Trong báo cáo gửi Chính phủ, PVN đã phân tích kỹ về nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước. Theo đó, nhu cầu xăng dầu năm 2020 ở mức 18 triệu tấn và dự kiến tăng lên khoảng 25 triệu tấn vào năm 2025 và lên tới 33 triệu tấn vào năm 2030.
Trong khi đó, nguồn cung xăng dầu trong nước hiện tại phụ thuộc chủ yếu chỉ 2 nhà máy lọc dầu chính (Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn) và Nhà máy chế biến condensate (khí ngưng tụ). Tổng xăng dầu cung cấp trong nước khoảng 12,2 triệu tấn.
Kho chứa LPG tại cảng Thị Vải (Vũng Tàu)
Theo PVN, khả năng sản xuất trong nước hiện nay chỉ đáp ứng được khoảng 70% cho nhu cầu sản phẩm xăng dầu ở thời điểm hiện nay và giảm xuống chỉ còn 40% vào năm 2030 và 20% vào năm 2045. Khi đó, Việt Nam sẽ thiếu hụt lượng lớn sản phẩm xăng dầu, ước tính 19,5 triệu tấn vào năm 2030, khoảng 25 triệu tấn vào năm 2035.
Theo báo cáo của PVN, Dự án kho dự trữ quốc gia dầu thô, sản phẩm xăng dầu sẽ có quy mô 1 triệu tấn dầu thô và 500.000 m3 sản phẩm xăng dầu/năm. Tổng mức đầu tư của cả Tổ hợp trong giai đoạn 1 từ 12,5 - 13,5 tỷ USD và giai đoạn 2 là 4,5 - 4,8 tỷ USD.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho biết, với bất cứ quốc gia nào, an ninh năng lượng cũng đều quan trọng. Trong bối cảnh địa chính trị biến động liên tục, tiềm ẩn nguy cơ khủng hoảng năng lượng có thể xảy ra, bất kỳ quốc gia nào cũng cần phải dự trữ xăng dầu.
Dự trữ xăng dầu gồm dự trữ quốc gia và dự trữ doanh nghiệp. Dự trữ xăng dầu của doanh nghiệp Việt Nam đủ cho cả nước dùng khoảng 6 ngày. Thời gian qua, khi giá xăng dầu thế giới tăng cao đã cho thấy thực tế, quốc gia nào có dự trữ tốt, mức độ an ninh năng lượng tương đối an toàn.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), việc xây dựng kho dự trữ xăng dầu quốc gia là bài toán đặt ra từ lâu và rất cần thiết nhưng theo phương án của PVN báo cáo, nguồn lực đầu tư rất lớn. Vì vậy, cơ quan chức năng cần cân nhắc trước khi quyết định.