Đàm Văn Lương - tài xế gây ra tai nạn thương tâm khiến 4 mẹ con ở huyện Hoài Đức (Hà Nội) thiệt mạng đã bị bắt và khởi tố. Không còn gì phải bàn cãi về sai phạm của tài xế, anh ta sẽ phải bị xét xử và nhận bản án đích đáng. Tuy nhiên, để xảy ra cái chết thảm khốc của 4 người trong một gia đình như vậy, trách nhiệm không chỉ thuộc về tài xế.
Cơ quan chức năng đã xác định, chiếc xe tải "hổ vồ" gây tai nạn khiến 4 mẹ con thiệt mạng chở quá tải tới 74%, tài xế dương tính với ma tuý, ngoài ra còn có sự gian dối về đăng kiểm (tem kiểm định thuộc về xe khác). Sau khi thông tin khởi tố vụ án, khởi tố bị can được báo chí đăng tải, rất nhiều người dân đặt câu hỏi, trong 2 vi phạm đó, chủ doanh nghiệp sử dụng tài xế có trách nhiệm đến đâu.
Dư luận cho rằng chủ doanh nghiệp sử dụng tài xế gây ta tai nạn thảm khốc khiến 4 mẹ con thiệt mạng không thể vô can.
Quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động lái ô tô được nêu rõ trong Thông tư liên tịch 24/2015/TTLT-BYT-BGTVT của Liên Bộ Y tế và Bộ Giao thông - Vận tải: Người sử dụng lái xe phải đảm bảo sức khỏe của tài xế đạt tiêu chuẩn và bắt buộc phải tổ chức khám sức khỏe định kỳ; phải quản lý và theo dõi tình trạng sức khỏe, hồ sơ sức khỏe của tài xế. Những người nghiện hay bị lệ thuộc vào ma túy hoàn toàn không được phép lái xe. Với người đã cai nghiện, người sử dụng lao động phải sát sao, yêu cầu khám sức khỏe định kỳ 6 tháng.
Bằng chứng từ công an cho thấy tài xế Lương có sử dụng ma túy trước khi thực hiện chuyến đi hủy hoại mạng sống của người phụ nữ và 3 đứa trẻ. Người thuê có biết anh ta sử dụng ma túy, có yêu cầu anh ta khám sức khỏe và thực hiện các xét nghiệm cần thiết đúng định kỳ hay không? Có chăng tình trạng biết mà vẫn thuê lao động này, hoặc không cần biết?
Cơ quan chức năng cần làm rõ điều này, bởi nếu có sự lơ là, vô trách nhiệm trong việc quản lý và sử dụng tài xế, hoặc cố ý vi phạm thì dù tài xế Lương bị bắt, nguy cơ xảy ra những vụ tai nạn khác vẫn tồn tại.
Còn với vi phạm chở quá tải tới 74%, sai phạm của chủ doanh nghiệp vận tải là không thể chối cãi.
Chủ doanh nghiệp vận tải có trách nhiệm kiểm tra tổng trọng lượng hàng hóa trên xe và phải đảm bảo không vượt quá con số quy định. 74% là mức quá tải rất lớn, khiến chiếc xe trở nên nguy hiểm và chắc chắn là yếu tố góp phần tạo nên tai nạn kinh hoàng trưa 16/7.
Trong 5 nhóm hành vi chính gây ra tai nạn giao thông, xe chở quá tải trọng quy định xếp ngay sau nồng độ cồn và ma túy. Sự tham lam của chính các chủ doanh nghiệp vận tải đã khiến rất nhiều người bỏ mạng. Nhiều người hẳn chưa quên tai nạn thảm khốc xảy ra ở Vũng Tàu hồi tháng 3 khi một người đàn ông dừng đèn đỏ thì bị ô tô tải mất phanh từ phía sau đâm chết.
Công an xác định, chiếc xe có tải trọng 11 tấn nhưng chở tới gần 16 tấn, tình trạng quá tải ảnh hưởng lớn đến các đặc tính kỹ thuật của xe, trong đó có hệ thống phanh.
Vì lợi ích cho cá nhân và doanh nghiệp mà nhiều kẻ kinh doanh dịch vụ thản nhiên để cho những chiếc xe quá khổ, quá tải nghênh ngang trên đường, đe dọa và cướp đi sinh mạng bao nhiêu người vô tội. Chủ doanh nghiệp vận tải không thể vô can sau những vụ tai nạn kinh hoàng đã xảy ra.
Trong vụ tai nạn làm chết 4 mẹ con ở Hoài Đức, sự coi thường tính mạng con người của chủ doanh nghiệp vận tải còn thể hiện ở việc sử dụng tem đăng kiểm của xe khác. Chiếc xe gây họa mang biển 88C-288.49 nhưng số xe ghi trên tem kiểm định lại là 88C-252.53, và phiếu này cũng đã hết hạn.
Thật kinh khủng khi một chiếc xe không đăng kiểm chở số hàng vượt quá gần gấp đôi tải trọng quy định, được một tài xế sử dụng ma túy lái ra đường. Tai nạn là điều dễ hiểu. Điều này xảy ra cho thấy sự bất chấp pháp luật, bất chấp mạng người của đơn vị vận tải, và cơ quan thực thi pháp luật cần điều tra để xác định cụ thể.
Nếu những kẻ kinh doanh vô đạo đức không bị truy cứu trách nhiệm, sẽ tiếp tục có nhiều người chết oan bởi những chuyến xe tử thần.