Sẵn sàng chiến đấu trong thời bình và thời chiến
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh mùa xuân 1975, ông Đỗ Hữu Tín là Tham mưu trưởng Trung đoàn 263 - Trung đoàn Tên lửa phòng không Quân Giải phóng miền Nam tham gia chiến dịch.
Năm nay, đã 88 tuổi nhưng Đại tá Đỗ Hữu Tín vẫn rất minh mẫn kể cho chúng tôi nghe về những ngày đầu tiên sau giải phóng, Trung đoàn 263 làm nhiệm vụ bảo vệ bầu trời thành phố mang tên Bác.
Ông cho biết: Sau ngày đất nước thống nhất, Trung đoàn tên lửa 263 thuộc biên chế Sư đoàn Phòng không 367 T.P Hồ Chí Minh có nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ bầu trời thành phố mang tên Bác cùng các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và một số mục tiêu quan trọng trong khu vực.
Với các đơn vị khác, sau ngày chiến thắng thì có thể nghỉ ngơi, "xả hơi" ít nhiều… nhưng với bộ đội Phòng không thì không thể như thế được! Đặc điểm sẵn sàng chiến đấu của bộ đội Phòng không là phải liên tục suốt ngày đêm, không được một giây phút nào gián đoạn, thời bình cũng như thời chiến.
Khái niệm "sẵn sàng chiến đấu" trong thời bình của lính tên lửa phòng không chính là hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý vùng trời, phải thu được các tín hiệu ra-đa, nắm được các mục tiêu trên không mà ra-đa phát ra.
"Cán bộ chiến sỹ bộ đội Phòng không nói chung và Trung đoàn 263 chúng tôi nói riêng luôn khắc ghi lời dạy của Bác Hồ sau thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954.
Đó là vào đầu tháng Giêng năm 1955, khi Trung ương Đảng và Chính phủ trở về Hà Nội sau 9 năm kháng chiến chống Pháp, Bác Hồ đã nói với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đại ý: Hà Nội mà chưa có pháo phòng không thì như nhà không có nóc!
Câu nói ấy của Bác Hồ như một lời căn dặn Bộ đội Phòng không chúng tôi là dù cho đất nước đã hòa bình nhưng chúng ta luôn cần phải có một lực lượng phòng không hiện đại để đủ sức chống lại mọi hành động của kẻ thù xâm lược, bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc" - ông Tín nhấn mạnh!
Do đó ngay sau khi chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc thắng lợi, cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc ròng rã 30 năm đã đến đích, đất nước đã hòa bình thống nhất thì Trung đoàn 263 liền triển khai ngay nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ bầu trời Sài Gòn.
Đại tá Đỗ Hữu Tín (bìa phải) và tác giả Hữu Mão (bìa trái) cùng các CCB Trung đoàn 263 trong ngày kỷ niệm thành lập Trung đoàn.
Những trận địa tên lửa của lòng dân Sài Gòn
Nói một cách hình ảnh là, Trung đoàn tên lửa 263 cùng các đơn vị trong sư đoàn bắt tay vào xây dựng một "nóc nhà" vững chắc cho thành phố vừa được giải phóng, trong đó có hai việc hết sức quan trọng phải làm ngay.
Một là, khẩn trương sửa chữa, bảo quản vũ khí, khí tài tên lửa sau chuyến hành quân cơ động chiến đấu đường dài hơn 1.000 cây số đường Tây Trường Sơn kịp vào áp sát, bao vây Sài Gòn tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Thực tế là trong cuộc hành quân cơ động chiến đấu ấy, khí tài điện tử của trung đoàn hỏng hóc khá nhiều. Để kịp có mặt tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, toàn trung đoàn chỉ dồn lắp được 1 bộ khí tài tốt cho 1 tiểu đoàn triển khai chiến đấu.
Hai là, tìm vị trí để đặt các trận địa tên lửa phòng không, bảo đảm cho việc sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vững chắc không phận được cấp trên giao quản lý.
Việc thứ nhất thì bằng sự nỗ lực của cán bộ, kỹ thuật viên trong đơn vị cùng với sự hỗ trợ, chi viện vật tư, thiết bị của cấp trên, Trung đoàn 263 đã nhanh chóng đưa tất cả các tiểu đoàn hỏa lực vào trực ban sẵn sàng chiến đấu. Còn việc thứ hai thì chỉ riêng Trung đoàn không thể tự làm được!
Nguyên nhân là những ngày đầu giải phóng, các trận địa tên lửa của Trung đoàn đều được đặt ở các vị trí hoàn toàn ngẫu nhiên.
Lực lượng tên lửa SAM-2 tiến về Sài Gòn ngày 30/04/1975. Ảnh: Hứa Kiểm/TTXVN.
Trận địa chủ yếu chỉ là tận dụng các khu vực kho bãi quân sự cũ của quân đội VNCH hoặc các khu đất trống, còn bỏ hoang rộng rãi, cỡ khoảng trên dưới 10.000 mét vuông mỗi trận địa, đủ để triển khai khí tài, xe máy, bệ phóng của một tiểu đoàn tên lửa, nhưng chưa có công sự gì cả.
"Tuy nhiên, với cương vị là Tham mưu trưởng Trung đoàn, tôi và các cán bộ trợ lý cơ quan Tham mưu của Trung đoàn cũng đã cố gắng tìm chọn các vị trí sao cho phù hợp với đội hình chiến đấu và bảo đảm yêu cầu cảnh giới bầu trời ở tất cả các hướng" - ông Tín nhớ lại.
Nhưng tình trạng đó không thể để kéo dài.
Để đáp ứng yêu cầu sẵn sàng chiến đấu tốt nhất trong thời bình, được sự quan tâm của Quân chủng PK-KQ, sự chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo và chỉ huy Sư đoàn 367; đặc biệt là sự quan tâm vô cùng quý báu của Thành ủy, UBND thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương, một hệ thống trận địa tên lửa của Trung đoàn 263 đã được khẩn trương triển khai xây dựng trên địa bàn thành phố và các địa phương như Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu…
Đại tá Đỗ Hữu Tín và phu nhân
Đại tá Đỗ Hữu Tín kể:
"Tôi còn nhớ, việc này đã được đồng chí Võ Văn Kiệt, lúc đó là Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh hết sức quan tâm. Ngoài việc tạo điều kiện cho trung đoàn có được những vị trí đặt trận địa tên lửa phù hợp nhất, thành phố Hồ Chí Minh còn phát động một phong trào toàn dân xây dựng trận địa phòng không bảo vệ thành phố.
Đích thân đồng chí Võ Văn Kiệt đã phát biểu tại buổi lễ ra quân do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố tổ chức trước cửa Nhà hát thành phố với sự có mặt của đông đảo đại diện các tổ chức đoàn thể như Thanh niên xung phong, Hội Sinh viên, Hội Nông dân, bà con giáo dân… và chính quyền các quận huyện.
Sau lễ ra quân, thành phố đã giao cho các tổ chức đoàn thể, các quận huyện xây dựng từng trận địa cụ thể theo yêu cầu kỹ thuật của đơn vị. Các đoàn thể, địa phương còn thi đua với nhau xem nơi nào hoàn thành công việc nhanh nhất, bảo đảm chất lượng tốt nhất.
Không khí phấn khởi trong những ngày đầu hòa bình, thống nhất đất nước đã khích lệ các tầng lớp người dân thành phố tham gia lao động hết sức sôi nổi.
Chẳng mấy thời gian, hệ thống trận địa tên lửa bảo vệ thành phố Sài Gòn đã hoàn chỉnh.
Khi chúng tôi đi nghiệm thu những công trình được xây dựng bằng công sức và lòng dân ấy, ai cũng không kìm nén được niềm xúc động.
Nhìn những ụ đất, công sự chắc chắn, đúng tiêu chuẩn được trồng cỏ xanh mướt, chúng tôi hiểu rằng đó không chỉ là công sức mà còn là tấm lòng, là niềm tin yêu của người dân thành phố gửi gắm cho chúng tôi, nhắc nhở chúng tôi phải luôn nêu cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc bầu trời và cũng là bảo vệ cuộc sống hòa bình cho nhân dân"!
Khẩu đội Bệ phóng, Đại đội 2, Tiểu đoàn 44, Trung đoàn tên lửa 263 thực hành tháo, nạp đạn tên lửa. Ảnh: Công Giang/Báo PK-KQ.
Cho đến hôm nay, sau 47 năm đất nước đã hòa bình, thống nhất, lớp lớp cán bộ chiến sỹ Trung đoàn tên lửa 263 vẫn ngày đêm thay phiên nhau liên tục làm nhiệm vụ trực ban sẵn sàng chiến đấu bảo vệ bầu trời thành phố mang tên Bác trên những trận địa tên lửa được xây dựng vững chắc từ lòng dân ấy!