Nỗi kinh hoàng
Ông Nguyễn Quang Thu, khu tập thể Thanh Xuân Bắc (Hà Nội), cho biết, ra đường bây giờ ông không chỉ sợ đám thanh niên choai choai lái xe côn tay rú ga lạng lách, mà sợ hơn cả là các anh đi xe máy nát, chở hàng công kềnh như sắt thép, nước đá,...
Xe kêu ầm ĩ, lại phóng bạt mạng, khói thải ra mù mịt như đi "cân đẩu vân", tung hoành khắp phố phường. Chẳng cần nhìn, chỉ nghe thấy tiếng máy nổ là ông đã lạnh lưng, vội vàng tìm cách né tránh để khỏi bị va quệt.
Thời gian qua, mặc dù lực lượng chức năng đã có nhiều đợt kiểm tra, xử lý các loại xe máy cũ nát, không đèn, không còi, không gương,... song, đến nay, những chiếc xe máy loại này vẫn nhan nhản vô tư lưu thông trên đường, chở hàng trăm ký hàng hóa, thậm chí người điều khiển còn phóng nhanh, vượt ẩu.
Hầu hết những chiếc xe này đều không có giấy tờ, được cải tạo lại để mưu sinh, giá rất rẻ. Xe đi cả năm có khi chẳng phải sửa chữa hay bảo dưỡng gì, cứ khi nào không nổ máy được nữa mới đem ra cửa hàng sửa chữa.
Hơn nữa, những chiếc xe này có thể vứt lăn lóc chẳng ai thèm lấy, có bị lực lượng chức năng kiểm tra thu xe, thì bỏ luôn kiếm cái khác.
Một số người điều khiển những chiếc xe máy cũ nát này chia sẻ, họ thừa biết xe rất thiếu an toàn, thậm chí nguy hiểm khi tham gia giao thông và gây ô nhiễm môi trường.
Nhưng vì khó khăn, họ vẫn bất chấp. Tuy nhiên, đến cả những đại lý bán sơn, nước đá, sắt thép,... cũng rất ưa chuộng và chọn mua xe cũ nát giao cho nhân viên để vận chuyển hàng cho khách.
Theo nhân viên sửa xe tại cửa hàng chuyên mua xe cũ về tu sửa, bán cho người có nhu cầu làm phương tiện vận chuyển ở đầu phố Hạ Đình (Thanh Xuân, Hà Nội), thì trong tất cả các loại xe cũ, nát, Honda Cub, Wave, Dream,... vẫn được lựa chọn nhiều nhất.
Ưu điểm của những chiếc xe này là nhỏ gọn, máy khỏe, khung chắc, chở nặng tốt, lại ăn ít xăng. Một chiếc xe như vậy cửa hàng này đang bán ra khoảng 2,5-3 triệu đồng.
Nhất là xe Honda Cub, nhiều khách đặt nhưng không phải lúc nào cũng có. Nhưng có không ít người tìm mua xe cũ, nát xuất xứ Trung Quốc do giá rẻ chỉ 1-2 triệu đồng/chiếc.
Nguyễn Công Huynh, một thợ chuyên sửa xe máy tại Thanh Xuân Nam (Hà Nội), cho hay, sửa những chiếc xe này vô cùng vất vả, mà công chẳng được bao nhiêu. Nhưng vì khách hàng chủ yếu là lao động nghèo từ quê ra, làm xe ôm vận chuyển hàng hóa, nên anh giúp họ là chính.
Cũng theo anh Huynh, nhiều chiếc xe chẳng khác gì đống sắt vụn, bị chuột bọ cắn phá dây điện, khung gầm biến dạng. Dây điện có thể thay mới, nhưng khung xe biến dạng, không thể khôi phục chuẩn được như ban đầu, tình trạng an toàn rất kém.
Giá trị những chiếc này này quá thấp, nên người sử dụng, chẳng việc gì bỏ tiền ra để sửa chữa, trừ khi không thể đi được, anh Huynh nói.
Liệu có xử lý được?
Đây là hiện tượng đáng ngại đối với giao thông Hà Nội nói riêng cả nước nói chung. Những phương tiện không đủ tiêu chuẩn an toàn, lại chở nhiều hàng hóa, với trọng lượng vượt quá quy định cho phép.
Gần như 100% phương tiện này được hoán cải, gia cố thêm các thiết bị chịu lực để chở hàng cồng kềnh, lái xe bất chấp các quy định về an toàn giao thông, gây nguy hiểm cho bản thân và người khác.
Trên thực tế đã xảy ra không ít vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng từ những phương tiện này.
Đến nay, Việt Nam vẫn chưa có quy định về niên hạn đối với xe máy, vì cho rằng nếu quy định niên hạn sẽ loại bỏ nhiều xe máy cũ, trong khi ở nông thôn, vùng sâu vùng xa, đây vẫn là phương tiện đi lại, mưu sinh chủ yếu của người dân.
Bên cạnh đó, việc xử lý xe máy xả khói ô nhiễm cũng gặp khó khăn, do thiếu quy định. Theo một cán bộ phòng Cảnh sát giao thông, Công an TP. Hà Nội, có hàng trăm chiếc xe máy cũ nát, chở hàng hóa cồng kềnh, xe tự chế bị xử lý và tạm giữ từ đầu năm 2015 đến nay.
Mặc dù vậy, xe máy cũ nát vẫn tung hoành. Người điều khiển những chiếc xe cũ nát này cứ lấy lý do, vì điều kiện khó khăn, nên phải tận dụng, chở thuê kiếm sống.
Mới đây, khi lãnh đạo TP. Hà Nội đề xuất, tìm cách loại bỏ xe máy cũ bởi tình trạng ô nhiễm môi trường đã đến mức báo động và để đảm bảo an toàn giao thông, thì gặp phải không ít ý kiến phản đối. Họ cho rằng, làm như vậy thì người nghèo lấy gì để mưu sinh?
Ngược lại, có nhiều ý kiến phản ứng bởi cứ kêu ca ô nhiễm môi trường, tai nạn giao thông,... nhưng khi cơ quan chức năng muốn xử lý lại phản đối.
Hút thuốc lá nơi công cộng, còn bị phạt vài trăm nghìn đồng, trong khi xe máy cũ xả khói đen, gây ô nhiễm thì không sao. Rõ ràng, về lâu dài, vì một môi trường sống trong lành và bền vững, các giải pháp cũng cần sớm thực thi.