Xe buýt Hà Nội có nguy cơ tạm ngừng hoạt động vì vướng mắc vấn đề trợ giá

Nhật Anh |

Khó khăn chồng chất từ dịch Covid-19 và các vấn đề khác đã khiến nhiều doanh nghiệp xe buýt tại Hà Nội rơi vào tình trạng thiếu kinh phí.

Theo VTV, đại diện một số đơn vị kinh doanh xe bus cho biết, dịch bệnh Covid-19 cùng với nhiều tác động khác đã khiến một số chỉ tiêu vận tải hành khách công cộng bằng xe bus có trợ giá ở Hà Nội bị sụt giảm nghiêm trọng, thu không đủ bù chi.

Bên cạnh đó, việc thay đổi cơ chế từ trợ giá theo đặt hàng sang đấu thầu cũng khiến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, chi phí vận hành 3 tháng đầu năm 2020 của hệ thống xe bus có trợ giá ở trên địa bàn Thủ đô vẫn chưa được thanh toán, ước tính hơn 300 tỷ đồng.

Điều này càng khiến các doanh nghiệp vận hành tuyến bus tại Hà Nội gặp nhiều khó khăn. Công ty cổ phần ô tô vận tải Hà Tây là đơn vị đầu tiên kêu cứu tới các cơ quan chức năng của thành phố về nguy cơ tạm dừng hoạt động tuyến buýt trợ giá số 71. Hay Công ty cổ phần xe khách Hà Nội có 100 đầu xe với 300 nhân viên, cũng phải đi vay vốn lưu động để duy trì hoạt động.

Ông Đỗ Văn Huy, đại diện Công ty cổ phần xe khách Hà Nội cho biết: "Lượng hành khách chỉ đạt trên 50%. Dòng tiền thiếu nên công ty phải đi vay lãi suất từ 8-10% để duy trì hoạt động".

Theo thông kê từ Trung tâm quản lý và điều hành đô thị Hà Nội, con số bình quân trợ giá xe buýt của thành phố giai đoạn 2015-2019 là 1.300 tỷ đồng/năm. Từ 2020 trở đi mức trợ giá dự kiến là 2.000 tỷ đồng/năm vă năm 2025 là khoảng 2.700 tỷ đồng.

Nếu phương án thanh quyết toán kinh phí trợ giá vận tải hành khách công cộng bằng xe bus không được tháo gỡ kịp thời thì các tuyến bus Hà Nội phải đối mặt với nguy cơ tạm dừng hoạt động.

Điều đáng nói, nhiều doanh nghiệp vận hành tuyến bus trên địa bàn Hà Nội đang phải đi vay ngân hàng lên tới hơn 200 tỷ đồng với lãi suất vốn vay từ 7 đến 8%/năm. Do đó, nguy cơ nhiều tuyến bus buộc phải tạm dừng hoạt động là hoàn toàn có thể xảy ra nếu như thành phố Hà Nội không sớm có các biện pháp tháo gỡ.

Liên quan đến vấn đề này, ông Thái Hồ Phương, phó Giám đốc Trung tâm quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội cho biết xe buýt đang có một số khó khăn vận hành, nhưng không có chuyện tạm dừng vì đặc thù vận tải công cộng là đảm bảo hoạt động liên tục.

Hiện tại thành phố Hà Nội đã ký tạm ứng quý 1/2021 vào cuối tháng 12 năm ngoái, đảm bảo người dân có thể dùng dịch vụ mà không lo bị gián đoạn.

Thành phố Hà Nội đã giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp và các đơn vị liên quan hướng dẫn Sở Giao thông vận tải thực hiện theo quy định pháp luật và các chỉ đạo có liên quan của Trung ương và thành phố; trường hợp vướng mắc vượt thẩm quyền, rà soát, tham mưu, báo cáo thành phố theo quy định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại