Bán vải theo cách mới
Giữa lòng vườn vải rộng 11 mẫu Anh, Yin Yao Cheng bắt đầu công việc hàng ngày từ sáng sớm. Nhưng không giống như một số nông dân dành cả ngày để làm đất hoặc thu hoạch quả, Yin tự quay phim mình đang đi dạo thong thả giữa những tán cây tươi tốt trong lúc nói chuyện với điện thoại thông minh.
Yin, giám đốc tiếp thị của Trang trại trái cây Donglin ở huyện Tăng Thành của Quảng Châu, thủ phủ phía nam tỉnh Quảng Đông, đã phát trực tiếp từ năm 2022 như một cách để bán sản phẩm và thu hút du khách đến với hoạt động hái tại vườn dưới sự trợ giúp của công nghệ di động 5G, cho phép tương tác mượt mà với khán giả.
"Phát trực tiếp giúp chúng tôi đạt được mức tăng trưởng kinh doanh từ 20 đến 30% mỗi năm kể từ khi bắt đầu vào năm 2022", Yin nói với phóng viên tại buổi Live Streaming Vải Tăng Thành mới đây, nơi mạng 5,5G được thử nghiệm trực tiếp ở vùng nông thôn lần đầu tiên. Dịch vụ được cung cấp bởi Huawei Technologies và China Unicom.
Trung Quốc hiện đang lắp đặt thêm các trạm 5G gần các khu vực trồng vải để tăng thêm tín hiệu di động, nơi có diện tích rộng lớn mà đôi khi sóng di động thế hệ cũ khó có thể bao phủ toàn bộ.
5.5G, mà Huawei gọi là 5G-Advanced, dự kiến mang lại hiệu suất mạng cải thiện gấp 10 lần so với 5G, với tốc độ tải xuống tối đa tăng từ 1 gigabit/giây lên 10Gbps và tốc độ tải lên tối đa tăng từ 100 megabit/giây lên 1Gbps.
Hou Yingzhen, chủ tịch tiếp thị và bán giải pháp 5G của Huawei cho biết: "Thương mại hóa 5G-Advanced sẽ hỗ trợ tạo ra cao tốc thông tin phổ cập và nhanh chóng, cung cấp cơ sở hạ tầng cho một kỷ nguyên thông minh".
China Unicom, một trong ba nhà khai thác mạng viễn thông lớn của Trung Quốc, đã cung cấp cho nông dân gói dịch vụ 5G được thiết kế riêng cho người dùng phát trực tiếp, ưu tiên cho người đăng ký về tốc độ tải lên và lưu lượng truy cập thông qua cái gọi là công nghệ phân chia 5G.
Yin cho biết phạm vi phủ sóng 5G nâng cao cho phép anh phát trực tiếp ở các khu vực rộng lớn trong trang trại với chất lượng video tốt hơn. Trước đây, anh luôn phải bám ở nơi có tín hiệu mạnh nhất.
"Chiếc lá chỉ lay động khi có gió chạm và bông hoa trở nên rực rỡ hơn khi có ánh nắng chiếu", Yin nói. "Với công nghệ, chúng tôi có thể hiển thị tốt hơn những chi tiết này cho người xem thông qua các luồng trực tiếp và cuối cùng là thúc đẩy chuyển đổi bán hàng".
Áp dụng công nghệ
Thương mại điện tử phát trực tiếp ngày càng trở thành một kênh phổ biến để nông dân trồng trái cây Trung Quốc tăng doanh thu, đặc biệt là đối với các sản phẩm theo mùa với thời gian sinh trưởng ngắn. Tuy nhiên, hỗ trợ cơ sở hạ tầng 5G ở nông thôn đi kèm với một số thách thức đặc biệt.
Theo Wang Liang, phó tổng giám đốc đổi mới sản xuất tại chi nhánh Quảng Đông của China Unicom, việc xây dựng mạng 5G ở khu vực nông thôn đòi hỏi chi phí cao vì các cơ sở hạ tầng nằm cách xa nhau hơn so với ở thành phố. Cùng với đó, tạo ra lợi nhuận đầu tư ở những khu vực ít dân cư cũng khó khăn.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Trung Quốc đã tăng cường mạnh mẽ các nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật số ở khu vực nông thôn, nỗ lực thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư và triển khai các thiết bị kết nối để tăng động lực sản xuất và bán hàng trong nông nghiệp, ông Wang nói thêm.
Theo dữ liệu chính thức, Quảng Đông có hơn 326.000 trạm gốc 5G tính đến cuối năm 2023, bao phủ gần như tất cả các khu vực đô thị cấp tỉnh, quận và thị trấn, cũng như 94,5% đơn vị cấp làng. Năm nay, tỉnh có kế hoạch bổ sung thêm 38.000 trạm và 18 triệu người dùng.
Theo Tan Yushan, giám đốc bộ phận thông tin thị trường, khoa học và giáo dục tại cơ quan nông nghiệp và nông thôn của huyện, Tăng Thành đã đầu tư khoảng 10 triệu nhân dân tệ (1,4 triệu USD) hàng năm trong vòng 4 đến 5 năm qua để nâng cấp mạng 5G và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số khác.
Tuy nhiên, việc phủ sóng internet di động chỉ là một trong nhiều thách thức mà nông dân trồng vải thiều ở Tăng Thành phải đối mặt. Tan cho biết, mùa đông ấm hơn và mưa lớn vào mùa xuân dự kiến sẽ làm giảm sản lượng 40% trong năm nay.
Yin, lo ngại rằng tình trạng thiếu hụt sẽ đẩy giá vải lên cao đến mức người tiêu dùng không còn sẵn sàng mua chúng nữa – ngay cả khi có sự trợ giúp của phát trực tiếp.
"Giá của một số giống cao cấp có thể tăng hơn gấp đôi trong năm nay, điều này khiến bán hàng trở nên khó khăn", anh lo ngại.
Theo số liệu thống kê năm 2023, Trung Quốc là nước có diện tích trồng vải và sản lượng vải lớn nhất thế giới, với diện tích chiếm hơn 60%, sản lượng chiếm 80% toàn cầu.