Xây dựng Cảnh sát biển Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại

THẢO NGUYÊN |

Chiều 22-5, tiếp tục chương trình kỳ họp, dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Quốc hội nghe Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội về dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Ngô Xuân Lịch cho biết, qua 19 năm thực hiện Pháp lệnh Cảnh sát biển Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng trong bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn trên biển.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch cũng cho rằng, hiện nay, tình hình vùng biển diễn biến ngày một khó lường, các tình huống liên quan tới quốc phòng - an ninh trên biển liên tiếp xảy ra.

Vì vậy, nhiệm vụ của Cảnh sát biển Việt Nam ngày một nặng nề hơn, đặt ra yêu cầu cấp thiết phải có Luật để tạo hành lang pháp lý đủ mạnh cho tổ chức hoạt động, phù hợp với hội nhập quốc tế.

"Tuy vậy, hiện nay chỉ có Pháp lệnh về Cảnh sát biển Việt Nam, chưa tương xứng với vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam trong tình hình mới. Thực tiễn thi hành Pháp lệnh đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế cần khắc phục để phù hợp với quy định của Hiến pháp và bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Do vậy, việc xây dựng Luật Cảnh sát biển Việt Nam là cấp bách và cần thiết", Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh.

Xây dựng Cảnh sát biển Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Ngô Xuân Lịch trình bày tờ trình. Ảnh: quochoi.vn.

Theo Ban soạn thảo, dự thảo Luật được xây dựng nhằm hoàn thiện pháp luật, nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ biển đảo; xây dựng Cảnh sát biển Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, là lực lượng chủ trì thực thi pháp luật trên biển, đồng thời phát huy được sức mạnh tổng hợp trong bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia.

Dự thảo Luật Cảnh sát biển Việt Nam gồm 8 Chương, 49 Điều. Dự thảo Luật làm rõ hơn về vị trí nòng cốt, chủ trì thực thi pháp luật trên biển; khẳng định rõ hơn về chức năng "bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển" (Điều 4); quy định nhiệm vụ xử lý các tình huống quốc phòng - an ninh trên biển (khoản 7 Điều 9); về quản lý Nhà nước và trách nhiệm của các bộ, ngành, chính quyền địa phương…

Trình bày báo cáo thẩm tra về dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Cảnh sát biển Việt Nam như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ, nhằm hoàn thiện pháp luật về Cảnh sát biển Việt Nam, góp phần tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh và xây dựng các lực lượng trên biển, khắc phục những vướng mắc, bất cập trong tổ chức thực hiện Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên biển, bảo vệ an ninh, trật tự an toàn, môi trường biển, bảo đảm việc chấp hành pháp luật trên biển và yêu cầu hội nhập quốc tế.

Về nội dung của dự thảo luật, Ủy ban Quốc phòng và An ninh cơ bản nhất trí với các quy định tại dự thảo. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Võ Trọng Việt đề nghị sửa lại theo hướng quy định Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng nòng cốt thực thi pháp luật về an ninh trật tự, an toàn xã hội trên biển để phân biệt với các lực lượng khác.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại