Xe Audi Q7 thuế lên tới hơn 1,6 tỷ đồng/chiếc
Theo nguồn tin riêng của Tiền Phong, hiện Tiểu ban APEC đang tập hợp toàn bộ số xe mà Cty TNHH ô tô Á Châu (Cty Á Châu) – nhà nhập khẩu chính thức thương hiệu Audi tại Việt Nam tài trợ cho sự kiện APEC thời gian qua để bàn giao lại cho công ty này bán. Tổng số xe mà Cty Á Châu nhập về để phục vụ sự kiện APEC khoảng 390 chiếc.
Theo thống kê của Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hiệp Phước – Cục Hải quan TP.HCM, có 74 chiếc Audi A4, 36 chiếc Audi A5, 114 chiếc Audi A6, 79 chiếc Audi Q5 và 87 chiếc Audi Q7, được nhập khẩu qua cửa khẩu cảng Hiệp Phước - TP.HCM 3 đợt vào đầu năm 2017 theo loại hình hàng tạm nhập khẩu.
Quy định của ngành Hải quan nêu rõ: Hàng hóa tạm nhập, tái xuất đã giải phóng hàng hóa hoặc thông quan, nhưng sau đó chuyển mục đích sử dụng, chuyển tiêu thụ nội địa phải khai tờ khai hải quan mới. Như vậy, sau khi nhận bàn giao toàn bộ xe từ Tiểu ban APEC, Cty Á Châu phải làm thủ tục để thực hiện mở tờ khai hải quan mới, chuyển mục đích sử dụng toàn bộ số xe ô tô nhập khẩu nêu trên.
Số xe này vẫn bị tính thuế như xe mới 100% nhập khẩu. Căn cứ công văn 6804/VPCP-KTTH của Văn phòng Chính phủ, đối với số xe ô tô nhập khẩu tài trợ phục vụ hội nghị APEC tại Việt Nam, nếu thời gian thực tế sử dụng dưới 91 ngày thì giá tính thuế do đơn vị khai báo theo quy định. Giá này giảm tối đa 10% giá CIF (giá tại cửa khẩu của bên nhập, bao gồm chi phí bảo hiểm, vận chuyển hàng hoá tới cửa khẩu của bên nhập) của xe mới nhập khẩu chưa sử dụng.
Nếu thời gian thực tế sử dụng từ 91 ngày trở lên thì giá tính thuế do đơn vị khai báo theo quy định, giá này giảm tối đa 12% giá CIF của xe mới nhập khẩu chưa sử dụng.
Theo tính toán của Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hiệp Phước, căn cứ vào giá khai báo của doanh nghiệp, nếu giảm giá tính thuế ở mức 10%, tổng số thuế Cty Á Châu phải nộp cho số xe ô tô nêu trên hơn 460 tỷ đồng; Nếu giảm giá tính thuế ở mức 12%, tổng số thuế Audi Việt Nam phải nộp khoảng trên 450 tỷ đồng (tính theo tỷ giá hiện tại 26.725 USD/Euro).
Trong đó, dòng xe Q7 có thuế cao nhất, trên 1,645 tỷ đồng/xe. Như vậy, 87 chiếc Audi Q7 nộp thuế 143,2 tỷ đồng (giảm giá 10%) và 140 tỷ đồng (giảm giá 12%); 79 chiếc Audi Q5 có thuế 90,6 tỷ đồng (giám giá 10%) và 88,6 tỷ đồng (giảm giá 12%);
Thấp nhất là dòng xe Audi A4, có mức thuế trên 887 triệu đồng/xe. Với 73 chiếc Audi A4, số thuế phải nộp 64,77 tỷ đồng (giảm giá 10%) và 63,1 tỷ đồng (giảm giá 12%).
Trên 70 xe chỉ được giảm thuế 10%
Nguồn tin của Tiền Phong cho biết, việc tài trợ xe cho APEC được chào giá cạnh tranh, đấu thầu công khai chứ không phải chỉ định thầu cho riêng doanh nghiệp nào. Thời điểm đó, có 3 hãng chào giá là Mercedes, Audi và BMW. Cuối cùng chỉ có Audi trúng thầu. Các xe phục vụ APEC được đặt hàng sản xuất trước khi về Việt Nam ít nhất 3-4 tháng, mất 45 ngày di chuyển trên tàu biển rồi mới cập cảng Việt Nam.
Trước đó, Cty Á Châu và Cty cổ phần Liên Á quốc tế, đơn vị nhập khẩu và phân phối chính thức nhãn hiệu xe Audi tại Việt Nam đã đưa ra các đề xuất liên quan đến tài trợ phương tiện di chuyển cho sự kiện APEC được tổ chức tại Việt Nam năm 2017.
Cụ thể, hai công ty này đề xuất cho hoãn đóng các loại thuế (nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt, giá trị gia tăng) cho các loại xe được nhập khẩu phục vụ cho APEC cho đến khi sự kiện chấm dứt và xe được bàn giao lại cho Audi Việt Nam.
Đồng thời, Audi Việt Nam đề xuất được giảm 15% giá CIF do sau khi phục vụ các hội nghị liên quan, các xe nói trên được xem là đã qua sử dụng nên sẽ bị mất giá so với xe mới. Việc giảm giá CIF làm cơ sở tính thuế nhập khẩu (gồm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng).
Cũng theo nguồn tin riêng của Tiền Phong, trong tổng số gần 400 chiếc xe Audi phục vụ APEC, hầu hết mới chỉ chạy dưới 3.000km, một số xe mới chạy chưa tới 1.000km. Hiện nay, việc thống kê thời gian sử dụng (trên hay dưới 91 ngày để có căn cứ giảm thuế 12 hay 10% vẫn đang được các bên liên quan tiến hành. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Tiền Phong, khoảng trên 70 xe Audi mới chạy chưa đến 91 ngày, sẽ chỉ được giảm thuế 10%.