Sản phẩm xe cứu hộ lốp ô tô khẩn cấp thay thế lốp phụ.
Không cần tháo lắp khi lốp bị xì hơi
Anh Đào Văn Minh (Hà Nội), là một trong những tác giả vinh dự nhận giải Ba Cuộc thi Sáng kiến khoa học 2022. Theo anh Minh, trên lãnh thổ hiện nay Việt Nam ước tính 5 triệu xe ô tô lưu thông.
Trung bình mỗi năm có thêm 300.000 xe mới tham gia lưu thông... Hiện, các hãng đều sản xuất lốp phụ cho ô tô để sử dụng trong trường hợp bất ngờ gặp vấn đề cần thay thế. Yếu tố này làm tăng tải trọng, giảm không gian, kích thước khoang chứa đồ của xe.
Vấn đề nữa là kỹ năng của người sử dụng xe khi gặp vấn đề về lốp lại không được hướng dẫn, đào tạo... sẽ gặp khó khăn khi thay lốp. Mà nếu có thể thay lốp thì bộ dụng cụ chưa chắc đã đủ, dẫn đến khi có sự cố sẽ mất thời gian, ảnh hưởng đến người tham gia giao thông.
Vì vậy, cần một giải pháp thay thế nhanh để tránh mất thời gian cho việc này và để việc tham gia giao thông được liên tục... tiết kiệm nguồn kinh phí lớn cho chủ phương tiện cũng như xã hội như giảm ùn tắc giao thông, chi phí cho chủ phương tiện đợi cứu hộ...
Ý tưởng làm xe cứu hộ đến trong một lần xe của Đào Văn Minh bị nổ lốp trên đường cao tốc đi Hải Phòng vào tối muộn năm 2020. “Tôi nghĩ cần có giải pháp khẩn cấp để chủ phương tiện tự “giải cứu”, di chuyển ngay đến nơi an toàn, vì tính mạng con người là quan trọng nhất”, anh nói.
Từ lên ý tưởng, thí nghiệm và cải tiến sản phẩm để ra được sản phẩm hoàn thiện anh mất khoảng hơn một năm. Anh cho biết, quan trọng nhất là khâu chọn vật liệu, thiết kế bánh và lốp xe. Chi phí vật tư cho thí nghiệm tốn kém với khoảng gần 300 lần thử nghiệm và cải tiến.
Xe cứu hộ lốp có thể giúp ô tô di chuyển đến nơi an toàn mà không cần tháo lắp. Xe có kết cấu khung ống đúc bằng thép hợp kim, cầu dẫn bán nguyệt có đinh pa thép HHS kết hợp với dây đai buộc hãm cố định lốp.
Phía dưới có lốp bánh xe làm bằng vật liệu đặc biệt chịu được tải trọng lớn. Khi xe bị nổ lốp không cần kích nâng mà chỉ cần điều khiển xe di chuyển vào đúng vị trí xe cứu hộ sau đó có thể đi tiếp.
Mong hợp tác với các hãng sản xuất ô tô
Anh Minh giải thích, ô tô có tải trọng lớn và cần đảm bảo tính an toàn khi di chuyển tốc độ cao, do đó việc chế tạo xe cứu hộ phải có khả năng chịu tải và làm việc cường độ cao. Khó nhất là thiết kế tối ưu cầu dẫn để xe có thể lên được mà không bị trượt, tức là phải tạo lực ma sát bám mặt đường khi xe di chuyển lên.
Anh Đào Văn Minh chia sẻ, để thiết kế cầu dẫn bánh xe chính xác, có độ bám an toàn, anh đã hợp tác với một đơn vị sản xuất của Nhật Bản để sản xuất khung và lốp đạt độ chính xác, chịu được tải, tốc độ cao.
Sau hàng trăm lần thay đổi, cải tiến anh đã có được thiết kế tối ưu và chọn được vật liệu phù hợp. Tác giả kỳ vọng giải pháp sẽ hỗ trợ cho người sử dụng xe ô tô, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông, ùn tắc và giảm chi phí, an toàn tính mạng và tài sản cho chủ xe, tiết kiệm thời gian so với gọi cứu hộ.
Anh cho biết sẽ tiếp tục cân bằng các yếu tố, cải tiến thiết bị nhỏ gọn và phối hợp với các doanh nghiệp để triển khai, hướng tới hợp tác các hãng xe như một thiết bị tặng kèm thiết yếu, quan tâm tới người tiêu dùng.
Gia đình anh Phùng Văn Thăng (Long Biên, Hà Nội) đã sử dụng xe cứu hộ Avandy, do thường xuyên di chuyển tới nhà máy làm việc tại Bắc Ninh. Anh kể ban đầu khi vợ mua về anh không tin tưởng sản phẩm này lắm, chủ yếu để sau cốp xe dùng như xe đẩy chở đồ nặng, bàn ghế đi cắm trại và cho con chơi. Nhưng đợt nghỉ lễ 30/4 khi cùng gia đình đi từ Thanh Hóa về gần đến Hà Nội thì xe bị xịt lốp, lúc này xe cứu hộ bỗng trở nên hữu dụng.