Trong hai ngày qua, nhiều người dân từng có con nằm điều trị ở Bệnh viện Nhi trung ương bức xúc lên tiếng “tố” đã phải sử dụng xe cứu thương “dù” với giá cắt cổ do bị bảo vệ gây khó không cho xe ngoài vào bệnh viện đón
bệnh nhân.
Xe cứu thương, taxi cùng độc quyền
Trên fanpage của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, anh L.Đ., có con từng nằm điều trị ở Bệnh viện Nhi trung ương 3 tháng, cho biết “không lấy làm lạ với chuyện bảo vệ chặn xe cứu thương do người nhà bệnh nhân tự thuê”.
Anh Đ. cho rằng trong bệnh viện có đội ngũ “cò” xe cứu thương rất chuyên nghiệp, chủ động liên hệ với người nhà ngay khi họ có ý định đưa bệnh nhân về quê.
Mặc dù anh Đ. và nhiều người khác rất bức xúc nhưng không có lựa chọn nào khác, bởi xe thuê bên ngoài vào bệnh viện sẽ bị bảo vệ ngăn cản không cho ra.
“Xe cấp cứu ngoại tỉnh đưa bệnh nhân đến sau đó về thẳng thì được, nhưng nếu người nhà (cùng địa phương vừa chở bệnh nhân đến cấp cứu) muốn sử dụng luôn xe này để đưa bệnh nhân về cho bớt tiền thì khó lắm.
Người bệnh nằm viện phải tiêu tốn đủ thứ tiền, phải tiết kiệm từng đồng tiền cơm huống chi cả tiền triệu, nỗi đau nhân lên nhiều lắm thưa bà bộ trưởng” - anh Đ. viết trên fanpage của bà Tiến.
Không chỉ dịch vụ xe cứu thương bị độc quyền mà nhiều người nhà bệnh nhân cũng bức xúc với dịch vụ taxi “độc quyền” tại Bệnh viện Nhi trung ương.
Có mặt tại đây ngày 8-7, chúng tôi chứng kiến việc taxi “độc quyền” đón khách diễn ra công khai. Chỉ duy nhất xe của Hãng taxi ABC được phép dừng đỗ, đón trả khách trong khuôn viên bệnh viện.
Taxi của các hãng khác muốn đón thì khách phải ra tận ngoài cổng chứ xe không được vào bên trong, trong khi xe của Hãng taxi ABC thì đậu thành hàng dài từ cổng vào đến các khu điều trị.
Tài xế của một hãng taxi tại Hà Nội cho biết: “Hầu hết khi khách gọi đến hãng thì nhân viên điều phối phải hướng dẫn khách đi ra ngoài đường, như thế rất bất tiện vì người bệnh đau ốm không đi xa được.
Nếu xe nào không biết đưa khách đến xong vô tình đón khách thì sẽ bị bảo vệ bắt xuống, bệnh nhân và người thân phải đi bộ ra ngoài cổng rồi mới được lên xe đi tiếp!”.
Tại Bệnh viện Nhi trung ương, hiện cũng chỉ có duy nhất Hãng taxi ABC được vào sân bệnh viện, có chỗ đậu và đón trả khách.
Ông Trần Minh Điển, phó giám đốc bệnh viện, cho hay cách đây ba năm bệnh viện cũng cho nhiều hãng xe vào đợi khách nhưng đã xảy ra tình trạng cạnh tranh chào mời, gây mất trật tự bệnh viện.
“Nhưng chỉ cho một hãng vào đón trả khách thì bệnh nhân lại không được lựa chọn, đúng là cách nào cũng có những cái khó. Nếu bệnh nhân đón xe ngoài cổng bệnh viện thì có nhiều lựa chọn” - ông Điển chia sẻ.
Cự cãi quyết liệt
Giữa trưa nắng 8-7, nhiều taxi liên tục chở khách vào sân Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) rồi vội vã quay ra. Một xe trong số này của hãng taxi A hạ kính mời khách, nhưng chưa có khách nào đi. Anh lái xe than thở mong có khách đi ngay thì mừng, vì bệnh viện không cho taxi dừng trong sân.
Chúng tôi thấy bất ngờ vì ngay cổng chính rất gần đó đang có tới hai chiếc taxi của hãng TĐ đỗ đợi khách, còn ngoài cổng một hàng xe TĐ đang dừng chờ làm con phố Phủ Doãn vốn hẹp càng trở nên chật chội.
Theo quan sát của chúng tôi, sau khi hai nhân viên điều phối của hãng taxi TĐ đưa khách lên xe đang đỗ ở cổng chính, hàng xe đợi ngoài cổng bệnh viện lại tiếp tục vào đón khách, cứ hai xe vào đợi/lượt.
Tại dải phân cách cổng bệnh viện còn có bảng thông báo điểm đón khách của taxi TĐ. Đây cũng là hãng taxi duy nhất được vào đỗ trong sân Bệnh viện Việt Đức, trong khi các hãng khác chỉ được trả khách và đi ngay, không được dừng hoặc vào đón khách trong sân.
Tình cảnh chỉ cho phép 1-2 hãng taxi độc quyền vào sân bệnh viện, các hãng khác chỉ được trả khách ngoài cổng (nếu muốn trả khách trong sân bệnh viện phải trả thêm phí, hoặc không được vào sân bệnh viện đón khách dù khách có yêu cầu) đã gây nhiều tranh cãi giữa bệnh nhân và bảo vệ bệnh viện.
Tại cổng Bệnh viện Bạch Mai, nhiều lần bệnh nhân đến theo cổng phố Phương Mai đã cự cãi quyết liệt, nhiều người cho biết họ đau chân, không thể đi bộ quá dài, mà lái xe taxi thì kiên quyết không trả thêm 30.000 đồng phí trả khách trong sân mặc dù ngay trong bệnh viện cũng có những điểm cho phép dừng, đợi khách của hai hãng taxi.
Mỗi bệnh viện có 1-2 hãng taxi được vào sân dừng đỗ, đón trả khách, trong khi các hãng khác phải đón khách ngoài cổng rõ ràng là được sự cho phép của bệnh viện, và chắc chắn sự ưu ái này không phải là miễn phí.
Việc cung cấp thông tin của người bệnh sắp về để xe cấp cứu “dù” mời gọi chắc chắn phải có sự tham gia của các cán bộ y tế đang làm việc tại các khoa phòng trong bệnh viện, không chỉ là lỗi của bảo vệ bệnh viện.
Đó là chưa kể các xe cấp cứu “dù” đã thu mức tiền rất khủng, thậm chí là “kền kền” kiếm ăn trên nỗi đau của những gia đình có người thân không may mắn ốm đau và sắp từ giã cõi đời.
Ban đầu, câu chuyện này tưởng như chỉ dừng lại ở lỗi của vài nhân viên bảo vệ, nhưng nếu các bệnh viện chỉ xử lý vụ việc này ở quy mô “bảo vệ”, những lùm xùm như thế này và nỗi ai oán của người bệnh, người nhà bệnh nhân sẽ không thể chấm dứt.
Cho nghỉ việc 3 bảo vệ chặn xe bệnh nhi
Thông tin từ Bệnh viện Nhi trung ương ngày 9-7, hợp đồng của công ty cung cấp dịch vụ bảo vệ cho bệnh viện sẽ kết thúc trong khoảng một tháng nữa, tuy nhiên trong trường hợp công ty không chấn chỉnh nhân viên, bệnh viện có thể chấm dứt hợp đồng trong một tuần tới.
Trước đó, từ ngày 5-7, bệnh viện đã đình chỉ công việc của toàn bộ tổ bảo vệ ở cổng số 1 để yêu cầu tường trình, hiện công ty cung cấp dịch vụ cũng đã cho ba bảo vệ có mặt trong clip nghỉ việc.
Bỏ ngay các quy định hạn chế người bệnh lựa chọn dịch vụ vận chuyển
Trong văn bản vừa gửi các giám đốc sở y tế và bệnh viện ngày 8-7, cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê đã yêu cầu các bệnh viện tự rà soát, gỡ bỏ ngay các quy định nội bộ nếu vốn đang hạn chế người bệnh ra viện và không cần trợ giúp y tế được lựa chọn dịch vụ vận chuyển.
Trường hợp người bệnh cần trợ giúp y tế, cán bộ bệnh viện cần giải thích để người bệnh được vận chuyển bằng xe cấp cứu 115, xe cấp cứu của bệnh viện. Nếu người bệnh tự chọn phương tiện thì phải ký cam kết đảm bảo an toàn.
Ông Khuê cũng yêu cầu bệnh viện đào tạo, nâng cao kỹ năng giao tiếp, kỹ năng ứng xử cho nhân viên, bao gồm cả nhân viên bảo vệ. Đồng thời quy định rõ trong hợp đồng với các công ty cung cấp dịch vụ bảo vệ về đảm bảo thực hiện ứng xử lịch sự với người nhà, người bệnh.