Bà ngoại ngồi khuất một mình trong con hẻm, hướng tầm mắt ra cái xe bánh mì di sản của cả cuộc đời mình. Chỗ bà ngồi, nắng ít khi với tới nên bà hay than thở "tao bị đóng rêu đóng mốc", chưa kể, ánh sáng lỏe nhòe loang trên gương mặt khô như cọng củi của bà, hòa với thứ màu sắc nâu đậm của làn da đầy vết chân chim làm bà nom như một bức tượng đồng.
Phải, một bức tượng đồng canh cái xe bánh mì để không ai có thể hủy hoại nó, kể cả thời gian.
Ngoại kể, ngoại bán bánh mì chắc cũng được 60 năm rồi. Giờ ngoại già yếu, không bán nổi, đúng hơn là càng ngày ngoại càng còng xuống, người teo tóp đi, với tay lên lấy ổ bánh mì cũng khó, gió mạnh tạt cái bay đi mất không chừng, nên thôi, ngoại giao lại cho con cháu bán.
Ấy mà vẫn nhớ thương, lưu luyến lắm. Chiều chiều, thời tiết mát dịu, ngoại bắc cái ghế ra ngồi ngó người này người kia, "quản lý" việc bán bánh mì của con cháu cho đỡ buồn, đỡ nhớ cái nghề mà mấy chục năm trước, nhờ nó mà ngoại một thân nuôi đủ hai con nên người.
- Ủa sao lại một mình hả ngoại, chồng ngoại đâu?
- Ổng chết trẻ, hồi ngoại có hăm mấy, lúc đứa con gái sau mới có 3 tuổi.
- Từ đó ngoại ở vậy, bán bánh mì nuôi con tới giờ luôn?
- Chứ sao bây, chứ làm gì giờ? Nói nào ngay, hồi đó chị chồng, cha mẹ chồng cũng thương. Nhưng suy đi nghĩ lại, giờ con trai họ chết, mình ăn bám với mấy đứa cháu hoài sao được. Bởi ngoại làm gánh bánh mì, đi bán đầu này đầu kia, vậy mà cũng nuôi được hai đứa nhỏ.
Nói rồi, ngoại nhoẻn cười. Cuộc hồi tưởng dài như một cuốn sách của ngoại bắt đầu trở về từ những trang đầu tiên, lật từng trang, ngoại kể chi tiết từng chữ một. Có lẽ hồi ức thanh xuân của ngoại là thứ bất hoại mà thời gian không thể làm nó tàn phai, mặc cho vẻ bề ngoài đài các một thời đã rụng rơi dần vào đoạn đường cuối của một đời người này.
Hồi đó, có một anh chàng công tử con nhà khá giả ở Sài Gòn về quê ở tận Bến Tre bốc mộ tổ tiên để mang về thành phố thờ phượng. Trong lần đi đó, chàng công tử này mới vô tình làm quen được với cô nàng tiểu thư xinh đẹp nức tiếng xứ dừa có tên Phạm Kim Mai (sinh năm 1935).
Thế là đôi trẻ sớm phải lòng nhau và bắt đầu một chuyện tình đẹp như mơ, vừa xứng đôi vừa lứa, lại vừa môn đăng hộ đối. Kết quả đẹp của mối tình này là một cái đám cưới, sau đó, cô gái xứ dừa theo chồng về Sài Gòn sinh sống, bắt đầu sự nghiệp làm vợ, làm dâu của mình.
Khi họ sinh được hai người con, một trai, một gái thì biến cố ập đến. Người chồng nhiễm bệnh sốt rét và qua đời, để lại người vợ với nỗi nhớ thương se sắt cùng hai đứa con nhỏ vẫn chưa hiểu cha đi đâu mà mãi không về.
Từ đó, chuyến hành trình làm mẹ một mình của bà Kim Mai bắt đầu bằng nghề bán bánh mì. Tại sao phải cực khổ trong khi gia đình khá giả? Bà nói, bà lòng tự tôn vô cùng lớn, không muốn ở không cho cha mẹ chồng nuôi, và vì chỉ khi lao đầu vào một công việc nào đó thì nỗi nhớ chồng sẽ thôi không còn ám ảnh nữa.
Người phụ nữ đài các nhưng sớm chịu nỗi đau mất chồng đó không ai khác chính là bà ngoại, người tạo nên xe bánh mì với thương hiệu Tư Trầu ở góc đường Lê Văn Sỹ - Trần Quang Diệu, quận 3, đã làm nao lòng biết bao nhiêu thị dân sành ăn Sài Gòn.
Lúc mới bắt đầu bán, ngoại phải gánh bánh mì đi từng con hẻm phố ở khu vực Lê Văn Sỹ, nhưng sau này vì mệt mỏi quá, ngoại chọn dừng chân cố định ở một chỗ để bán từ chập khuya cho tới sáng. Từ đó, tháng năm trôi qua, Sài Gòn trải qua biết bao nhiêu biến cố nhưng xe bánh mì vẫn êm đềm phục vụ thực khách cho đến tận hôm nay.
Ngoại kể thêm, ổ bánh mì Tư Trầu nức tiếng do chính ngoại một tay làm nên, từ việc đi chợ sáng mua nguyên liệu, việc nêm nếm các thành phần của nhân bánh mì, hay chuyện tự tay lựa chọn kích cỡ bánh, cho đến làm các nguyên phụ liệu tạo nên một thương hiệu trường tồn với thời gian.
Đặc biệt, thứ mà bà ngoại cho là điểm khác biệt để làm nên hương vị của một ổ bánh mì nóng giòn tuyệt hảo Tư Trầu, ai ăn một lần cũng nhất định quay lại lần hai đó chính là nước mắm và xíu mại. Ngoại làm chúng theo một công thực bí truyền của riêng mình, suốt bao tháng ngày tự tìm tòi thử đi thử lại biết bao nhiêu lần.
Quả thật, ai có dịp ghé ngang sẵn tiện sà vào mua ổ bánh mì nóng hổi vừa thổi vừa ăn ở góc ngã tư này để thấy, sự khác biệt ngon lành được đề cập ở trên là không hề nói xạo.
Cắn lớp vỏ bánh mì giòn rụm rồi đến lớp bánh mềm phía trong ngập nước xíu mại đậm đà cộng hương vị nồng nàn của loại nước mắm ngòn ngọt, mằn mặn lại the thé cay được rưới đều sẽ loang vào khoang miệng. Từ đó câu chuyện của sắc, hương, vị sẽ bắt đầu kéo dài mãi mê, đưa thực khách tới cung bậc khác mang tên "mỹ vị" trong từng ổ bánh mì.
Tiếp đó, một chút bùi bùi béo béo của thịt nạc, xíu mại được chính đôi bàn tay kinh nghiệm 60 năm của ngoại làm sẽ đảm đương nhiệm vụ đánh bại bất kỳ vị giác của những vị thực khách khó tính nào.
Sau cùng, để dung hòa cho hương vị quá sức đậm đà trên, thì một chút chua chua của cà rốt và củ cải trắng ngâm, tí thơm tho thỏ thẻ của vài cọng ngò, vài lá rau răm sẽ làm dịu những chiếc lưỡi háu ăn sành sỏi.
- Làm đừng có hà tiện là ngon thôi con ơi! Có gì đâu mà bí mật với chẳng bí truyền?
- Ủa mà nếu vậy, bán ổ bánh mì có 15.000 ngàn sao mà có lời hả ngoại?
- Thì lấy công làm lời, cái gì tự làm được thì tự làm hết đi con. Giờ tới tuổi này mà sáng ngoại vẫn tự đi chợ, ra đó trả giá mua hàng này kia, xong đem về cho mấy đứa cháu xóm nhau lại làm phụ. Còn chuyện nêm nếm ngoại lo.
Hơn 80 tuổi tuổi, cái tuổi gần đất xa trời đáng lý người ta phải được nghỉ ngơi, ban ngày coi cải lương, ban đêm nằm phè phỡn xem mấy chương trình hài trên tivi thì bà ngoại vẫn lại chọn cho mình gắn bó với công việc như hằng mấy chục năm nay.
Không phải ngoại không tin tưởng con cháu, ngoại nói "tụi nó biết làm hết rồi đó chứ", nhưng ngoại sợ ở không buồn, một phần cũng là không an tâm.
Bởi giờ mấy đứa cháu đứng bán chính thay ngoại, đứa thì đại học hết rồi, đứa thì cũng có gia đình, có công việc riêng nên ngoại sợ sau này tụi nó không chọn việc chôn chân bán bánh mì nữa, rồi cái xe di sản này cũng tàn lụi sau khi ngoại về trời.
"Trách sao được tuổi trẻ, tụi nó phải đi con đường riêng của tụi nó chứ, ngoại hiểu mà. Nhưng chỉ là ngoại tiếc vậy thôi, biết đâu được nên ngoại còn sức, còn sống thì ngoại sẽ làm cho thỏa thuê cái nghề bán bánh mì này cho đến khi xuống dưới gặp lại ông ngoại tụi nó.
Dù gì thì gì, cái xe này cũng từng là cần câu cơm của ngoại, là tiền cho mấy đứa con, đứa cháu ăn học, nên ngoại thương lắm, không bỏ được".
Ngoại nói thì nói vậy, chứ bản thân tôi tin, ngoại còn một lý do khác để vẫn tiếp tục duy trì cái nghề bán bánh mì này, dù cho thời gian của ngoại không còn nhiều nữa. Đó chính là tình yêu và lòng thương người.
Còn nhớ, vào những ngày có dịp tạt ngang ngồi ăn bánh mì của ngoại vào tận giữa khuya, tôi thấy ngoại sai mấy đứa cháu làm một vài ổ bánh mì, mang ra phân phát cho cô lao công, ông chú xe ôm về khuya hay bà già bán vé số cũng trạc tuổi ngoại, gương mặt khắc khổ, héo hắt trong ánh đèn đường.
Những khi ấy, tôi có để ý thấy ngoại thanh thản và bình yên đến lạ. Cũng có lúc, ngoại tặc lưỡi nói một câu khiến tôi không thể nào không xốn xang trong lòng, "trời đất, tội nghiệp dữ. Biết đâu mấy người này cũng có hoàn cảnh như mình hồi xưa thì sao".
Vậy đó, trong ngoại tràn trề lòng thương người. Tôi tin, chính lòng thương người này của ngoại, của xe bánh mì Tư Trầu đã làm nên một mảnh ghép chỉn chu về tính chất của cái đất Sài Gòn này, đó chính là sự hào phóng.
Hào phóng ngay cả khi mình không có gì, bởi 60 năm qua, dù bán buôn cực khổ, dù thực khách tìm đến nườm nượp nhưng ngoại vẫn không đủ tiền để mua cho mình một cái nhà riêng để yên ấm với con cháu, tất cả gia đình còn đang trong một căn nhà thuê.
Bánh mì bao năm qua, ngoại cũng chẳng dám lên giá, chỉ vỏn vẹn có 15 ngàn, vì sợ mắc quá, mấy người nghèo nghèo khổ khổ không đủ tiền mua ăn.
Cảm ơn ngoại, cảm ơn xe bánh mì di sản mang tên Tư Trầu vì đã chung tay làm nên một Sài Gòn thật đẹp cho đến tận ngày nay, mặc cho nó tân thời hiện đại đến cỡ nào và lòng người càng ngày càng khô khốc đến cỡ nào đi chăng nữa...