Khu chợ khang trang với 180 ki ốt và gian hàng nhưng chỉ có 1 ki ốt mở cửa là tiệm may của ông Trần Văn Thuận (70 tuổi).
Ông Thuận cho biết, ông hợp đồng thuê ki ốt để mở tiệm may ở đây vừa tròn 1 năm nhưng đến nay vẫn kinh doanh đơn độc. Khi mới thành lập, nhiều tiểu thương cũng hợp đồng và lên đây buôn bán nhưng rồi bỏ dần vì vắng khách.
Theo hợp đồng, ki ốt ông Thuận thuê giá 9 triệu đồng/năm, nhưng để khuyến khích các tiểu thương, năm đầu tiên chưa tính tiền thuê. Chợ Kế Xuyên cũ cách chợ mới 150 m.
Bà Nguyễn Thị Thu Hồng, tiểu thương bán mỳ, bức xúc: "Tụi tui mấy chục năm buôn bán ở đây, tự nhiên mấy ổng dời chợ rồi đòi lùa xuống.
Mấy ổng tự làm, không họp dân, không họp tiểu thương để lấy ý kiến. Xây chợ hoành tráng nhưng lại gần trường học, rao bán gây ảnh hưởng đến học sinh nên tụi tui không đi.
Còn chưa kể chuyện đền bù đất đai không thỏa đáng chứ không phải tự nhiên dân họ coi thường vậy".
Ông Hồng Quốc Cường, Chủ tịch UBND xã Bình Trung, cho biết, sau khi hoàn thành (tháng 8/2015), xã phối hợp các cấp, ngành của huyện Thăng Bình vận động các tiểu thương tại chợ Kế Xuyên cũ di dời vào chợ mới.
Ban đầu, đa số tiểu thương đồng thuận, có 108 người (60% số tiểu thương chợ cũ) đồng ý nộp tiền, đấu thầu với tổng số tiền 465 triệu đồng để ra chợ mới.
Tuy nhiên, sau đó bị các đối tượng xấu xúi giục, lôi kéo, các tiểu thương không đồng ý lên chợ mới.
Theo ông Cường, việc các tiểu thương không lên chợ mới có nhiều nguyên nhân, song chủ yếu do một số hộ sống gần ở chợ cũ có quyền lợi về cho thuê mặt bằng, buôn bán với giá 150 - 200 ngàn đồng/ngày nên đã lôi kéo các tiểu thương ở lại chợ cũ.
Xã tổ chức hàng chục cuộc đối thoại, huyện trực tiếp đối thoại với dân nhưng vẫn không thống nhất việc di dời.
"Giờ chính quyền xã cũng bất lực rồi, lực lượng quá mỏng mà các đối tượng thì rất manh động nên công tác vận động không hiệu quả.
Phương án sắp tới là kiểm tra đánh giá thực trạng chợ Kế Xuyên cũ để làm căn cứ đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét thông báo ngừng hoạt động vì hạ tầng không đảm bảo", ông Cường nói.