Khi tình trạng thiếu nhiên liệu gia tăng và các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ ảnh hưởng tới quốc gia Trung Mỹ, người dân Cuba đang chuyển sang các lựa chọn giải pháp xe hơi nhỏ hơn, rẻ hơn và chạy bằng điện.
Tài xế taxi Sixto Gonzalez, 58 tuổi chọn cách di chuyển qua các đường phố bằng chiếc xe điện bốn bánh với tốc độ tối đa khoảng 40 km một giờ.
Theo dữ liệu chính thức, Gonzalez là một trong số khoảng 600.000 người đã từ bỏ chiếc xe cũ kỹ của mình để dùng các phương tiện điện khí hóa trên hòn đảo 11,2 triệu dân. Lần cuối cùng đổ xăng, anh đã phải đứng xếp hàng trong 8 tiếng đồng hồ mới tới lượt.
Cho đến nay, hầu hết ô tô đang lưu hành ở Cuba là các mẫu xe của Mỹ từ những năm 1950 - trước khi các lệnh trừng phạt bắt đầu - và những chiếc Lada nhỏ gọn từ thời Liên Xô.
Các mẫu xe mới trên thị trường ở quốc gia này thường có mức giá đắt đỏ từ khoảng 20.000 đến 100.000 USD. Để so sánh, chiếc xe điện bốn bánh mà Gonzalez đã mua có giá trị chỉ từ 4.000 đến 8.000 USD và mặc dù chậm hơn, nhưng nó hoàn toàn có thể di chuyển và chở theo 4 tới 5 người.
Ngoài ra, xe máy điện cũng đang ngày càng được ưa chuộng tại Cuba, với khoảng 40.000 đến 50.000 người sử dụng.
Trong một nhà máy xe tải từng bị bỏ hoang từ thời Liên Xô ở trung tâm thành phố Santa Clara, khoảng 100 công nhân của công ty Minerva đang lắp ráp xe điện với các bộ phận nhập khẩu từ Trung Quốc hoặc Việt Nam.
Những mẫu xe Mỹ cũ thường xuất hiện trên đường phố Cuba đang dần nhường chỗ cho xe điện. Mục tiêu đến năm 2022 là sản xuất 10.000 xe máy điện, ông chủ Elier Perez của Minerva nói với AFP - gấp đôi sản lượng năm trước đó trước đó của nhà máy - cũng như 2.000 xe ba bánh. |
Raul Suarez, một nhân viên bảo vệ 52 tuổi, người có cho mình một chiếc xe máy điện, cho biết: “Tôi phải mua một chiếc vì tình trạng thiếu xăng".
Không chỉ ô tô đắt đỏ và khan hiếm, mà giao thông công cộng ở thủ đô là một thử thách hàng ngày đối với nhiều người.
“Một nửa số xe buýt ngừng hoạt động vì thiếu lốp và ắc quy không thể nhập khẩu do lệnh trừng phạt của Mỹ”, quan chức Bộ Giao thông vận tải Guillermo Gonzalez cho biết. Người dân Havana đôi khi phải đợi xe buýt hàng giờ đồng hồ để đến cơ quan hoặc trở về nhà.
Đồng thời, tình trạng thiếu nhiên liệu đã trở nên tồi tệ hơn kể từ khi Mỹ tăng cường phong tỏa kinh tế kéo dài 6 thập kỷ đối với quốc gia này vào năm 2019, ngăn chặn sự xuất hiện của các tàu chở nhiên liệu từ Venezuela, một đồng minh của Cuba.
Jorge Pinon, chuyên gia chính sách năng lượng Cuba tại Đại học Texas, cho biết nguồn cung xăng giảm mạnh từ 100.000 thùng/ngày xuống còn khoảng 56.000 thùng/ngày vào năm 2021.
Ba năm trước, chính phủ bắt đầu thúc đẩy việc sử dụng ô tô điện, giới thiệu chúng đến các công ty quốc doanh để công nhân sử dụng.
Người ta hy vọng rằng việc tung ra thị trường ô tô điện sẽ làm giảm ‘mức tiêu thụ nhiên liệu’ và đồng thời giảm thiểu ô nhiễm", ông nói thêm.
Tuy nhiên, việc cung cấp điện cũng là một vấn đề đáng lo ngại. Trong nhiều tuần nay, người dân Cuba đã phải đối phó với tình trạng cắt giảm thường xuyên, đôi khi kéo dài hàng giờ đồng hồ do lỗi phát điện và công việc bảo trì các nhà máy nhiệt điện. Và trong một nỗ lực để bù đắp phần nào sự thiếu hụt, các nhà chức trách đã chuyển sang sử dụng các máy phát điện sử dụng lượng dầu diesel dự trữ hạn chế.
Ramses Calzadilla, Giám đốc chiến lược của Bộ năng lượng Cuba, cho biết ông tin tưởng rằng việc phát điện sẽ sớm được khôi phục hết công suất và khẳng định tình hình này không đe dọa đến lĩnh vực xe điện đang phát triển.