1. Loài người đã bước vào thời đại mỳ ăn liền, mạng 4G và động cơ V8 từ lâu, chẳng còn mấy ai dùng bút lông hay xỏ dép tổ ong đi "tìm hiểu" nữa. Vậy nên ông già Noel cần suy nghĩ một cách nghiêm túc đến việc cho bầy tuần lộc tuổi cao vào sở thú nghỉ dưỡng già, đồng thời đưa chiếc xe gỗ đã dùng hàng thế kỷ vào viện bảo tàng cho trẻ em ngắm.
Muốn phát quà theo tuyến Kim Mã - Yên Nghĩa hoặc ngược lại, xin mời ngài Santa Claus lên xe buýt nhanh BRT. Không có tiền cũng không sao, vì tháng đầu chưa thu phí. Xe rộng rãi, có mái che, điều hòa vi vu cùng hàng ghế mềm mại như bông tuyết - toàn những thứ ông già Noel chưa được trải nghiệm bao giờ.
Chỉ có một chi tiết nhỏ phải lưu ý, đó là xe buýt nhanh chưa chắc đã... nhanh. Hà Nội vốn dĩ vẫn mang hình hài "ngõ nhỏ, phố nhỏ" như lời một bài hát từng thịnh hành, do vậy một chiếc xe buýt thật to khó lòng đua tốc độ ngay cả với xe tuần lộc.
Cứ cưỡi tuần lộc cho lành, ông già Noel ạ!
Ngoài ra, vì ý thức tham gia giao thông tại thành phố ngàn năm văn hiến đang rất không đáng được biểu dương, ông già Noel nhiều khả năng sẽ phải chịu cảnh kẹt xe đến độ quà Giáng sinh có thể sẽ chỉ được phát vào dịp... Năm mới. Với ông già Noel thì thời gian là thứ không phải nghĩ, nhưng các em nhỏ sẽ rất buồn nếu xe buýt nhanh không thể mang quà đến đúng giờ.
Thôi đành đi xe tuần lộc cho lành. Còn xe buýt nhanh, dù được đầu tư hơn nghìn tỷ đồng và tốn không ít công sức chuẩn bị, vẫn chưa thể khẳng định là sẽ chạy "đúng quy trình" hay lại chạy với vận tốc bình quân 100km/ngày của xe buýt chậm.
2. "Hà Nội không vội được đâu", câu nói quen tai ấy nên được hiểu là một lời nhắc nhở không chỉ dành cho hoạt động tham gia giao thông của người dân, mà còn cho cả cách thức ứng xử trong nhiều lĩnh vực khác, ví dụ bóng đá.
Bao năm qua, vì muốn phát triển nhanh mà chúng ta đã cắm đầu cắm cổ "xây nhà từ nóc" thay vì tập trung xử lý thật kỹ, thật chắc những vấn đề mang tính gốc rễ, nền tảng. Để rồi, giờ là lúc phải hứng chịu hệ lụy, điển hình là thất bại của ĐTQG tại AFF Cup vừa qua và những màn trình diễn nghèo nàn mà hai đại diện Việt Nam đang thể hiện tại giải U.21 Báo Thanh Niên trên sân Thống Nhất.
Với nguồn tiền giống như khoản vay "nóng" từ các doanh nghiệp, bóng đá Việt Nam có thể được nâng tầm trong giây lát. Tuy nhiên, sự hào nhoáng tạm bợ đã bắt đầu mất dần khi mà trước thềm mùa giải 2017, đã có 3 đội hạng Nhất là Đồng Nai, PVF và Phú Yên bỏ cuộc.
Trong giao thông đô thị, sự thông thoáng là mục tiêu cao nhất. Nhưng trong bóng đá, việc các đội bóng hạng dưới cứ mỗi lúc một lưa thưa là một vấn đề thực sự nghiêm trọng.
Nếu không có món quà nào vào phút chót từ ông già Noel, giải hạng Nhất 2017 sẽ chỉ có 7 đội. Với số lượng cầu thủ chỉ lấp đầy vài chiếc xe buýt, chẳng có lộ trình nào thích hợp để một giải đấu cấp quốc gia vận hành.
3. Trong khi các đội bóng biến mất với tần suất nhanh hơn các chuyến BRT, tốc độ chơi bóng của cầu thủ Việt Nam, bao gồm cả chân lẫn đầu, vẫn mãi chậm rì như hành trình của xe buýt truyền thống trong giờ cao điểm.
Trước vòng bán kết AFF Cup 2016, nghe đồn là Indonesia đã lên kế hoạch làm chậm tốc độ chơi bóng của Việt Nam.
Một thông tin hơi phi lý, vì các cầu thủ của chúng ta đã bao giờ đá nhanh đâu. Theo một thống kê cách đây chưa lâu, vận tốc bình quân của một cầu thủ tại V-League chỉ đạt 3,1km/h, tức còn thấp hơn một cụ bà đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm.
Sự chậm của bóng đá Việt Nam được khắc họa rất rõ trong trường hợp của Công Phượng. Nếu Ngọc Trinh nhanh bao nhiêu trong quyết định yêu tỷ phú Hoàng Kiều, thì Công Phượng chậm bấy nhiêu khi xử lý bóng. Trận gặp U.21 Thái Lan hôm rồi, không thể đếm hết số lần Công Phượng làm hỏng đợt tấn công của đội nhà bằng những pha rê dắt rườm rà, bất hợp lý.
So với hồi mới ra mắt từ lò đào tạo của HAGL, Công Phượng bây giờ có vẻ không tiến lên là mấy, nếu không muốn nói là còn giật lùi. Phải chăng, sự tung hô quá nhanh của dư luận, sự thúc giục thái quá của những người phụ trách đã khiến những "thần đồng" như Công Phượng "chậm lớn"?
Hãy trả lại xe buýt chậm cho bóng đá Việt Nam nào! Và làm việc đó... nhanh lên!!!