Ảnh minh họa: KT
Nước Mỹ đang đối mặt với những tuần đau thương bởi súng đạn với liên tiếp các vụ xả súng xảy ra trong những ngày gần đây. Riêng trong năm nay, súng đạn đã cướp đi mạng sống của 11.000 người Mỹ.
Nguyên nhân về tình trạng bạo lực súng đạn gia tăng thời gian qua được cho là do các quy định sở hữu súng đạn lỏng lẻo, sự manh động của các băng nhóm tội phạm và xuất phát từ các vấn đề về sức khỏe tâm thần.
Với tình trạng bạo lực gia tăng thời gian qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden phải thừa nhận đây là một "dịch bệnh”.
“Mỗi ngày đất nước của chúng ta có 316 người bị bắn chết. Trong những ngày qua chúng ta phải đau buồn tưởng niệm 8 người trong vụ xả súng tại Georgia trong đó chủ yếu là người gốc Á, và vụ thảm sát tại Colorado.
Các bạn có thể không biết rằng chỉ trong vòng chưa đầy 1 tuần, giữa hai vụ việc đã có thêm hơn 850 vụ xả súng. Bạo lực súng đạn là một dịch bệnh ở Mỹ và đây là một nỗi hổ thẹn đối với quốc tế”, ông Biden nhấn mạnh.
Trong một bước đi nhằm giảm tình trạng bạo lực súng đạn, Tổng thống Mỹ ngày 8/4 công bố các biện pháp kiểm soát mới. Theo đó, Bộ Tư Pháp Mỹ sẽ loại bỏ các loại súng tự chế và siết chặt kiểm soát các cá nhân sở hữu súng. Ông Biden cũng vạch ra các mục tiêu tham vọng hơn, kêu gọi sự hỗ trợ của Quốc hội, trong đó có 2 dự luật nhằm siết chặt kiểm soát súng đạn đã được Hạ viện thông qua.
Chính quyền mới tại Mỹ đang đưa ra các bước đi đầu tiên hướng tới việc giải quyết tình trạng bạo lực súng đạn như cam kết tranh cử, nhưng Bộ trưởng Tư Pháp Mỹ Merrick Garland cũng phải thừa nhận, đây là một vấn đề không phải thực hiện được trong một sớm một chiều.
“Tôi không quá ảo tưởng về việc vấn đề bạo lực súng đạn có thể dễ dàng giải quyết được. Riêng Bộ Tư Pháp Mỹ không thể giải quyết được mà chúng ta phải hợp tác tập thể cùng nhau để súng không rơi vào tay những kẻ phạm tội và cứu mạng sống của nhiều người”, ông Garland nói.
Một số chuyên gia cũng cho rằng trong bối cảnh tình trạng bạo lực nhằm vào cộng đồng người gốc Á gia tăng, việc kiểm soát súng đạn nghiêm ngặt hơn cũng có thể ngăn chặn các vụ xả súng vì kỳ thị chủng tộc trong thời gian tới.
Theo như giải thích của các chuyên gia, phân biệt chủng tộc xuất hiện tại nhiều nước, nhưng tình trạng bạo lực đẫm máu không xảy ra và căng thẳng như nước Mỹ.
Một phần của vấn đề đến từ khả năng tiếp cận súng đạn. Luật sở hữu súng đạn lỏng lẻo có thể tạo điều kiện cho các đối tượng dễ dàng hành động theo sự thù hận của họ.