Xe chiến đấu bọc thép: “Con lai” bánh lốp-bánh xích

PHẠM HUY |

Trong khi tranh luận về việc liệu xe chiến đấu bọc thép (AFV) bánh lốp hay bánh xích là lựa chọn tốt hơn, người ta cũng đã thử nghiệm kết hợp cả hai trên cùng một phương tiện.

Xuất phát từ mục đích dân sự

Khái niệm về một phương tiện vừa có bánh lốp vừa có bánh xích (half-track) có thể được bắt nguồn từ mẫu xe kéo gỗ Lombard xuất hiện ở thành phố Waterville, bang Maine, Mỹ từ năm 1899. Phương tiện này thực ra là một đầu máy tàu hỏa được gắn 2 ván trượt (hoặc bánh lốp) phía trước và 2 hệ thống bánh xích phía sau.

Xe chiến đấu bọc thép: “Con lai” bánh lốp-bánh xích - Ảnh 1.

Một nguyên mẫu của xe kéo gỗ Lombard được lưu giữ tại bang New Hampshire, Mỹ. Ảnh: Flickr.

Xe chiến đấu bọc thép: “Con lai” bánh lốp-bánh xích - Ảnh 2.

Xe Rolls-Royce Silver Ghost của lãnh tụ Vladimir I. Lenin được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Lenin. Ảnh: Gazeta.

Đến năm 1911, kỹ sư người Pháp Adolphe Kegresse hoán cải một số xe ô-tô cá nhân của Sa Hoàng Nga sang xe half-track. Hệ thống khung gầm này lấy tên của nhà chế tạo Kegresse. Khung gầm Kegresse cũng được sử dụng trên xe Rolls-Royce Silver Ghost của lãnh tụ Vladimir I. Lenin.

Ngoài ra, khung gầm Kegresse bắt đầu xuất hiện trên dòng ô-tô bọc thép Austin của quân đội Nga trong giai đoạn 1918-1920 với tên gọi Austin-Kegresse.

Chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914-1918)

Trong thời kỳ này, việc sản xuất xe half-track tập trung vào mục đích quân sự bởi quân Đồng Minh. Tuy nhiên, các phương tiện độc đáo này lại chỉ thực hiện một nhiệm vụ duy nhất là trở thành “máy kéo” thay cho sức ngựa để kéo pháo và vận chuyển hàng hóa, đồ tiếp tế.

Xe chiến đấu bọc thép: “Con lai” bánh lốp-bánh xích - Ảnh 3.

Xe half-track kéo pháo tại Bỉ vào tháng 10-1918. Ảnh: Loree.

Trong cuộc chiến này, hình thức chiến tranh trận địa với hệ thống chiến hào điển hình trở thành phương tiện phòng thủ chủ yếu, thành quách pháo đài đã không còn vai trò phòng ngự quan trọng nữa. Các phương tiện half-track bị cho là thiếu thực tế và chúng bị “thất sủng” bởi sự xuất hiện của xe tăng, xe bánh xích, và xe bánh lốp chuyên dụng (4 bánh và 6 bánh).

Phải đến những năm đầu 1930, xe half-track dùng cho mục đích quân sự mới xuất hiện trở lại ở một số lực lượng quân đội, trong đó có Anh, Mỹ. Chính những nước này sẽ sử dụng chúng trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai.

Hồng quân Liên Xô cũng thử nghiệm một số dòng half-track như BA-30 nhưng không sản xuất rộng rãi vì nhận thấy chúng đắt đỏ và không đáng tin cậy.

Chiến tranh thế giới lần thứ hai (1939-1945)

Thời kỳ này được cho là sự phát triển cao trào nhất của dòng xe half-track. Với khả năng cơ động tốt như xe bánh xích mà vẫn dễ điều khiển như xe ô-tô, nhiều loại phương tiện này đã ra đời.

Xe chiến đấu bọc thép: “Con lai” bánh lốp-bánh xích - Ảnh 4.

Xe Sd.Kfz. 251 của Đức Quốc xã. Ảnh: Bundesarchiv.

Một lý do nữa giúp cho xe half-track tìm được chỗ đứng chính là nó hoàn toàn phù hợp với địa hình chiến trường châu Âu với nhiều thảo nguyên, đất mềm, bùn nhão. Trong đó, Mỹ và Đức là hai quốc gia sản xuất nhiều nhất.

Số xe half-track của Đức Quốc xã là khoảng 73.000 xe, trong khi Mỹ vượt trội hơn với gần 100.000 phương tiện với nhiều chủng loại khác nhau như xe chiến đấu bọc thép (Sd.Kfz. 250 và Sd.Kfz. 251 của Đức, và M2, M3, M9 của Mỹ), xe mang súng cối, xe mang súng phòng không tự hành, xe mang súng diệt tăng tự hành, xe vận chuyển, cứu kéo (Sd.Kfz. 2, Sd.Kfz. 6 đến 11)...

Xe chiến đấu bọc thép: “Con lai” bánh lốp-bánh xích - Ảnh 5.

Một xe half-track M3 của quân đội Mỹ được phục chế. Ảnh: Milinfo.

Một sự kiện đáng chú ý là khi quân Đồng Minh phát động chiến dịch giải phóng Paris, Pháp vào tháng 8-1944, xe đầu tiên tiến vào thành phố này là chiếc M3 do kíp lái người Tây Ban Nha điều khiển.

Chiến tranh Lạnh (1947-1991)

Thời kỳ này, các nước không sản xuất thêm mà chỉ sử dụng xe half-track từ thời Chiến tranh thế giới lần thứ hai.

Xe chiến đấu bọc thép: “Con lai” bánh lốp-bánh xích - Ảnh 6.

Một xe M3 được trang bị pháo 30mm của Israel. Ảnh: War History Online.

Dòng xe này tiếp tục xuất hiện trong một số cuộc chiến tranh, xung đột như Chiến tranh giành độc lập Algeria (1954-1962), các cuộc giao tranh quân sự nhằm tranh giành quyền kiểm soát vùng Kashmir ở khu vực biên giới Ấn Độ-Pakistan (từ năm 1947), Chiến tranh Arab-Israel (1948-1949).

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của khoa học-công nghệ quân sự, các xe bánh lốp 6 bánh, 8 bánh có khả năng cơ động tương đương và xe bánh xích được tối ưu hóa khả năng cơ động nên xe half-track đã dần bị loại bỏ. Các dòng xe AFV được sản xuất với cấu hình bánh lốp và bánh xích riêng biệt.

Bánh xe kết hợp lốp-xích

Những tưởng các loại phương tiện “nửa nạc nửa mỡ” này đã không còn được sản xuất, các loại xe sử dụng trong quân đội sẽ chỉ trang bị bánh lốp hoặc bánh xích thì gần đây đã xuất hiện một loại bánh xe “biến hình”.

Với chương trình Công nghệ Phương tiện-X Mặt đất (GXV-T), Cơ quan Các dự án nghiên cứu quốc phòng tiên tiến (DARPA) thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ đã phát triển một mẫu bánh xe mới kết hợp lốp-xích (Reconfigurable Wheel-Track - RWT).

Xe chiến đấu bọc thép: “Con lai” bánh lốp-bánh xích - Ảnh 7.

Bánh RWT được tích hợp lên xe Humvee. Ảnh: Trend Hunter.

Điểm đặc biệt của loại bánh xe này là nó chỉ mất 2 giây để linh hoạt thay đổi hình dạng từ lốp tròn sang bánh xích và ngược lại.

Bánh xe tròn giúp xe cơ động trên nhiều bề mặt địa hình gồ ghề, trong khi bánh xe tam giác sẽ phát huy tác dụng trên các bề mặt mềm và trơn trượt. Được tích hợp lên xe Humvee, phương tiện phổ biến trong quân đội Mỹ sẽ trở thành xe vượt địa hình ngay khi đang di chuyển.

Hiện tại, chưa có thông tin cụ thể về dự án này, nhưng video thử nghiệm cho thấy hệ thống bánh bao gồm 6 miếng nẹp được ghép với nhau ở mỗi bánh xe, các góc kết nối giữa mỗi hai cặp nẹp sẽ thay đổi khi quá chuyển đổi diễn ra.

Có thể thấy, bánh RWT sẽ cải thiện khả năng di chuyển của xe Humvee, sau này sẽ là một phương tiện chuyên dụng khác chỉ dùng một loại bánh xe cơ động cho mọi địa hình. Cơ quan DARPA kỳ vọng cách tiếp cận này có thể được áp dụng vào sản xuất trong công nghệ xe mặt đất tương lai, trong đó có xe AFV.

Tuy nhiên, công nghệ này mới đang ở bước đầu trong quá trình phát triển nên rất khó để đi đến kết luận về tính khả thi của nó.

Nói tóm lại, tương lai của xe bánh lốp, bánh xích, half-track, hay bánh lốp-xích sẽ phụ thuộc vào đặc điểm địa hình, tình hình nhiệm vụ trong môi trường tác chiến đang ngày càng thay đổi nhanh chóng. Hiện tại, chúng ta vẫn chỉ có xe bánh lốp là bánh lốp và bánh xích là bánh xích.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại