Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Tramoc vừa cho biết, dọc hành lang tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (tuyến ĐSĐT số 2A) có 34 tuyến buýt đang hoạt động, các tuyến buýt này chiếm khoảng 30% số lượng tuyến của toàn mạng lưới xe buýt tại Hà Nội.
Với tuyến QL6 đoạn từ bến xe Yên Nghĩa đến Ngã Tư Sở có nhiều tuyến buýt chạy trùng với ĐSĐT số 2A nhất, gồm 5 tuyến, như: 01, 02, 21A, 27, 33. “Đây là các tuyến buýt rất quan trọng của mạng lưới vận tải hành khách cộng cộng bằng xe buýt tại Hà Nội, các tuyến này có lượng hành khách lớn, tần suất hoạt động cao”, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Tramoc đánh giá.
Tại ga bến xe Yên Nghĩa (ga cuối tuyến), phương án cũng nêu rõ, ngoài các tuyến buýt trên, tại đây cũng còn có ba tuyến buýt, gồm: 72, 91, 102 kết nối với các trục giao thông QL6, QL21B, Tỉnh lộ 419… Sau khi tuyến ĐSĐT số 2A đi vào hoạt động, các tuyến này cũng có vai trò gom khách cho đường sắt Cát Linh – Hà Đông.
Từ kế hoạch vận hành của tuyến ĐSĐT số 2A từ tháng 10 năm 2018 và vận hành chính thức từ tháng 12 cùng năm, để tránh tình trạng xe buýt chạy trùng tuyến với ĐSĐT, bên cạnh đó xe buýt phải đảm nhiệm được vai trò gom khách cho đường sắt trên cao, Tramoc đã đưa ra phương án điều chỉnh lộ trình 34 tuyến buýt đang hoạt động dọc hành lang tuyến ĐSĐT số 2A. Cụ thể, phương án trên sẽ được thực hiện theo 2 giai đoạn, gồm: giai đoạn 1: Điều chỉnh 50% lượt xe của các tuyến buýt có lộ trình trùng với tuyến ĐSĐT số 2A đoạn từ Ngã Tư Sở tới bến xe Yên Nghĩa (dài 9km); với 50% lượt xe còn lại vẫn duy trì hoạt động theo lộ trình cũ để hạn chế xáo trộn đột ngột với hành khách.
“Việc điều chỉnh giảm chỉ thực hiện trên đoạn tuyến trùng, đoạn tuyến còn lại năng lực vận chuyển của xe buýt vẫn được duy trì, hoặc điều chỉnh tăng để đảm bảo trung chuyển hành khách từ trục QL 6 đi các khu vực được thuận lợi”, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Tramoc nói.
Giai đoạn 2: điều chỉnh cắt bỏ toàn bộ các lượt xe trùng lộ trình với tuyến ĐSĐT số 2A và gộp vào các tuyến đã điều chỉnh trong giai đoạn 1.
Xe buýt đến tận chân cầu thang nhà ga
Cùng với phương án trên, để hành khách dễ dàng tiếp cận các nhà ga, trên dọc hành trình của tuyến ĐSĐT số 2A, Tramoc cũng lên phương án kết nối các tuyến buýt với ĐSĐT. Cụ thể, sẽ lắp đặt các điểm dừng xe buýt sát chân cầu thang lên nhà ga ĐSĐT.
“Đề xuất tổ chức phân tách khu vực cho xe buýt hoạt động tại các nhà ga để hạn chế tối đa tình trạng các phương tiện khác chiếm dụng, cản trở xe buýt tiếp cận dừng đón trả khách tại các nhà ga”, ông Hải thông tin.
Tại ga bến xe Yên Nghĩa, ông Hải cho biết: Tổng Cty Vận tải Hà Nội sẽ mở thêm cổng cho người đi bộ kết nối trực tiếp nhà ga với quảng trường dành cho xe buýt của bến xe Yên Nghĩa để giảm thời gian đi bộ của hành khách trung chuyển giữa ĐSĐT 2A và xe buýt.
Ngoài ra, các tuyến buýt kết nối với ĐSĐT được dán thêm ký hiệu chỉ dẫn là tuyến đi đến các ga đường sắt trên cao để nhân dân tiện sử dụng.
Với 29 tuyến buýt đang hoạt động trên các tuyến đường chạy cắt ngang tuyến ĐSĐT số 2A, Tramoc cũng bố trí thêm các điểm dừng, đỗ tại khu vực giao cắt với đường sắt Cát Linh - Hà Đông để hành khách dễ dàng tiếp cận.
Với chiều dài 13 km, dự án ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông được khởi công tháng 9/2010, sau 6 lần điều chỉnh tiến độ đến nay dự án có kế hoạch hoàn thành và chạy thử nghiệm vào tháng 10/2018 và chạy chính thức vào tháng 12 cùng năm.
Để chuẩn bị vận hành dự án, cùng với đưa ra phương án vé đường sắt đô thị sẽ tăng 30 đến 37%, các sở ngành liên quan Hà Nội cũng đang chuẩn bị phương án kết nối để hành khách đi lại thuận tiện.