Module vũ khí này bao gồm 1 súng máy hạng nặng 12,7mm, 1 thiết bị cảm biến, và 1 tổ hợp tên lửa chống tăng. Thiết kế module cũng giúp thay đổi được cấu hình vũ khí tùy theo yêu cầu nhiệm vụ.
Việc tích hợp các module điều khiển từ xa hay tự động lên xe chiến đấu đang là xu hướng phát triển hiện nay. Nó không cần sự điều khiển trực tiếp của binh sĩ mà được điều khiển thông qua trung tâm chỉ huy di động. Nhờ vậy, nó có thể khai hỏa với kíp điều khiển được bảo vệ bên trong lớp giáp của xe.
Nguyên mẫu này chỉ là một trong rất nhiều các phiên bản của xe JLTV, như chở quân, vận tải hạng nhẹ, phòng không, trinh sát, cứu thương, chỉ huy...mà Oshkosh Defense sẽ cung cấp cho quân đội Mỹ.
JLTV là chương trình chung được khởi động từ năm 2006 của Lục quân và Thủy quân lục chiến Mỹ, gồm hai loại: xe chiến đấu chiến lược (CTV) bốn chỗ và xe hỗ trợ chiến đấu (CSV) hai chỗ. Sau 9 năm phát triển, Oshkosh Defense đã đánh bại nhiều hãng sừng sỏ của Mỹ như AM General và Lockheed Martin để trở thành nhà thầu chính thức của chương trình.
Như vậy, sau khi giành được gói thầu sản xuất xe JLTV, Oshkosh Defense cũng muốn hướng đến mục tiêu xuất khẩu dòng xe chiến thuật hạng nhẹ tương lai của quân đội Mỹ nhằm thay thế cho Humvee - phương tiện bắt đầu phục vụ trong biên chế từ năm 1985.
Một công đoạn lắp ráp xe JLTV tại nhà máy của Oshkosh Defense. Ảnh: Oshkosh Defense.
Theo ông Mike Ivy, Phó chủ tịch phụ trách mảng kinh doanh quốc tế của Oshkosh Defense, Lục quân và Thủy quân lục chiến Mỹ lần lượt có kế hoạch mua gần 50.000 và hơn 15.000 xe JLTV. Do đó, dòng xe này cũng hoàn toàn có thể thu hút sực quan tâm đến từ các đồng minh của Washington.
Sở dĩ quân đội Mỹ muốn thay thế Humvee là bởi chúng chưa đạt được tốc độ cao và không được trang bị tốt để chống lại những thiết bị nổ tự chế (IED) - một mối đe dọa phổ biến trong các cuộc xung đột của Mỹ trong thế kỷ 21.
Trước đó, quân đội Mỹ đã tiêu tốn nhiều chục tỷ USD triển khai hàng nghìn xe chống mìn MRAP do công ty Force Protection, một chi nhánh của General Dynamics chế tạo. Tuy nhiên, nhược điểm của MRAP là nặng nề, khó di chuyển ở những địa hình gồ ghề.
Oshkosh Defense cung cấp nhiều phiên bản nhiệm vụ cho xe JLTV. Ảnh: Oshkosh Defense.
Trong khi đó, tuy chỉ có trọng lượng khoảng 6,3 tấn nhưng xe JLTV kết hợp được tính năng bảo vệ của xe MRAP và tính năng di chuyển linh hoạt trên địa hình gồ ghề của xe Humvee, đồng thời vẫn có thể dễ dàng được vận chuyển bằng trực thăng quân sự (CH-47, CH-53) hay các máy bay vận tải (C-130, C-5, C-17).
Xe JLTV rất cơ động trên các địa hình không bằng phẳng, có thể đạt đến vận tốc 160km/h, trong khi xe Humvee và xe MRAP chỉ đạt lần lượt là 120km/h và 104km/h.
Không giống Humvee, các bộ phận bọc thép phủ bên ngoài của xe JLTV được chế tạo để chúng dễ bong ra thành từng mảnh khi trúng mìn, vì thế lực nổ sẽ bị phân tán khỏi buồng lái, giúp giảm sát thương. Ngoài ra, xe còn cung cấp cho binh sĩ các thiết bị tác chiến điện tử cũng như công nghệ giám sát tình hình chiến trận với tính năng theo dõi tầm xa, phát hiện hỏa lực địch.
Hình ảnh xe Humvee gắn liền với quân đội Mỹ sẽ được thay thế bởi xe JLTV trong tương lai. Ảnh: The National Interest.
Từ năm 1985 tới nay, hơn 280.000 chiếc Humvee đã được sản xuất nên phải rất lâu nữa xe JLTV của Oshkosh Defense mới có thể thay thế hoàn toàn nó.
Tính tới thời điểm hiện tại, nhà sản xuất đã bàn giao 750 trong tổng số 11.000 xe mà Lầu Năm Góc đặt hàng ban đầu để tiến hành chạy thử nghiệm ở các cấp độ khác nhau.