Vụ tai nạn thảm khốc trên quốc lộ 20 mới đây một lần nữa báo động rằng dường như lâu nay quá trình xử phạt còn chưa đủ răn đe, nâng cao ý thức của tài xế, nhà xe. Do đó, cần phải có biện pháp xử lý triệt để những vi phạm kiểu này chứ không "bắt cóc bỏ dĩa", làm quyết liệt và đến nơi đến chốn.
Theo Cục CSGT Bộ Công an, 6 tháng đầu năm, gần 3.000 người thiệt mạng do tai nạn giao thông. Trong đó, số vụ liên quan đến phương tiện xe khách chiếm một phần không nhỏ. Ngày 14/2/2023, tại Huyện Núi Thành (tỉnh Quảng Nam) đã xảy ra vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng giữa xe khách 16 chỗ và xe đầu kéo sơ mi rơmoóc. Hậu quả của vụ tai nạn đã khiến 10 người thiệt mạng và nhiều người bị thương. Theo kết quả điều tra vận tốc xe khách lúc tai nạn là 69 km/h, 10 giây trước là 73 km/h.
Vụ tai nạn nghiêm trọng tại tỉnh Đồng Nai vào rạng sáng 30/9/2023 trên Quốc lộ 20 làm 9 người thương vong
Liên tiếp các vụ tai nạn xe khách nghiêm trọng
Ngày 2/4, tại TP Pleiku (tỉnh Gia Lai), chiếc xe khách chở gần 30 hành khách sau khi va chạm với một chiếc xe tải thì tiếp tục mất lái, lao vào một nhà dân ven đường. 2 người thiệt mạng tại chỗ và nhiều hành khách bị chấn thương nặng. Chiều ngày 8/10 vừa qua, trên tuyến đường tránh thị xã Buôn Hồ (tỉnh Đắk Lắk) xảy ra vụ tai nạn giao thông giữa xe khách 16 chỗ và xe tải khiến 1 người chết, hơn 10 người phải nhập viện cấp cứu.
"Cũng rất là ẩu, nó lấn đường, phải nói là nhìn thấy sợ luôn. Ở chỗ này cũng hồi hộp lắm đấy".
"Đã sử dụng rượu bia thì không nên lái xe, cái thứ 2 nữa là phải chạy đúng tốc độ quy định, cái thứ 3 là phải đi đúng làn đường, phần đường quy định".
"Tôi thì mong muốn cơ quan chức năng có biện pháp làm sao mà xử lý nghiêm các xe khách chạy ẩu, chứ cứ để như vậy thì rất nguy hiểm".
Tại Đồng Nai vào rạng sáng 30/9 vừa qua đã xảy ra tai nạn giữa xe khách giường nằm thuộc Công ty TNHH Thành Bưởi và xe khách 16 chỗ trên quốc lộ 20 khiến 5 người tử vong, nhiều người khác bị thương.
Bước đầu, Cơ quan điều tra xác định nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng trên do tài xế Hoàng Văn Tính (37 tuổi, quê Thừa Thiên Huế) điều khiển xe khách của nhà xe Thành Bưởi lấn trái rồi đâm trực diện vào ô tô 16 chỗ chạy chiều ngược lại. Đáng nói, lúc gây tai nạn tài xế Tính đang bị Công an tỉnh Lâm Đồng tước bằng lái xe 3 tháng vì lái xe khách chạy quá tốc độ. Được biết, hồi tháng 7 vừa qua, tài xế nhà xe này cũng bị xác định chạy vượt trái không đúng quy định, gây tai nạn làm hai người chết tại huyện Thống Nhất.
Theo ông Khuất Việt Hùng (Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia), sắp tới sẽ đề nghị Cục Đường bộ Việt Nam cung cấp toàn bộ dữ liệu của xe vận tải hành khách và xe tải chở hàng hóa lưu thông trên Quốc lộ 20 cho Công an Đồng Nai và Công an Lâm Đồng để kiểm tra: “Sẽ đề nghị với Cục Đường bộ Việt Nam, phối hợp cung cấp toàn bộ dữ liệu, thiết bị giám sát hành trình của tất cả các xe kinh doanh vận tải mà có gắn giám sát hành trình hoạt động trên quốc lộ 20 cho công an tỉnh Lâm Đồng và công an tỉnh Đồng Nai”.
Ông Khuất Việt Hùng cũng khẳng định, hiện quy định ô tô hoạt động vận tải hành khách bắt buộc phải gắn thiết bị giám sát hành trình, do đó, phía nhà xe đủ năng lực để phát hiện, giám sát và cảnh báo nếu tài xế vi phạm: “Với quy định về lắp đặt camera giám sát đối với người điều khiển phương tiện thì chắc chắn trước tiên đơn vị kinh doanh vận tải họ hoàn toàn có đầy đủ năng lực để họ phát hiện, giám sát và cảnh báo mọi nguy cơ, mọi hành vi mà có thể dẫn đến mất an toàn trong quá trình điều khiển phương tiện. Và khẳng định rằng, tất cả đơn vị kinh doanh vận tải đều phải kiểm tra và khẳng định rằng người, tức là lái xe, nhân viên phục vụ và phương tiện phải đảm bảo đầy đủ các điều kiện theo quy định pháp luật thì mới được điều khiển phương tiện tham gia giao thông trên đường.”.
Có thể thấy, nhiều lỗi vi phạm mà tài xế xe khách thường xuyên mắc phải có thể kể đến như chạy quá tốc độ, vượt ẩu, hậu quả là tính mạng của rất nhiều hành khách trên xe bị đe dọa, cũng như gây tâm lý lo lắng cho người dân.
Hiện trường vụ xe khách và xe tải tông nhau khiến 13 người thương vong xảy ra hôm 8/10 tại ở Đắk Lắk
Theo luật sư Đỗ Trúc Lâm (đoàn luật sư TP.HCM) lĩnh vực giao thông mang tính chất đặc thù và hoàn toàn có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, do đó cần tăng mức chế tài xử phạt kể cả về mặt dân sự và hình sự để đảm bảo tính răn đe: “Cái mức chế tài không chỉ dừng lại ở chuyện phạt tiền mà còn xem xét về yếu tố hình sự đối với trường hợp là biết sai mà vẫn làm, cố ý thực hiện việc kinh doanh không đảm bảo về phương tiện, không đảm bảo về yếu tố dân sự, con người thì cần phải xem xét để tăng mức phạt kể cả vấn đề truy cứu trách nhiệm hình sự thì từ đó mới đảm bảo được tính phòng ngừa, tính răn đe.”.
Đồng quan điểm, tiến sỹ Phan Lê Bình (chuyên gia giao thông) cho rằng, ngoài việc tăng mức phạt, thì cần quy định cụ thể thời hạn thu hồi đối với phương tiện có vi phạm trong một khoảng thời gian nhất định. Ngoài ra, cần quy định bổ sung đối với các đơn vị kinh doanh vận tải bị thu hồi biển hiệu, phù hiệu và trường hợp tái phạm thì bị thu hồi giấy phép kinh doanh vĩnh viễn.
Bên cạnh đó, yếu tố tăng cường việc tuần tra kiểm soát của lực lượng chức năng cũng cực kỳ quan trọng: “Ở những nước tiên tiến ví dụ như khi mà các hãng vận tải hành khách có xe xảy ra tai nạn thì người ta không chỉ xử phạt xử tù người điều khiển phương tiện mà người ta sẽ mở 1 cuộc điều tra. Với những vụ tai nạn nghiêm trọng thì người ta sẽ kiểm tra, thanh tra triệt để quá trình điều hành xe.
Và trong trường hợp có vi phạm, vi phạm nghiêm trọng thì 1 là có thể tước giấy phép đối với hãng vận tải hành khách đó, 2 là có thể liên đới truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có trách nhiệm điều hành hãng đó. Chỉ có làm như vậy thì mới có thể xóa bỏ tận gốc vấn đề. Và 1 cái điểm vô cùng quan trọng đó là chúng ta hay nói là sử dụng GPS, camera hành trình… để xử phạt xử lý, đúng là những cái đó cũng có ý nghĩa hỗ trợ cho lực lượng chức năng nhưng cái cách cổ điển nhất và vẫn là có hiệu ứng răn đe cao là CSGT đi tuần trên tuyến. Nhấn mạnh là đi tuần trên tuyến chứ không phải đứng 1 chỗ để bắt các phương tiện đi quá tốc độ thì nó mới có tính răn đe cao.”.
Nhờn thuốc, nhờn luật đến bao giờ?
Vì nhiều lý do khác nhau mà tôi và không ít người đã chọn cách di chuyển từ TP.HCM đến thành phố Đà Lạt bằng xe khách giường nằm. Và cũng không ít lần tổi cũng như các hành khách được trải qua cảm giác “hú vía” khi đặt chân xuống thành phố hoa sau khi đươc trải nghiệm những màn lạng lách, đánh võng, vượt trái và chạy quá tốc độ quy định…vốn được xem là đặc sản trên những chuyến xe liên tỉnh này.
Lực lượng chức năng khám nghiệm hiện trường, điều tra, làm rõ nguyên nhân cụ thể vụ tai nạn tại Đắk Lắk đêm 8/5
Khi công bố kế hoạch thanh tra toàn diện nhà xe Thành Bưởi – doanh nghiệp vận tải chuyên tuyến TPHCM – Đà Lạt, Sở GTVT TP.HCM đã công bố hàng trăm lỗi vi phạm tốc độ của nhà xe này chỉ trong 9 tháng đầu năm 2023. Tuy nhiên theo chúng tôi, đó mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, bởi nếu thống kê đầy đủ dựa trên số lượt xe xuất bến hàng ngày của nhà xe này, con số vi phạm chắc chắn sẽ lớn hơn nhiều. Đó là chưa kể các lỗi phổ biến khác như dừng đỗ không đúng quy định, hoạt động kinh doanh vận tải theo hợp đồng trá hình….
Không phải đến khi xảy ra vụ tai nạn thảm khốc trên quốc lộ 20 đêm ngày 30/9 vừa qua thì dư luận mới dậy sóng, mà trước đó nhiều năm nhà xe này đã trở thành một cái tên “quen mặt” trong các quyết định thanh kiểm tra từ cấp Bộ đến các địa phương. Song, không hiểu vì phép màu thần kỳ nào đó mà càng kiểm tra xử phạt thì hoạt động của nhà xe này lại càng ồn ào, rầm rộ.
Hành vi xem thường pháp luật của nhà xe này là không cần phải bàn cãi, song điều mà nhiều người dân quan tâm là có hay không việc các cơ quan quản lý nhà nước “cố tình làm ngơ” để cho doanh nghiệp vi phạm từ năm này sang năm khác, từ địa điểm này sang địa điểm khác, từ hình thức này đến hình thức khác…Và phải chăng chính sự thiếu quyết liệt trong quản lý và thực thi pháp luật của các bên đã tạo nên chứng “nhờn thuốc, nhờn luật” của các doanh nghiệp vận tải nói chung, nhà xe Thành Buởi nói riêng.
Trong các loại hình vận tải thì vận tải hành khách là loại hình đặc thù cần có sự giám sát, quản lý và kiểm soát thường xuyên, chặt chẽ bởi nó liên quan trực tiếp đến tính mạng của con người. Do vậy, không thể cứ tiếp tục thả nổi, buông lỏng trong quản lý như thời gian quan mà cần có sự vào cuộc tích cực, quyết liệt hơn nữa từ Trung ương đến địa phương.
Quan trọng hơn là cần phải có các biện pháp xử lý triệt để, làm đến nơi đến chốn chứ không chỉ dừng ở mức “rung cây dọa khỉ” để rồi tính mạng của hành khách, của người dân tiếp tục bị xem thường, rẻ rúng.