Xây dựng 3 đầu tàu đặc khu kinh tế

Thế Dũng ghi |

Việc thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt không chỉ có tác động đến 3 tỉnh Quảng Ninh, Khánh Hòa và Kiên Giang mà còn là thử nghiệm chính sách, có tác động lan tỏa, đầu tàu kéo tăng trưởng cho cả nước.

Tuần này, Quốc hội (QH) sẽ thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, còn gọi là đặc khu kinh tế. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã có lý giải về mô hình đặc khu kinh tế này.

Nhân rộng mô hình chính sách mới

* Phóng viên: Thưa Phó Thủ tướng, ông có thể cho biết mục tiêu của việc hình thành các đặc khu kinh tế Vân Đồn (Quảng Ninh), Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang)?

Xây dựng 3 đầu tàu đặc khu kinh tế - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ

- Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Việc xây dựng 3 đặc khu kinh tế đầu tiên của Việt Nam có mục tiêu lớn là cực tăng trưởng và "phòng" thử nghiệm chính sách.

Mặc dù mỗi đặc khu có đặc thù, mức độ khác nhau song sau khi thử nghiệm chính sách mới thành công thì có thể nhân ra theo phạm vi vùng hoặc cả nước.

Ví dụ, TP HCM đang đề xuất được áp dụng cơ chế trả lương cao hơn bình quân cả nước và Chính phủ cũng đang xây dựng đề án cải cách chính sách tiền lương, BHXH và ưu đãi người có công để có quyết sách phù hợp thực tế.

Nếu thử nghiệm nâng lương ở TP HCM tốt thì có thể hình thành chính sách chung cho cả nước. Từ đó, tỉnh nào có thể cân đối ngân sách thì có thể trả lương cao hơn mức bình quân chung cả nước.

* Tăng lương cho cán bộ, công chức ở các đặc khu kinh tế cũng như TP HCM có thể làm những địa phương khác thiệt thòi trong thu hút nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao?

- Điều này không đáng lo vì khi có vài điểm nhấn sẽ tạo động lực, kích thích các địa phương còn lại phấn đấu tăng trưởng kinh tế, tiến tới tự túc được ngân sách sẽ có điều kiện chăm lo và thu hút cho cán bộ, công chức.

Tất nhiên, chúng ta cũng phải chấp nhận quy luật là có xảy ra hiện tượng di cư lao động, thu hút nhân lực…

Việc di cư tự do là tất yếu, chúng ta có muốn cản cũng không được mà phải điều hành, quản lý thế nào để tạo ra những lực hấp dẫn khác.

Như vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng mức trần trả lương cho cán bộ, công chức tại các đặc khu kinh tế là 1,8 lần so với mức bình quân chung.

Tuy nhiên, mức trần này tại các đặc khu kinh tế cũng không áp dụng đại trà cho từng người, từng đơn vị mà có nơi chỉ là 1, trên 1 nhưng có nơi, có người lương gấp 2-3 lần mức bình quân chung tùy năng lực, nhiệm vụ và sự đóng góp theo đúng kinh tế thị trường.

Điều phối liên kết kinh tế vùng

* Thưa Phó Thủ tướng, việc hình thành các đặc khu kinh tế còn gây ra những lo ngại cho các địa phương khác, thậm chí là tị nạnh?

- Về chính sách vùng miền của Việt Nam thì Hội nghị Trung ương 12 khóa này đã nêu rõ một số mục tiêu cụ thể.

Thứ nhất, phải tăng cường điều phối liên kết kinh tế vùng, đó là triết lý quan trọng nhất, không chia cắt theo địa giới hành chính. Vùng thì có những vùng khó khăn, vùng động lực.

Vùng khó khăn thì phải có cơ chế thích hợp để các vùng này tự vươn lên, rút ngắn khoảng cách với vùng khá hơn. Với vùng động lực, không thể để ì ạch mãi, phải tính toán nhằm có cơ chế vượt trội.

Để các vùng động lực thực sự làm đầu tàu không chỉ lo cho mình mà kéo cả các toa tàu khác, lan tỏa ra khu vực.

Nên chính sách đặc thù thì không chỉ riêng địa phương đó được lợi mà còn có ý nghĩa là lan tỏa, kéo theo các toa tàu lan tỏa. Đó là triết lý vùng.

Thứ hai, thử nghiệm chính sách thì không thể nào trên diện rộng, đại trà mà các chính sách về khuyến khích đầu tư, các vùng kinh tế động lực cũng có các khu kinh tế, khu công nghiệp… Tại đây cũng đã hình thành cơ chế, chính sách hấp dẫn đầu tư.

Những khu kinh tế, khu công nghiệp ở những nơi cần thu hút đầu tư thì đã có cơ chế cao hơn được Luật Đầu tư quy định.

Nên nói tỉnh này tị với tỉnh kia thì không hẳn. Và khi đặc khu kinh tế thử nghiệm một số chính sách đặc thù thì sau này có thể nhân rộng ra các vùng, địa phương khác, thậm chí là cả nước.

* Các đặc khu cực tăng trưởng này còn có nhiệm vụ tác động lôi kéo, lan tỏa, sẻ chia bớt nguồn lực mà họ có cho các nơi khác?

- Tôi lấy ví dụ ở Trung Quốc, lúc đầu họ mở cửa khu vực phía biển, miền Đông, có điều kiện cho đi trước và họ chọn một số địa phương bứt phá. Những địa phương này có sức mạnh lại hỗ trợ các địa phương khác.

Trước đây chỉ phía biển trở thành đầu tàu đã dần dần kéo theo các tỉnh, thành ở phía Tây như Tứ Xuyên giờ không kém gì Sơn Đông, Phúc Châu, Phúc Kiến…

Như việc quy định tỉ lệ huy động điều tiết ngân sách của TP HCM đang từ mức 23% xuống18%, đó cũng là vì cả nước, vì cân đối chung ngân sách cả nước, vì những vùng khó khăn.

Đây là lần đầu Việt Nam thử nghiệm mô hình đặc khu kinh tế nhưng xác suất thành công rất cao. Thực tế, nhiều nước đã rất thành công với mô hình này.

Thậm chí, Nhật Bản còn mở rộng khái niệm đặc khu kinh tế theo từng tỉnh, không phải địa bàn cụ thể. Hay Thượng Hải, khu kinh tế tự do là cả thành phố quy mô cực lớn. Vì vậy, không quá lo ngại chuyện về tương lai của các mô hình đặc khu kinh tế.

Thông qua nghị quyết về sân bay Long Thành

Từ ngày 20 đến 24-11, kỳ họp QH thứ 4 sẽ bước vào tuần làm việc cuối cùng. Đáng chú ý, trong tuần làm việc này, QH sẽ thảo luận ở hội trường và biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển TP HCM vào ngày 24-11.

Trong tuần, QH cũng biểu quyết thông qua Nghị quyết về Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng Hàng không quốc tế Long Thành; Luật Quản lý nợ công (sửa đổi); Nghị quyết về chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng; Luật Thủy sản (sửa đổi); Nghị quyết về việc lùi thời điểm triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới...

QH cũng thảo luận ở hội trường về dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước; Luật Đo đạc và bản đồ (sửa đổi); Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi); Luật An ninh mạng; Luật Tố cáo (sửa đổi); Luật Quốc phòng (sửa đổi).

T.Dũng

Cơ chế riêng cho TP HCM là vì cả nước

Trả lời báo chí về sự cần thiết phải có Nghị quyết của QH về cơ chế, chính sách riêng cho TP HCM, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết TP HCM là đô thị thuộc loại đặc biệt và từ hàng chục năm qua đây là một đầu tàu động lực tăng trưởng cho cả nước.

Cụ thể, TP HCM liên tục đóng góp 30% thu ngân sách và 23% GDP cho cả nước nên phải có những thể chế tạo động lực để phát triển mạnh hơn nữa.

"Tạo thể chế cho TP HCM cất cánh mạnh hơn nữa không chỉ dành riêng cho TP mà còn cho cả nước. Điều đó rất rõ ràng vì chiếc áo mặc cho TP HCM đã quá chật, giờ cần có thể chế phù hợp và vượt trội.

Trung ương và Bộ Chính trị đã xác định là cần áp dụng cho TP HCM những thể chế chính sách cao hơn pháp luật hiện hành hoặc có những vấn đề mà thể chế pháp luật chưa có thì có thể thử nghiệm tại đây.

Nên Chính phủ trình QH thông qua cơ chế, chính sách riêng cho TP HCM trong bối cảnh cần thiết như vậy" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Đối với băn khoăn của một số đại biểu QH về khoản hơn 18.000 tỉ đồng ngân sách trung ương để lại cho TP HCM trong khi nhiều địa phương còn khó khăn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giải thích con số cụ thể để lại cho TP HCM sẽ được QH thảo luận, quyết định và đây là thẩm quyền quyết định của QH.

"Theo tôi, 18.000 tỉ đồng đối với cả nước cũng như TP HCM cũng không quan trọng lắm và thực tế số tiền này đã nằm trong kế hoạch đầu tư công" - Phó Thủ tướng phân tích.

B.Trân

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại