Thực hiện Nghị quyết số 125/NQ-CP ngày 8/10/2018 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương xây dựng, hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp”.
Có thể nói chính sách bảo hiểm thất nghiệp là chính sách sớm đi vào cuộc sống và có hiệu quả, được dư luận xã hội, doanh nghiệp, người lao động tích cực hưởng ứng, tham gia và đánh giá cao.
Bên cạnh những mặt được, kết quả thực hiện bảo hiểm thất nghiệp còn bộc lộ một số hạn chế, chính sách bảo hiểm thất nghiệp chưa thực sự gắn với thị trường lao động, mới tập trung nhiều cho khu vực chính thức, chưa có chính sách phù hợp cho khu vực phi chính thức, còn nặng về giải quyết trợ cấp thất nghiệp, chưa chú ý thỏa đáng đến các giải pháp phòng ngừa theo thông lệ quốc tế. Cơ chế quản lý, cơ chế tài chính và tổ chức bộ máy còn nhiều điểm bất cập.
Về bộ máy, còn giới hạn trong phạm vi địa phương nên tính liên kết còn yếu, hoạt động của trung tâm dịch vụ việc làm còn chưa phù hợp với chức năng là định chế trung gian tài chính trên thị trường lao động, còn nặng về khâu giải quyết trợ cấp thất nghiệp mà chưa có nhiều hoạt động chủ động, tích cực của chính sách thị trường lao động.
Về nhân sự, từ 3 nguồn: biên chế, định biên, ký hợp đồng lao động. Do chưa có tiêu chuẩn về vị trí việc làm theo chức danh nghề nghiệp; nhân sự còn được giao theo định suất lao động và nhân sự hợp đồng nên chưa được hưởng các chế độ đãi ngộ như viên chức dẫn đến sự tận tâm và gắn bó với công việc còn là thách thức.
Ngoài ra, từ năm 2011 đến nay, số định suất lao động chưa được bổ sung cũng là khó khăn đối với các địa phương có số lượng người thất nghiệp lớn.
Về cơ chế tài chính, từ 3 nguồn: nguồn ngân sách từ chính quyền địa phương, nguồn hỗ trợ từ Qũy bảo hiểm thất nghiệp, nguồn thu từ các dịch vụ tại Trung tâm.
Qũy bảo hiểm thất nghiệp chưa hỗ trợ đầy đủ các chế độ bảo hiểm thất nghiệp và việc triển khai thực hiện bảo hiểm thất nghiệp trong khi tất cả hoạt động của trung tâm như điều tra cung – cầu lao động, phân tích, dự báo thông tin thị trường lao động, khai thác vị trí việc làm trống, kết nối việc làm,… đều phục vụ cho người thất nghiệp.
Ngoài ra, còn nhiều bất cập khác trong quá trình tổ chức thực hiện như: phần mềm giải quyết hưởng bảo hiểm thất nghiệp; kết nối dữ liệu, chia sẻ thông tin liên ngành, cải cách thủ tục hành chính, tuyên truyền, kiểm soát trục lợi bảo hiểm thất nghiệp,…
Dự thảo Đề án “Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp” đặt ra các mục tiêu về độ bao phủ, các chỉ tiêu về thực hiện bảo hiểm thất nghiệp, mức độ hài lòng của người lao động và đưa ra 11 giải pháp cũng như giao nhiệm vụ cho các Bộ, ngành trong thời gian tới nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả thực hiện bảo hiểm thất nghiệp, đảm bảo việc thực hiện bảo hiểm thất nghiệp thuận lợi, hiệu quả từ khâu thu, tiếp nhận, giải quyết đến khâu chi trả bảo hiểm thất nghiệp, khắc phục những khó khăn, vướng mắc hiện hành./.