phạm Tiến sĩ Đoàn Văn Báu cho biết: “Nguyên nhân đầu tiên phải nói đến tâm lý của lứa tuổi này luôn thích khẳng định mình; đặc biệt lứa tuổi này hay tham gia vào những nhóm bạn, nếu như nhóm bạn chỉ thích đua xe thì những thanh niên này sẽ bị ảnh hưởng theo xu hướng đó.

Và khi xuất hiện mạng xã hội, những clip gây cấn, mang tính hành động như vậy thì luôn thu hút người xem và nhận được sự hưởng ứng của rất nhiều thanh niên khác. Thậm chí có thanh niên bị tai nạn giao thông, tử vong, bạn bè của những thanh niên đó đến nẹt pô coi như là tiễn biệt và cũng được gia đình chấp nhận điều đó. Từ đó tạo ra một xu hướng trong giới trẻ. Và đây là một vấn đề rất đáng lo ngại”.

Cũng theo Tiến sĩ Đoàn Văn Báu, các cơ quan cũng đã xử lý những thanh niên vi phạm nhưng việc xử lý chưa đủ sức răn đe nhiều so với sức hút của mạng xã hội, vì vậy ông kiến nghị:

“Nếu chúng ta nói về giáo dục ý thức chấp hành luật giao thông, rối giáo dục từ gia đình, nhà trường để trang bị cho các em những kỹ năng để hướng các em đến những hoạt động tích cực thì chúng ta đã làm từ lâu rồi nhưng thực sự chưa hiệu quả và cần làm đồng bộ. Nhưng cái trọng yếu nhất là xử phạt thật nặng để thay đổi nhận thức tới đây.

Tốt nhất với những trường hợp như vậy nên tịch thu phương tiện, kể cả người giao phương tiện cho thanh niên này cũng phải chịu liên đới trách nhiệm. Đặc biệt là các chủ mạng xã hội ở Việt Nam làm thể nào để thanh lọc các clip vi phạm pháp luật, mới tạo ra môi trường trong sạch trên không gian mạng. Và các cơ quan an ninh mạng cũng cần can thiệp để kịp thời xử lý những đối tượng này”.

Thừa nhận về thực tế trên, ông Nguyễn Vũ Hạnh Phúc - Chánh văn phòng Ban An toàn giao thông TP.HCM đánh giá:

“Qua theo dõi cũng có ghi nhận trong thời gian gần đây, tình hình một số đối tượng là thanh thiếu niên có tụ tập chạy lạng lách, đánh võng, có hành vi biểu diễn gây nguy hiểm cho bản thân người đó và những người lưu thông khác.

Xe máy bốc đầu câu like: Xử lý quyết liệt, tránh hệ lụy lớn - Ảnh 2.

Hành vi thanh thiếu niên lái xe lạng lách, đánh võng, bốc đầu từ lâu đã là nỗi bức xúc và ám ảnhcủa người đi đường

Thực tế cũng đã có trường hợp gây tai nạn thương tích, thậm chí tử vong. Cùng với việc bùng nổ công nghệ thông tin, việc này gây ra một hệ lụy ảnh hưởng đến an ninh trật tự, trật tự an toàn giao thông; một góc nhìn xấu về giới trẻ; đặc biệt là giống như một hiện tượng lôi kéo, kích động người khác để mục đích là câu view, câu like”.

Trước những bức xúc và lo lắng của người dân, ông Nguyễn Vũ Hạnh Phúc khẳng định, thời gian qua lực lượng chức năng vẫn thương xuyên xây dựng kế hoạch để siết chặt và xử lý các đối tượng gây rối trât tự công cộng, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn; đặc biệt là hướng đến các chế tài xử phạt nghiêm minh nhằm xử lý triệt để và chấn chỉnh ý thức của giới trẻ.

“Các lực lượng, đặc biệt là lực lượng CSGT cũng đã xây dựng kế hoạch ngay từ đầu năm. Qua đó cũng có tiếp cận, theo dõi hoạt động của các nhóm này trên các trang mạng xã hội để từ đó xây dựng kế hoạch phù hợp, ngăn chặn ngay từ đầu để tránh hậu quả đáng tiếc. Ngoài vi phạm hành chính, nếu đủ yếu tố cấu thành hành vi gây rối trật tự công cộng thì sẽ cũng cố hồ sơ để khởi tố, răn đe về hình sự thì mới triệt để”.

Nghiêm trị để ngừa hậu họa

Hành vi tụ tập đua xe trái phép, bốc đầu xe, lạng lách, đánh võng từ lâu đã bị lên án và xử lý nghiêm minh, không khoan nhượng. Tuy nhiên vì nhiều lý do khác nhau, suốt thời gian qua, tình trạng này ở nhiều địa phương trong cả nước có lúc vẫn không thuyên giảm, thậm chí ở nhiều nơi có dấu hiệu gia tăng.

Mới đây tại Vĩnh Long, VOV Giao thông đã có bài phản ánh, hàng đêm có rất đông nhóm quái xế ở nhiều tỉnh miền Tây tập trung về đoạn quốc lộ 1, ở huyện Bình Minh, ngay chân cầu Cần Thơ rồi tổ chức đua xe, đánh võng.

Tiếng động cơ gầm rú, nẹt pô, lạng lách, khiến người dân trong khu vực và người đi đường nơm nớp lo sợ. Lực lượng liên ngành dù có ra quân trấn áp nhưng khi nơi lỏng, thực trạng này lại tái diễn, rất nhức nhối.

Xe máy bốc đầu câu like: Xử lý quyết liệt, tránh hệ lụy lớn - Ảnh 3.

Bất cứ hành vi nào gây mất trật tự an toàn giao thông vì thế đều phải bị lên án và xử lý rốt ráo

Một thực tế nữa là, lợi dụng mạng xã hội,nhất là người trẻ tuổi đã lập các nhóm trên zalo,facebook, rồi tổ chức bốc đầu xe, lạng lách, quay video rồi đăng lên mạng xã hội để câu viee, câu like. Tiến tới là tập hợp để đua xe, đánh võng.

Có những trang cá nhân đăng các hình ảnh này có hàng trăm ngàn lượt theo dõi; nhất là giới trẻ. Khi bị xử lý thì khai báo là không nhận thức được hành vi, chỉ vì muốn thể hiện bản lĩnh hay thỏa mãn cái tôi cá nhân.

Việc mới đây, công an Hải Phòng và nhiều địa phương khác khởi tố, bắt tạm giam các nhóm tổ chức đua xe, bốc đầu xe rồi đưa lên mạng xã hội là kịp thời và có tính cảnh tỉnh cao.

Rõ ràng trong bối cảnh tai nạn giao thông có dấu hiệu gia tăng, cướp đi sinh mạng của nhiều người hàng ngày, đang là hồi chuông báo động với mỗi người, mỗi nhà. Bất cứ hành vi nào gây mất trật tự an toàn giao thông vì thế đều phải bị lên án và xử lý rốt ráo.

Đối với những người nổi tiếng, có ảnh hưởng đến xã hội, hành vi này còn nguy hiểm hơn nhiều. Các động tác điều khiển xe mất an toàn, nguy hiểm đến tính mạng nếu được chủ ý đăng tải trên mạng xã hội sẽ gây tò mò,kích thích nhiều người trẻ bắt trước và làm theo.

Hành vi này có thể sẽ thành trào lưu, gây mất an ninh trật tự xã hội; uy hiếp người đi đường và người dân sống quanh khu vực.

Do vậy, để đảm bảo trật tự an toàn giao thông, tiến tới hạn chế và đẩy lùi tai nạn giao thông do hành vi tụ tập đua xe trái phép, điều khiển xe nguy hiểm. Mỗi gia đình khi giao xe cho con cái cần làm rõ con mình sử dụng phương tiện vào việc gì, làm gì, ở đâu, nhất là vào đêm hôm khuya khoắt.

Thường xuyên nhắc nhở con em về việc chấp hành an toàn giao thông. Nếu các em có biểu hiện bắt chước, học đòi bạn bè độ xe, rồi tụ tập đua xe, lạng lách, đánh võng cần kiên quyết không cho sử dụng phương tiện; thậm chí là báo lực lượng chức năng để ngăn chặn từ xa; giáo dục để con em tỉnh ngộ, không hành động sai trái.

Lực lượng chức năng, nhất là cảnh sát giao thông thường xuyên ra quân trấn áp các hành vi vi phạm này. Do các đối tượng đua xe trái phép thông qua các nhóm kín trên mạng xã hội, luôn tìm cách che giấu việc tổ chức đua xe trái phép nên công tác mật phục, điều tra, nắm bắt cũng cần được làm thường xuyên để phát hiện.

Các lò độ, chế xe gắn máy ở mức độ nào đó chính là sự tiếp tay cho hành động nguy hiểm này vì thế cũng phải bị kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm. Riêng các hành động bốc đầu xe, biểu diễn lái xe không đúng quy định đưa lên mạng xã hội cũng phải bị lên án và thậm chí là truy tố theo luật định.

Rõ ràng, nếu luật pháp không được thực thi triệt để; thỏa hiệp với các hành vi lệch chuẩn trong sử dụng và điều khiển phương tiện giao thông nhất là đối với xe mô tô, gắn máy. Hậu quả từ các vụ tai nạn giao thông do các hành vi này để lại còn nhức nhối và đau lòng hơn nữa với mỗi người, mỗi gia đình và toàn xã hội.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại