Xe chiến đấu bọc thép: Bánh lốp hay bánh xích?

PHẠM HUY |

Xe chiến đấu bọc thép (AFV) là một phương tiện phổ biến trong biên chế của quân đội các nước. Nó là sự kết hợp của khả năng cơ động, bảo vệ và hỏa lực. Tuy nhiên, có một cuộc tranh luận dường như vô tận về việc liệu xe bánh lốp (bánh hơi) hay bánh xích là lựa chọn tốt hơn.

AFV bánh lốp

Một trong những ưu điểm của xe AFV bánh lốp đó chính là tốc độ cao, đặc biệt ở địa hình bằng phẳng, mà không hề gây tổn hại cho mặt đường.

Một bản báo cáo từ Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế RAND (Mỹ) vào năm 2017 cho biết, trong quá trình tham gia vào lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại Kosovo, lực lượng Mỹ bị người dân địa phương phàn nàn do các đơn vị xe bánh xích M1A1 và M2 Bradley khi thực hiện nhiệm vụ đã làm hư hỏng đường sá và hoa màu của họ.

Xe chiến đấu bọc thép: Bánh lốp hay bánh xích? - Ảnh 1.

Xe chiến đấu Boxer của Đức. Ảnh: Pinterest.

Tiếp theo, xe AFV bánh lốp có kỹ thuật chế tạo đơn giản hơn bánh xích do không yêu cầu hệ thống treo phức tạp. Từ đó, phương tiện bánh lốp có trọng lượng nhẹ hơn bánh xích, qua đó bổ sung cho ưu điểm tính cơ động ở trên.

Nhờ được trang bị bánh lốp mà xe AFV, trong tình huống chiến đấu bị trúng đạn vào bánh, vẫn có thể di chuyển thoát khỏi vòng nguy hiểm nhờ công nghệ Run-Flat. Trong khi đó, nếu là xe bánh xích thì nó chỉ còn cách "chôn chân chịu trói".

Khả năng vận hành và bảo dưỡng dễ dàng cũng là một điểm mạnh của xe AFV bánh lốp. Người ta ví lái xe AFV bánh lốp không khác nhiều so với lái ô-tô, nghĩa là người lính có thể sử dụng phương tiện được ngay mà không cần thời gian làm quen như dòng xe bánh xích. Cấu tạo treo đơn giản và trọng lượng nhẹ cũng giúp việc bảo dưỡng không cần quá nhiều công sức.

Xe chiến đấu bọc thép: Bánh lốp hay bánh xích? - Ảnh 3.

Binh sĩ thuộc Lục quân Mỹ huấn luyện triển khai đội hình từ xe Stryker. Ảnh: Defense Systems.

Thậm chí, với trường hợp xe bánh lốp gặp sự cố hỏng hóc mà phải di chuyển gấp, trong khi xung quanh không có các phương tiện cơ giới khác hỗ trợ thì binh sĩ có thể lựa chọn phương pháp "thủ công" là đẩy xe bằng tay. Điều này sẽ không có ở xe bánh xích.

Ngoài ra, xe AFV bánh lốp còn một số ưu điểm khác như giá thành rẻ, di chuyển ít tiếng ồn, đỡ tốn nhiên liệu hơn so với dòng bánh xích.

Mặc dù vậy, xe AFV bánh lốp cũng tồn tại những nhược điểm cố hữu, có thể kể đến là động cơ công suất không cao, cần diện tích lớn để quay đầu, lốp dự phòng cồng kềnh, dễ bị lún cát hoặc mắc cạn trong khu vực đầm lầy hay đất mềm...

AFV bánh xích

Những điểm hạn chế trên xe AFV bánh lốp thì đều được khắc phục trên dòng xe bánh xích. Với cơ cấu di chuyển đặc biệt, dòng bánh xích có thể di chuyển tốt trên địa hình xấu, mấp mô, vượt tường rào, hào sâu mà không gặp nhiều trở ngại.

Xe chiến đấu bọc thép: Bánh lốp hay bánh xích? - Ảnh 4.

Xe Dardo của quân đội Italy. Ảnh: Army Guide.

Một đặc điểm "độc nhất vô nhị" của dòng xe bánh xích so với xe bánh lốp chính là quay vòng tại chỗ khi cho hai xích chuyển động theo hướng ngược nhau. Tính năng độc đáo này đặc biệt hữu hiệu khi xe tác chiến trong môi trường đô thị hoặc đường mòn đồi núi có không gian chật hẹp.

Bên cạnh đó, tiết diện tiếp xúc giữa phương tiện và mặt đường trở nên lớn hơn giúp xe AFV bánh xích có khả năng cơ động trên địa hình bùn lầy hay đồi cát tốt hơn so với xe bánh lốp.

Nhờ được bọc giáp "từ đầu đến chân" nên xe AFV bánh xích có khả năng sống sót cao trong thực chiến, đặc biệt là khi đối đầu với hỏa lực súng nhỏ.

Một tài liệu huấn luyện của Lục quân Hoàng gia Anh đã miêu tả việc những phương tiện bọc thép hạng nặng đã vô hiệu quá một cuộc phục kích bởi hỏa lực súng nhỏ tại thành phố Basrah trong Chiến tranh Iraq. Trong môi trường tác chiến hiện đại, khả năng hành tiến cùng tính năng bảo vệ tốt chính là lợi thế rõ ràng của xe bánh xích.

Xe chiến đấu bọc thép: Bánh lốp hay bánh xích? - Ảnh 5.

Một binh sĩ Estonia trong một cuộc tập trận. Phía sau là xe CV90. Ảnh: Reddit.

Ngoài ra, trong khi xe bánh lốp phải thay cả một chiếc lốp cồng kềnh thì chỉ với một vài mắt xích gọn gàng là kíp xe đã có thể sửa chữa hệ thống xích.

Tuy nhiên, xe AFV bánh xích cũng có nhiều nhược điểm như hệ thống treo phức tạp, công tác bảo dưỡng, thay thế phụ tùng đòi hỏi phải thường xuyên và mất thời gian, tiếng ồn hoạt động lớn, và đặc biệt là nếu chết máy trong tình huống khẩn cấp thì phải đợi xe cứu kéo (hoặc sửa chữa luôn) chứ không thể đẩy bằng sức người...

Kết luận

Xe AFV bánh lốp và bánh xích đều có những ưu, nhược điểm riêng biệt không thể bù đắp được cho nhau. Chính vì vậy, xe bánh lốp và bánh xích vẫn được sản xuất cho đến ngày nay để phù hợp với từng nhiệm vụ chuyên biệt cụ thể.

Tuy nhiên, người ta cũng đã nghĩ đến và thử nghiệm việc kết hợp bánh lốp và bánh xích trên cùng một phương tiện. Báo QĐND Online sẽ tiếp tục gửi đến bạn đọc bài tìm hiểu tiếp theo về vấn đề này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại