Điều 18 Thông tư 46/2015/TT-BGTVT quy định chiều cao xếp hàng hóa đối với xe bán tải được tính từ điểm cao nhất của mặt đường xe chạy trở lên và không vượt quá mức quy định dưới đây:
Chiều cao xếp hàng hóa đối với xe có khối lượng hàng hóa chuyên chở (ghi trong giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường) từ 5 tấn trở lên không vượt quá 4,2 m.
Chiều cao xếp hàng hóa đối với xe có khối lượng hàng hóa chuyên chở (ghi trong giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường) từ 2,5 tấn - dưới 5 tấn không vượt quá 3,5 m.
Chiều cao xếp hàng hóa đối với xe có khối lượng hàng hóa chuyên chở (ghi trong giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường) dưới 2,5 tấn không vượt quá 2,8m.
Nếu vi phạm, theo quy định tại Khoản 4 Điều 24 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng đối với người điều khiển xe tải có hành vi chở hàng vượt quá chiều cao cho phép. Ngoài ra, người điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng.
Khi chở hàng với xe bán tải, cần nắm rõ các quy định về trọng lượng, chiều dài - rộng - cao của khối hàng hóa được phép. (Ảnh minh họa)
Quy định về lưu thông, trọng lượng chở hàng
Theo quy chuẩn báo hiệu đường bộ QCVN 41:2019 do Bộ GTVT ban hành, xe bán tải có khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông dưới 950kg được xem là xe con trong tổ chức giao thông.
Điều này có nghĩa là các loại xe bán tải có khối lượng chuyên chở cho phép từ 950 kg trở lên sẽ bị coi là xe tải và không được lưu thông trên những tuyến đường nội đô có biển cấm xe tải.
Xe bán tải cũng phải tuân thủ các quy định về khung giờ cấm hoạt động, phải đi vào làn đường cho xe tải khi di chuyển trên những tuyến đường có phân rõ làn đường.
Quy định chiều dài xếp hàng hóa cho phép
Điều 19, Thông tư 46/2015/TT-BGTVT quy định chiều dài xếp hàng trên xe bán tải như sau:
Chiều dài xếp hàng hóa cho phép trên phương tiện giao thông cơ giới đường bộ không được lớn hơn 1,1 lần chiều dài toàn bộ của xe theo thiết kế của nhà sản xuất hoặc theo thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và không lớn hơn 20,0 mét.
Khi chở hàng hóa có chiều dài lớn hơn chiều dài của thùng xe phải có báo hiệu theo quy định và phải được chằng buộc chắc chắn, bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông trên đường bộ.
Như vậy, xe bán tải được phép chở hàng, chỉ cần tuân thủ đúng các quy định trên.
Ưu, nhược điểm của xe bán tải
Ưu điểm
Xe bán tải còn có tên gọi khác là xe pickup. Chiếc xe này tiện dụng ở chỗ nó sở hữu một chiếc thùng phía sau, có thể chở khối lượng đồ lên tới trên 1 tấn.
Xe bán tải hoàn toàn có thể coi là một loại xe tải hạng nhẹ. Nó vẫn có khoang cabin và khoang ghế sau. Số ghế theo thiết kế tối đa có thể ngồi được 5 người.
Đối với các dòng xe bán tải, các hãng ô tô đã xây dựng những chiếc xe bán tải gầm cao và trang bị động cơ diesel mạnh mẽ cùng hệ truyền động tốt nhằm giúp xe có khả năng di chuyển qua nhiều loại địa hình khó khăn.
So với các dòng xe SUV, giá xe bán tải tại thị trường Việt Nam cũng khá "mềm" để khách hàng dễ dàng lựa chọn, dao động từ 600 triệu đồng - dưới 1 tỉ đồng tuỳ hãng xe.
Nhược điểm
Vì có trọng lượng lớn, thân hình quá khổ nên đôi khi sẽ gây những bất tiện khi xe di chuyển trên đường phố chật hẹp.
Nội thất trong xe tuy rộng rãi nhưng không được chăm chút quá nhiều với những vật liệu cao cấp. Tiện nghi giải trí theo xe chỉ ở mức cơ bản. Đáng chú ý, xe bán tải bị giới hạn niên hạn sử dụng chỉ dưới 25 năm.