Bỏ mặc lời rèm pha
Cách đây 2 năm, tình cờ khi xem chương trình thời sự, ông Nguyễn Đình Chính (57 tuổi ở Hoàng Mai, Hà Nội) thấy nhắc đến chiếc xe bọc thép của Nga. Ngồi nghe những tính năng và ngắm nhìn các hình ảnh thiết kế bên trong, ông Chính bỗng nảy ra trong đầu ý định chế tạo và làm chủ loại vũ khí này.
“Thiết bị như vậy làm không khó, người bình thường hoàn toàn có thể làm được. Tại sao không thử mày mò làm để tự thiết kế, tự trang bị vũ khí cho nhà nước khi Việt Nam vẫn phải nhập khẩu các loại vũ khí này với giá đắt đỏ?”, ông Chính tự nhủ.
Đem ý tưởng trên ra chia sẻ với vợ con, hàng xóm, cựu quân nhân nhận được những ánh nhìn nghi ngờ kèm theo thái độ phản đối quyết liệt từ người thân.
Bỏ qua những lời rèm pha, dị nghị, ông Chính đã quyết định đầu tư 2 tỷ đồng để chế tạo xe bọc thép. Ảnh: Nguyễn Hoàn
“Có đến 90% khi nghe tôi trình bày đã lắc đầu phản đối. Số ít ỏi còn lại cũng thận trọng đưa ra lời khuyên. Lấy tiền ở đâu ra? Liệu một người thợ vườn không chuyên có đủ khả năng chế tạo xe bọc thép hay không? Và khi làm ra thì sẽ bán cho ai, thu hồi vốn thế nào? Người ta liên tiếp đặt cho tôi những câu hỏi như vậy.
Nhưng tôi nghĩ nếu lúc này chần chừ thì chắc chắn sẽ không bao giờ có thể làm được và tất cả sẽ chỉ dừng lại ở giấc mơ mà thôi”, ông Chính kể.
Với niềm đam mê, niềm tin vào bản thân cùng gần 20 năm trong nghề cơ khí, trong đó có 4 năm kinh nghiệm làm thợ sửa chữa máy tại Đức, người đàn ông sắp bước sang tuổi lục tuần đã bắt tay ngay vào thực hiện giấc mơ của mình.
Mày mò trên mạng, tìm đọc các mô hình , tài liệu về xe bọc thép sau 3 tháng nghiên cứu, thiết kế bản vẽ đến tháng 9/2015, ông Chính đã quyết định lên thị xã Sơn Tây – Hà Nội thuê đất xây dựng xưởng cơ khí rộng gần 300 m2 trong sự ngỡ ngàng của người thân và bạn bè.
“Thời điểm đầu có 3 thơ cơ khí cùng tôi thiết kế. Sau đó thì rút xuống còn 2 người. Những tháng cuối cùng thì chỉ còn 1 thợ cơ khí. Thú thực họ cũng không phải là người làm chuyên trong ngành, chỉ xuất thân từ thợ cửa hoa, cửa xếp mà thôi.
Sau gần 6 tháng làm việc cật lực và với chi phí gần 2 tỷ đồng huy động từ bản thân và đi vay mượn, tôi đã thiết kế được bản demo của xe bọc thép. Nếu xét theo yêu cầu đặt ra thì chiếc xe này đã đạt đến 80% yêu cầu đặt ra”, ông Chính tự hào nói.
Vượt trội so với thế giới
Đánh giá lại tổng thể xe bọc thép sau khi hoàn thành, ông Chính khẳng định, bản thân nó vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế do thiếu vốn và trình độ khoa học kỹ thuật chưa cao. Nếu được quan tâm và tạo điều kiện, chắc chắn ông có thể hoàn thiện và nhân rộng để sản xuất đại trà.
“Chiếc xe bọc thép hiện nay gồm 8 bánh, nặng 13 tấn, dài 6,8 m, rộng 3,0, cao 2,6 m và có thể di chuyển từ 20-30 km. Nếu đúng chuẩn thiết kế thì phải nặng tầm 20-25 tấn và độ rộng, cao phải hạ chuẩn thêm một chút nữa.
Do it vốn nên phần thân vỏ dự định làm bằng tôn thép dày với vật liệu chịu sức bền cao chưa thực hiện được. Đó mới chỉ là những tấm thép dày từ 50-60 mm chưa thể chống được các loại đạn súng thông thường. Ngoài ra, hệ thống điều khiển vẫn khá sơ sài, chưa mang tính ứng dụng cao.
Theo thiết kế kỹ thuật thì lái xe sẽ sử dụng camera và màn hình 13 inch quan sát 4 góc (bằng hồng ngoại) mà không cần mở nắp vẫn điều khiển được. Tuy nhiên hiện nay cái gì cũng còn thiếu một tí, chưa hoàn chỉnh được”, ông Chính chia sẻ.
Dù còn nhiều điểm chưa ưng ý, nhưng theo chủ nhân của chiếc xe bọc thép “made in Việt Nam”, đây sẽ là phương tiện hiện đại nhất thế giới với nhiều tính năng vượt trội nếu được đầu tư một cách bài bản và nghiêm túc.
Để chứng minh điều mình vừa tuyên bố, người cựu quân nhân chỉ từng bộ phận của chiếc xe bọc thép và phân tích: “Xe tôi thiết kế có thể nâng, hạ gầm. Nếu thiết kế motor chuẩn thì gầm hạ tịt xuống mặt đất và nâng cao lên tới 1,2 m.
Với khả năng như vậy có thể đi nghiêng dốc ngang, bên chân co, bên chân duỗi. Nếu các loại xe thông thường của các nước chỉ 25-30 độ sẽ đổ thì xe của tôi do co duỗi được chân nên có thể đi nghiêng 45 độ thoải mái mà không lo bị lật.
Tiếp theo 8 bánh của xe hoạt động độc lập nên dù có bị bắn bị thương 1,2 bánh thì có thể co lên và những bánh khác chạy bình thường, không ảnh hưởng gì. Điều này khác hoàn toàn so với thiết kế của các loại xe hiện nay trên thế giới.
Đặc biệt xe có thể vượt chướng ngại vật, cao dựng dứng từ 1,5-1,7 m. Nó co duỗi được chân nên xe có thể nhổm lên, trèo được tường, thành.
Một điểm nhấn nữa là chỗ để lắp đĩa cắt. Với bộ phận này xe có thể húc, đẩy, phá chướt ngại vật, mở đường, cắt dây thép gai.
Những điểm trên chắc chắn xe bọc thép do tôi chế tạo sẽ hơn, chưa có xe nào chạy như vậy cả", ông Chính lạc quan nói.
Ông Chính tiến hành lái thử nghiệm chiếc xe bọc thép. Ảnh: Nguyễn Hoàn
Mong hỗ trợ để nhân rộng
Từng nhiều năm mày mò, nghiên cứu thiết kế, ông Chính tính toán để hoàn thiện sản phẩm, nâng cao các tính năng của xe bọc thép kinh phí dự trù khoảng 20 tỷ đồng.
"Nếu so với các loại xe trên thế giới thì mức đầu tư trên chưa phải là cao. Theo tôi tìm hiểu thì những xe thông thường, giá đã rơi vào 1,2 triệu USD (khoảng 25 tỷ trở lên). Những thiết kế đặc biệt có thể lên tới 3-4 triệu USD (khoảng 60-80 tỷ đồng). 20 tỷ đồng chỉ là đầu tư hoàn thiện ban đầu, khi được sản xuất đại trà thì sẽ rẻ hơn rất nhiều.
Xe của tôi nếu trang bị các công nghệ hiện đại như radar, súng phóng lựu loại gây khói, gây nhiễu, tác chiến điện tử, chắc chắn sẽ rẻ nhất và hiện đại nhất thế giới", cựu quân nhân khẳng định.
Người thợ cơ khí vườn mong muốn có thêm sự quan tâm, kinh phí để hoàn thiện sản phẩm. Ảnh: Nguyễn Hoàn
Trong cuộc trò chuyện với Đất Việt, ông Chính ví quyết định của mình như một canh bạc mà ông là người đã chơi tất tay. Thừa nhận rằng bản thân đang mạo hiểm nhưng người thợ "vườn" cho rằng đây là cơ hội để ông chứng minh rằng, người Việt Nam hoàn toàn có thể làm được, thậm chí làm tốt hơn những gì thế giới đang áp dụng.
"Chưa bao giờ tôi hối hận với quyết định của mình. Có thể tôi khác người, thích lựa chọn những cái khổ, cái chưa ai làm. Tuy nhiên được sống với đam mê của mình thì dù có khó khăn hơn nữa tôi vẫn tình nguyện", ông Chính nói.
Về kế hoạch lâu dài, người thợ "vườn" khẳng định đã có tờ trình gửi lên cấp trên xin hỗ trợ, tạo điều kiện về kinh phí, nhân lực để hoàn thiện sản phẩm nhằm cung cấp những chiếc xe bọc thép giá rẻ nhất nhưng chất lượng tốt nhất cho Việt Nam.
"Tôi là một người không chuyên còn làm được như vậy thì chắc chắn khi có đầu tư đúng mức sẽ cho ra những sản phẩm tốt hơn. Vì nguồn kinh phí còn eo hẹp nên tạm thời tôi cũng chưa nghĩ đến việc đăng ký bản quyền sáng chế. Số tiền đó tôi sẽ dành để mua thêm máy móc, thiết bị", ông Chính khẳng định.