Chậm tiến độ gần 2 năm, hôm nay, 15-12, xe buýt nhanh (BRT) Hà Nội bắt đầu chạy thử tuyến Kim Mã - Yên Nghĩa để đầu năm 2017 sẽ vận hành chính thức.
Ưu tiên cho buýt nhanh
Tuyến buýt nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa dài 14 km, chạy theo lộ trình Yên Nghĩa - Ba La - Lê Trọng Tấn - Lê Văn Lương kéo dài - Láng Hạ - Giảng Võ - Bến xe Kim Mã.
Tổng đầu tư của dự án là 55 triệu USD (trên 1.100 tỉ đồng) bằng vốn vay của Ngân hàng Thế giới. Dự án khởi công đầu năm 2013, ban đầu dự kiến khai thác vào quý II/2015.
Ông Hà Huy Quang, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội, cho biết từ ngày 15 đến 31-12, TP sẽ tổ chức vận hành thí điểm 1 xe buýt nhanh chạy lộ trình trên.
Đến ngày 1-1-2017, TP chính thức vận hành 29 xe, bao gồm cả xe dự phòng. Trong giai đoạn chạy thử nghiệm, tần suất hoạt động là 3-5 phút/chuyến, tốc độ vận hành trung bình 22-30 km/giờ, thời gian vận hành một lượt là 45-55 phút.
Theo Sở GTVT Hà Nội, đối với đoạn Ba La - Cát Linh với chiều dài khoảng 12,2 km, sở sẽ tổ chức phân làn riêng bằng vạch sơn liền kết hợp đinh phản quang.
Các đoạn còn lại từ Giảng Võ đến Kim Mã, từ Yên Nghĩa tới Ba La, xe buýt BRT đi chung với các phương tiện khác.
Các nút giao trên tuyến được tổ chức lưu thông bằng hệ thống đèn tín hiệu, điều chỉnh chu kỳ đèn theo nguyên tắc ưu tiên cho buýt nhanh.
Sở GTVT Hà Nội quy định xe khách, xe tải, ô tô chở hàng với khối lượng cho phép từ 500 kg trở lên bị cấm hoạt động trong giờ cao điểm (từ 6-9 giờ và từ 16 giờ 30 phút - 19 giờ 30 phút) trên tuyến đường trục phía Bắc Hà Đông (đoạn từ Lê Trọng Tấn đến nút Tố Hữu - Vạn Phúc); xe chở học sinh, cán bộ - công nhân viên và xe xử lý sự cố được hoạt động bình thường.
Trên tuyến đường Giảng Võ - Láng Hạ - Lê Văn Lương, cấm taxi hoạt động trong giờ cao điểm; xe chở bệnh nhân cấp cứu, người già, người tàn tật, xe khắc phục sự cố được hoạt động bình thường.
Các cơ quan, công ty, khách sạn, nhà hàng... trên hành lang BRT nếu có nhu cầu sử dụng taxi phải bố trí đầy đủ điểm đỗ và phải đăng ký logo phục vụ với Sở GTVT Hà Nội.
Tại 2 cầu vượt Láng Hạ - Huỳnh Thúc Kháng và Lê Văn Lương - Láng cũng sẽ có tín hiệu đèn ưu tiên cho buýt nhanh.
Ngược lại, xe tải, ô tô chở hàng từ 500 kg trở lên bị cấm lưu thông trên 2 cầu vượt; mô tô, xe máy, xe thô sơ chỉ bị cấm vào giờ cao điểm.
Gấp gáp thử nghiệm
Theo Sở GTVT Hà Nội, tuyến buýt nhanh BRT có 44 điểm dừng (cả 2 chiều) phục vụ đón trả khách.
Để tăng cường khả năng kết nối, tạo thuận tiện cho hành khách chuyển tuyến, sở sẽ điều chỉnh, di chuyển 10 điểm dừng và bổ sung 10 điểm cho 2 chiều vận hành.
Các tuyến xe buýt thường đi trùng với hành lang hoạt động của tuyến BRT cũng được điều chỉnh bằng cách bố trí các điểm dừng đón trả khách của xe buýt thường trên các trục ngang giao cắt với hành lang tuyến BRT nhưng bảo đảm hành khách tiếp cận, kết nối thuận tiện với tuyến BRT.
Trước mắt, vé xe buýt nhanh vẫn sử dụng như xe buýt thường, bán tại các nhà chờ. Giá vé lượt dự kiến 7.000 đồng, còn vé tháng áp dụng như xe buýt thường.
Việc Hà Nội đưa vào vận hành tuyến buýt nhanh BRT được nhiều người chờ đợi nhưng cũng không ít ý kiến lo ngại.
Bởi lẽ, các tuyến đường Tố Hữu, Lê Văn Lương, Láng Hạ... vốn là điểm đen về ùn tắc giao thông, nếu tuyến buýt nhanh đi vào hoạt động thì tình trạng này sẽ càng thêm nghiêm trọng.
Ông Hà Huy Quang giải thích: “Về nguyên tắc là không cho người dân đi vào làn đường của xe buýt nhanh. Trong trường hợp xảy ra ùn tắc, sẽ có lực lượng xử lý sự cố ở từng thời điểm”.
Khi được hỏi phương án xử lý khi buýt nhanh BRT vận hành gặp phải ùn tắc, ông Quang cho biết: “Trường hợp này sẽ thông tin cụ thể tới nhân dân trước khi xe buýt nhanh vận hành chính thức”.
Trong khi đó, giới chuyên gia băn khoăn về hiệu quả của mô hình xe buýt nhanh BRT.
Chủ tịch một hiệp hội vận tải ô tô cho rằng việc chỉ dành 15 ngày chạy thử nghiệm rồi vận hành chính thức khó có thể đánh giá được hiệu quả của mô hình này.
Theo ông, nếu cần thiết, có thể lùi thời điểm vận hành chính thức để có thời gian rút kinh nghiệm, điều chỉnh, chứ không thể “cứ hứng lên làm”.
Một số chuyên gia giao thông cũng bày tỏ lo ngại về việc phân làn riêng cho xe buýt nhanh bằng dải phân cách mềm là không khả thi. Bởi lẽ, vỉa hè mà xe máy còn trèo lên đi, nói gì đến vạch sơn liền!
Nhiều địa phương triển khai
TP HCM đã có đề án buýt nhanh BRT số 1 Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ với tổng chiều dài 23 km.
Trong đó, đầu tư xây dựng 28 trạm dừng, 17 cầu đi bộ (11 cầu xây mới, 6 cầu cải tạo) để tạo thuận lợi cho người dân từ hai bên đường tiếp cận tuyến xe buýt này.
Dự án có tổng mức đầu tư 137,5 triệu USD, trong đó vốn vay Ngân hàng Thế giới 124 triệu USD, phần còn lại vốn đối ứng từ ngân sách TP; dự kiến thi công vào tháng 1-2017 và đưa vào vận hành cuối năm 2018.
Trong khi đó, tỉnh Bình Dương cũng đang xây dựng dự án xe buýt nhanh trị giá 1.827 tỉ đồng (đề xuất vay vốn ODA của Nhật Bản). Dự án đi qua trung tâm TP Thủ Dầu Một, thị xã Thuận An và Dĩ An với tổng chiều dài 30,8 km.
Dự kiến dự án triển khai trong năm 2017, hoàn thành vào năm 2019 - trùng thời điểm tuyến metro số 1 của TP HCM được đưa vào khai thác.
TP Đà Nẵng cũng đang triển khai đề án buýt nhanh BRT với tổng mức đầu tư 1.500 tỉ đồng, dự kiến khởi công đầu năm 2017 và đưa vào sử dụng đầu năm 2019. Hệ thống BRT của Đà Nẵng sẽ có 3 tuyến, gồm 1 tuyến chính và 2 tuyến phụ.
Cụ thể, tuyến chính BRT có tổng chiều dài 24,76 km, điểm bắt đầu từ đường số 5 KCN Hòa Khánh, kết thúc ở đường Trần Đại Nghĩa.
Tuyến R1, tổng chiều dài 35,4 km, có 35 trạm dừng mỗi chiều, bắt đầu từ sân bay Đà Nẵng, kết thúc tại đường Lê Hồng Phong (TP Hội An).
Tuyến R3 có tổng chiều dài 26,7 km, có 24 trạm dừng mỗi chiều, xuất phát từ sân bay Đà Nẵng, kết thúc tại khu du lịch Bà Nà Hills.
B.Vân - B.T.Q