Ngôi làng cổ có tên gọi là "Taizicheng" thuộc thành phố Trương Gia Khẩu, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. Người dân ở đây tin rằng ngôi làng của họ có gốc gác hoàng gia, là nơi ở của thái tử. Nơi đây cách Bắc Kinh 140 km, đi bằng tàu siêu tốc thì chỉ mất đúng một giờ là đến.
Khu vực này đã từ lâu nhận được sự chú ý từ các nhà khảo cổ học. Nhưng chỉ đến năm 2017, khi Trung Quốc giành được quyền đăng cai Thế vận hội mùa đông 2022 thì công cuộc khảo cổ mới được tiến hành nghiêm túc.
Theo Global Times đưa tin, ông Zhang Wenrui – Trưởng Viện Di tích văn hóa và khảo cổ tỉnh Hà Bắc nói rằng việc khám phá ra cung điện là một bất ngờ vô cùng lớn đối với các nhà khảo cổ học.
Ông Zhang cũng cho biết, nhóm chuyên gia mới đầu tin rằng những tàn tích mà họ phát hiện là vô giá trị. Tuy nhiên họ chỉ thực sự bị thuyết phục sau khi những bình gốm sứ vô giá, các vật liệu xây dựng cũng như những đặc điểm kiến trúc chỉ có ở thời nhà Kim được khai quật lên.
Ngoài hào và tường thành, các nhà khảo cổ còn phát hiện ra 67 nền móng công trình và 14 con đường. Bên cạnh đó, họ cũng khám phá ra đồ gốm tráng men trắng, tượng điêu khắc đầu rồng và các loại gốm sứ khác. Từ những phát hiện này, các nhà khảo cổ đã đưa ra một kết luận vô cùng bất ngờ. Nơi đây rất có khả năng chính là cung điện Thái Hòa. Một cung điện được xây dựng như là một nơi nghỉ dưỡng cho hoàng đế nhà Kim (trị vì từ năm 1189 đến 1208).
Tượng đồng hình rồng khai quật tại tàn tích của làng Taizicheng.
Hình ảnh đầu rồng khai quật tại tàn tích của làng Taizicheng.
Đây là phát hiện đầu tiên về cung điện dưới thời nhà Kim. Chính vì lẽ đó, nó có một giá trị vô cùng lớn đối với các nhà học giả nghiên cứu về kiến trúc trong lịch sử.
Khu vực này được chia cắt với ngôi làng Olympic chỉ bằng một con đường. Triển lãm nơi đây cũng được kỳ vọng là nơi quảng bá văn hóa và kiến thức cho các vận động viên tham gia thế vận hội năm nay về nước chủ nhà – Trung Quốc.
"Chúng tôi hy vọng rằng các vận động viên nước ngoài tham gia thế vận hội sẽ có cơ hội tham gia triển lãm để có thể học hỏi thêm về lịch sử và văn hóa của Trung Quốc", ông Huang Xin, trưởng nhóm khảo cổ của Viện Di tích văn hóa và khảo cổ tỉnh Hà Bắc cho biết.
Vòng ngọc nạm khắc hình phượng ở triển lãm .