Ngày 2/10, VinFast đã chính thức trình làng 20 thiết kế xe đến từ 4 studio danh tiếng thế giới dành riêng cho thị trường Việt Nam để trưng cầu ý kiến người tiêu dùng trong nước.
Rất nhiều ý kiến tỏ rõ sự phấn khích trước thông tin này, dành nhiều lời khen cho các thiết kế xe, tuy nhiên cũng có những ý kiến lo lắng về sự tương đồng dễ nhận ra giữa thiết kế xe Made in Vietnam với những người "anh em" nổi tiếng của nước Ý. Ngoài ra, giá xe dự kiến chưa được công bố cũng trở thành điểm tranh luận chính của cộng đồng mạng.
Dưới con mắt một chuyên gia về xe, ông Nguyễn Thanh Hải, cựu Giám đốc Marketing Bentley và Lamborghini Việt Nam, cho rằng nếu thực hiện theo đúng bản thiết kế đã công bố, xe của VinFast sẽ có ngôn ngữ thiết kế hiện đại, phù hợp xu hướng của thế giới và đạt mức giá từ 1 đến 2 tỷ đồng/chiếc.
Ông đánh giá ra sao về những thiết kế vừa trình làng của VinFast?
Các bản vẽ tập trung vào 2 hướng: Một thiên về khả năng vận hành, tính thể thao cao như của ItalDesign; hai là sang trọng như của Torino. Như vậy, tuỳ vào việc Vin lựa chọn hướng phát triển sản phẩm, họ sẽ có lựa chọn tương ứng.
Tôi đánh giá cao hai thiết kế của Ital Design và Torino. Một số mẫu nặng tính concept quá hoặc phù hợp với xe điện. Trong khi hai mẫu trên phù hợp để đưa vào sản xuất vì nó có thể phát triển thêm chứ không đóng khung như kiểu mềm mại quen thuộc. Chúng mang hơi hướng tương lai và có tiềm năng.
Mẫu Sedan của Ital Design...
... và SUV của Torino được ông Hải đánh giá cao.
Từ thiết kế này, ông đánh giá ra sao về mức độ khả thi bởi thực tế cho thấy những chiếc xe trên thiết kế của bản concept thường ấn tượng hơn nhiều so với xe xuất xưởng?
Khi nhìn vào bản thiết kế, điều cốt yếu cần tập trung là các mảng khối đặc trưng, bởi các chi tiết rườm rà sẽ được lược bỏ trong quá trình tinh giản, sản xuất. Một số thiết kế của VinFast có tính khả thi vì có mảng khối tốt, như của Pininfarina hay ItaDesign, Torino. Vậy nên chúng ta có thể kỳ vọng việc VinFast sẽ tạo ra được chiếc xe đẹp và làm hài lòng số đông.
Như cảm nhận của cá nhân tôi, VinFast sẽ làm xe sang cỡ lớn, hạng D giống như các dòng Camry, Mazda 6. Phân khúc xe sẽ tương ứng với các đối thủ như Mercedes E và BMW Series 5, nên mặc định nội thất xe sẽ đẹp, tương ứng với đoạn thị trường này.
Nếu theo đúng dự đoán, thì giá xe của VinFast sẽ không dưới 1 tỷ đồng/chiếc. Các lựa chọn về khung gầm, động cơ sẽ quyết định mức giá chạm hay vượt mốc 2 tỷ đồng/chiếc.
Như vậy VinFast không nhắm tới xe giá rẻ dù là hãng ra đời sau. Nhưng nếu các mẫu xe này cứ na ná Kia, Huyndai, Mazda, một số mẫu SUV có dáng dấp của Ranger Rover, thì xét tâm lý thông thường, người dùng phân khúc khá giả sẽ đánh giá về xe của VinFast như thế nào?
Chưa có nhiều điều để đánh giá một mẫu xe trên bản vẽ. Vì thực tế một mẫu xe sang còn phụ thuộc rất nhiều thứ chỉ có thể thấy được khi đưa vào sản xuất và ra thành phẩm thực sự. Ví dụ như chất lượng gia công chi tiết bề mặt, độ sắc nét của mảng khối, chất liệu sử dụng...
Có thể thấy các mẫu xe được thiết kế với phong cách thể thao trẻ trung với nhiều đường dập uốn lượn quanh thân, tức là ngôn ngữ thiết kế có phần na ná một chiếc xe Hàn. Một chiếc xe hạng sang từ studio nước Ý nhưng có ngôn ngữ thiết kế na ná xe Hàn có phải là một lựa chọn tốt đối với cả Vin và khách hàng không? Tại sao VinFast không lựa chọn một thiết kế thuần Việt hay do studio Việt thực hiện?
Thực tế phải thấy rằng văn hóa ô tô của Việt Nam chưa có, mới tiếp cận với ngành công nghiệp này 20 năm. Vì vậy, riêng về vấn đề thiết kế xe cần phải tìm kiếm nguồn lực từ các quốc gia có kinh nghiệm và văn hóa xe giàu có. Ở đây, theo đánh giá của tôi, VinFast lựa chọn các nhà thiết kế từ Ý là chính xác.
Các studio đều là những tên tuổi lớn trong ngành công nghiệp ô tô, họ đứng chung trong dòng chảy, xu hướng của ngôn ngữ thiết kế, chứ không phải là của riêng Hàn Quốc. Bản thân thiết kế của xe Hàn Quốc với các tên tuổi nổi bật như Hyundai, Kia lại là tác phẩm của của một người Đức, ông Peter Schreyer.
Ông Nguyễn Thanh Hải (trái), cây viết kỳ cựu về ô tô xe máy, từng phụ trách marketing Bentley và Lamborghini Việt Nam.
Thông thường các hãng sẽ giấu kín thiết kế cho tới khi xe được chiếc xe thành phẩm được công bố. Ngay cả cánh săn ảnh cũng thường chỉ chụp được các mẫu xe bịt kín. Nhưng VinFast lại làm ngược. Theo ông ý nghĩa của vụ trưng cầu này là gì? Nó có phải là một chiêu marketing, tạo sóng không?
Thực chất, đây là công đoạn thông thường của ngành ô tô. Khi đưa ra sản phẩm mới, hãng sẽ có công đoạn đưa hàng mẫu, thiết kế ra công chúng để thử phản hồi của người dùng. Đó cũng là phương thức marketing để giữ sự quan tâm của công chúng
Khi có phản hồi, hãng sẽ sửa chữa và đưa vào sản xuất. Thường mẫu xe ở giai đoạn sản xuất, chạy thử sau mới được các hãng giữ bí mật hoặc chỉ đưa ra các hình ảnh teasing - khơi gợi sự tò mò.
Ông đã có dự đoán giá sẽ khoảng 1-2 tỷ đồng, thì so với các xe cùng phân khúc đã nổi tiếng và có sẵn vị thế, xe của VinFast cần gì để chiếm được thị trường?
Vingroup rất giỏi bán hàng. Tôi nghĩ kế hoạch của tập đoàn này sẽ lựa chọn ngay từ ban đầu các thành phần cấu thành ra xe phải có chất liệu cho quảng cáo, marketing – những thiết kế xe này là một ví dụ. Hay VinFast sẽ công bố sử dụng công nghệ của hãng A, máy hãng B...
Đồng thời, điều chắc chắn là VinFast sẽ phải khắc phục các vấn đề của các mác xe cùng phân khúc nhưng không sản xuất tại thị trường Việt Nam để nâng cao ưu thế của họ, ví như cung cấp dịch vụ sau bán hàng tốt hơn, chế độ bảo hành, giá dịch vụ tốt hơn...