Trước hoạt động bất hợp pháp của nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, với tư cách là một nhà sử học nghiên cứu về chủ quyền biển đảo, Giáo sư có thể phân tích để độc giả hiểu rõ hơn về bản chất của hành động này?
GS. TS Nguyễn Quang Ngọc: Đây là vấn đề lớn đối với đất nước Việt Nam chúng ta. Tôi sẽ đi từ điểm khởi đầu hết sức quan trọng đó là Công ước Liên Hợp Quốc về luật biển (UNCLOS) 1982.
Bản công ước luật biển này đã quy định hết sức cụ thể, chỗ nào là vùng lãnh hải, đường cơ sở thế nào, rồi vùng tiếp giáp ra làm sao. Nó có những định nghĩa rất chặt chẽ về vùng đặc quyền kinh tế. Bãi Tư Chính là vùng biển nằm trong vùng Đặc quyền kinh tế của Việt Nam, không hề chồng lấn hay tranh chấp với bất kỳ quốc gia nào. Theo UNCLOS, Việt Nam có quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng biển này. Đây là điều rõ ràng và minh bạch nhất. Chúng ta hiểu, cộng đồng quốc tế hiểu. Duy có mỗi một mình Trung Quốc cố tình không hiểu mà thôi.
Điều quan trọng thứ hai, Trung Quốc cũng là một thành viên công nhận và phê chuẩn UNCLOS 1982. Nếu Việt Nam tham gia UNCLOS vào năm 1994, thì đến năm 1996, Trung Quốc đã ký phê chuẩn UNCLOS. Điều đó có nghĩa, họ đã đồng ý hoàn toàn với việc tuân thủ các quy định từ bộ văn bản này. Và một khi đã phê chuẩn, tức là anh cam kết bằng danh dự việc chấp hành theo luật pháp quốc tế, theo đúng quy định của Công ước Luật biển.
Vậy mà không biết bao nhiêu lần Trung Quốc đã đơn phương vi phạm nghiêm trọng Công ước Luật biển. Chúng ta cũng phải lưu ý rằng Trung Quốc không chỉ xâm phạm vùng biển Việt Nam, mà hầu như với tất cả các quốc gia có vùng biển lân cận, Trung Quốc đều thực hiện chính sách phi pháp này. Đây là một điều trái với lẽ thường, trái với đạo lý, trái với luật pháp. Đối với một đất nước tự cho là văn minh, một dân tộc giàu văn hoá như Trung Quốc, tôi không hình dung nổi vì sao họ lại hành xử như vậy.
Còn nếu như nói là họ không biết thì không phải. Ta nên nhớ, Trung Quốc đã và đang có những đại diện nắm giữ vị trí ở một số thiết chế thành lập theo UNCLOS. Họ có một thẩm phán của Tòa luật biển, các đại diện tại Ủy ban Đáy đại dương… Do đó Trung Quốc phải là một nhà nước có mức độ hiểu biết sâu sắc tinh thần của Công ước Luật biển.
Vậy nói là họ biết thì tại sao họ lại làm như vậy? Lấy hệ quy chiếu của một xã hội văn minh, thượng tôn pháp luật, tạm thời tôi không hiểu được, cũng không giải thích được.
Thế nên mới cần quay trở lại lịch sử của vấn đề. Chúng ta nhớ lại là trước đây, một loạt bản đồ cổ, văn bản cổ của các nhà nước Trung Quốc từ đầu thế kỷ XX trở về trước đều khẳng định lãnh thổ quốc gia của họ chỉ đến đảo Hải Nam. Vậy mà đến giữa thế kỷ XX, từ chuyện người Trung Quốc nào đó vu vơ vẽ ra một đường lưỡi bò bao lấy gần như 80% diện tích Biển Đông, quốc gia vốn có những bất ổn bức bối trong nước này đã luôn lấy vấn đề Biển Đông như một van xả căng thẳng. Họ vô thiên vô pháp coi đó là cái ao riêng của mình và thuộc chủ quyền lịch sử của Trung Quốc.
Mà chủ quyền lịch sử cũng là thuật ngữ "người ta" tự đặt ra. Làm gì có chủ quyền lịch sử? Thực ra có một thuật ngữ thế giới dùng rất phổ biến, đó là "vấn đề lịch sử chủ quyền" thì họ không dùng. Họ lại dùng chủ quyền lịch sử, tức là họ ngang nhiên mặc định họ có chủ quyền. Mặc định chủ quyền đó họ đã có từ thời Cổ đại. Tôi hết sức kinh ngạc.
Đó là cái họ tưởng tượng ra, và tưởng tượng thái quá. Họ nói là từ thời Hán họ đã có chủ quyền ở Hoàng Sa, Trường Sa. Tư liệu ở đâu? Anh dẫn chứng cho tôi. Anh mang chứng cứ ra cho cả thế giới xem!
Trong các hội nghị khoa học quốc tế, Trung Quốc đã bao giờ đưa ra được dẫn chứng khoa học nào để chứng minh cho chủ quyền mà họ tưởng tượng ở Biển Đông chưa thưa Giáo sư?
GS. TS Nguyễn Quang Ngọc: Ở đây, chúng ta bắt đầu nói rộng ra câu chuyện Biển Đông, không còn phải là bãi Tư Chính nữa. Bãi Tư Chính nằm trên thềm lục địa pháp lý của Việt Nam, thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, và không có bất kỳ tranh chấp nào được phép xảy ra ở vùng biển này của Việt Nam cả.
Vừa rồi, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam có làm cuốn sách Nghiên cứu về chủ quyền biển, đảo Việt Nam, trong đó một giáo sư người Nhật Bản tham gia viết một bài nói về cuộc hội thảo quốc tế tổ chức ở Tokyo, Nhật Bản. Trong hội thảo đó, tôi là người trình bày vấn đề chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa trước chuyên gia nhiều nước, trong đó có chuyên gia Trung Quốc. Tôi đã nói thẳng rằng Trung Quốc hoàn toàn không có quyền ở các quần đảo này. Họ cũng không thể đưa ra bất cứ một cơ sở tư liệu nào để phản bác lại.
Đến khi hội thảo kết thúc, bên ngoài hành lang hội trường, chuyên gia Trung Quốc mới giãi bày: "Chuyện này chúng tôi không được nói khác ý kiến chỉ đạo trong nước".
Rất tiếc là phía Trung Quốc không có báo cáo về vấn đề biển Đông, mặc dù chúng tôi đã yêu cầu hai bên Việt Nam và Trung Quốc chuẩn bị cho đề tài này. Đối với bản báo cáo của Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc, phía Trung Quốc chỉ có một người bình luận nhưng phát biểu theo hướng bảo vệ lập trường chính thức của Trung Quốc nên hoàn toàn không có sức thuyết phục, không có căn cứ khoa học."
GS. TS Trần Văn Thọ - Đại học Waseda, Tokyo
Chính các học giả Trung Quốc cũng phải ngậm ngùi và cảm thấy đuối lý như vậy. Để thấy rằng tôi không hiểu đấy là kiểu tư duy và hành động gì. Họ mặc nhiên cho rằng một đường lưỡi bò vẽ một cách vu vơ trên Biển Đông lại là vùng lợi ích cốt lõi của Trung Quốc. Không ai có thể chấp nhận cách làm này. Nó hoàn toàn vô giá trị.
Với tư cách là nhà sử học có nghiên cứu về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa cũng như lịch sử các sự vụ gây hấn của Trung Quốc tại các vùng biển Việt Nam, Giáo sư nhận xét gì về những câu chuyện ẩn đằng sau của các hành vi này?
GS. TS Nguyễn Quang Ngọc: Ta nhớ rằng tư duy bành trướng được khái quát thành Chủ nghĩa Bành trướng Đại Hán và sau này là chủ nghĩa đế quốc Trung Hoa, luôn là một phần tạo nên lịch sử hình thành và phát triển của đất nước này. Suốt mấy nghìn năm nay, ít ra là từ thời đế chế Tần Thuỷ Hoàng ở thế kỷ III TCN, người Trung Hoa luôn không ngừng thực hiện chiến tranh xâm lược bành trướng xuống phương Nam. Cuộc kháng chiến chống Tần của tổ tiên chúng ta là ở thời kỳ An Dương Vương, được ghi nhận là cuộc đụng độ đầu tiên trên lãnh thổ Việt Nam lúc bấy giờ.
Phải nói rằng chiến lược bành trướng trên đất liền là chiến lược cơ bản, lâu dài và vô cùng nguy hiểm của Chủ nghĩa Bành trướng Đại Hán. Đặc biệt là với một quốc gia láng giềng nhỏ bé như Việt Nam. Sau mấy nghìn năm làm hàng xóm với Trung Quốc, cũng là từng ấy thời gian chúng ta tích lũy cho mình kinh nghiệm chống lại chiến tranh bành trướng xâm lược từ phương Bắc.
Lịch sử cũng chỉ ra rằng, trước đó Trung Quốc hoàn toàn xa lạ với biển. Thậm chí có những thời kỳ họ còn bỏ lại đảo Hải Nam, rút sâu vào lục địa, không coi hòn đảo đó thuộc về mình. Đó là những năm cuối thời Tây Hán, triều đình trung ương đã bỏ Châu Nhai quận ra khỏi tổ chức chính quyền địa phương, chỉ thực thi thống trị từ xa đối với Hải Nam.
Như vậy có thể thấy, Trung Quốc là một đại đế chế lục địa, họ không tập trung phát triển ra biển. Dẫn đến có cả một thời kỳ lịch sử dài lâu, Trung Quốc không có năng lực khai thác biển, không đánh giá được đúng vai trò của biển và quay lưng lại với biển.
Đến đầu thế kỷ XX họ mới giật mình. Người Trung Quốc lúc này nhìn thấy vai trò của biển và vội vàng vươn ra biển cùng với hành trang là hệ tư duy lục địa trên đất liền.
Đến cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI, sự phát triển nhanh chóng về kinh tế, rồi xu hướng coi đại dương là cánh đồng cuối cùng của nhân loại phát triển trên toàn thế giới, Trung Quốc nhận ra rằng muốn trở thành cường quốc, muốn thực hiện giấc mơ Trung Hoa bá chủ toàn cầu, trước tiên họ phải là bá chủ đại dương. Sách lược chiếm biển được coi là con đường đưa họ trở thành cường quốc biển và bá chủ toàn cầu. Nhưng tư duy của họ, hay cách thức thực hiện của họ đều chủ yếu dựa vào sở trường và kinh nghiệm bành trướng trên đất liền. Do đó mới có việc Trung Quốc xây dựng chuỗi ngọc trai nọ chuỗi ngọc trai kia, rồi kiên cố hóa vị trí nọ vị trí kia, vẫn cứ chỉ là bám lấy đất liền, thậm chí còn muốn đất liền hoá biển cả.
Trung Quốc bồi đắp, xây dựng trái phép trên Đá Chữ Thập, thuộc Quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Ảnh: CSIS/AP
Nhìn lại các sự kiện mới đây thôi, có thể thấy Trung Quốc chính là quốc gia đầu tiên tiến hành cải tạo với quy mô lớn các thực thể là bãi đá ngầm trên Biển Đông. Kết quả, các bãi đá ngầm sau cải tạo biến thành các đảo nhân tạo với diện tích lớn ngang cấp độ các đảo tự nhiên lớn nhất ở quần đảo Trường Sa. Tác động của hành vi bành trướng như trên đất liền này đã ngay lập tức biến dạng, tàn phá môi trường sinh thái nguyên bản của Biển Đông. Hiểm họa mà họ gây ra ở khu vực này là vô cùng khốc liệt, không hề kém gì những cuộc chiến tranh xâm lược mà Trung Quốc đã từng tiến hành trong lịch sử.
Nhưng ngay cả khi đã làm những việc ngang ngược bất chấp luật pháp của một xã hội hiện đại, hủy hoại môi trường và sự cân bằng của thiên nhiên, người Trung Quốc với tư duy bành trướng từ đất liền vẫn chưa thực sự yên tâm, cho nên họ vẫn phải lao tới, cố tìm ra vị trí trọng yếu như pháo đài ở trong đất liền để bảo đảm cho sự vươn xa của họ, chiếm lấy toàn biển Đông, mở một con đường cho họ ra Thái Bình Dương trở thành đại cường quốc ở trên biển.
Hành vi của nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam chính là nhằm mục đích đó.
Tất nhiên, ai cũng hiểu rằng thời điểm này, Trung Quốc gây hấn với Việt Nam ở Biển Đông còn có những vấn đề sâu xa. Vấn đề thứ nhất là dầu khí. Rõ ràng khu vực thềm lục địa là khu vực dễ để triển khai các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí hơn rất nhiều so với các khu vực khác. Cho nên bao lâu nay, Trung Quốc vẫn từng bước từng bước nhòm ngó và cố tình tiến ngày càng sâu vào thềm lục địa của Việt Nam là để hiện thực hóa tham vọng tìm và khai thác tài nguyên dầu khí. Có thể nhắc đến những sự vụ nóng như HD981 hay là HD8 vừa rồi. Chúng ta thấy, từ điểm gây hấn ban đầu là ở khu vực thềm lục địa kéo dài, Trung Quốc đã tiến thẳng vào thềm lục địa pháp lý thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Và còn nhiều lần khác nữa chứ không phải chỉ có hai lần điển hình này. Tất cả đều nhằm vào vùng thềm lục địa dễ khai thác tài nguyên. Đó là mục tiêu về kinh tế.
Còn mục tiêu thứ hai, tôi nghĩ quan trọng hơn, đó là gì?
Là họ muốn cắm cho bằng được những điểm chốt ở thềm lục địa, hình thành các pháo đài bảo vệ, canh giữ cho sự tồn tại của các tiền đồn của họ ở giữa biển khơi. Nếu làm được như vậy, họ vô cùng dễ dàng biến toàn bộ Biển Đông thành ao riêng.
Đấy chính là sự thể hiện cho Chủ nghĩa Bành trướng Đại Hán với tư duy bành trướng lục địa. Thực ra mà nói, Trung Quốc ngang nhiên coi toàn bộ đường lưỡi bò là vùng "lợi ích cốt lõi", bởi vì họ luôn mang tư duy đất liền ra biển khơi. Tóm lại, họ muốn biến cả rừng, cả đồng bằng, cả sông nước, cả biển cả và hải đảo máu thịt của chúng ta thành đất, thành sông, thành ao riêng của họ.
Cả ngàn năm nay, họ vẫn thế. Tính từ thời Tần Thủy Hoàng đến giờ họ không hề thay đổi.
Vậy làm thế nào để chúng ta có thể sống một cách độc lập tự chủ, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền đất nước bên cạnh người hàng xóm có quá nhiều tham vọng như vậy?
GS. TS Nguyễn Quang Ngọc: Tôi vẫn tin rằng sống trong thời đại văn minh, xã hội văn minh, thì văn minh của loài người hiện nay chính là thượng tôn pháp luật. Tất cả các quốc gia, dù lớn hay nhỏ, đều mong muốn được sống trong một thế giới hòa bình và ổn định, một thế giới của luật pháp thay vì vũ lực và các hành vi phi pháp. Liệu các cường quốc có tuân thủ luật pháp? Trong hầu hết các trường hợp, các cường quốc đều hành động phù hợp với luật quốc tế và thượng tôn pháp luật. Họ làm vậy không hẳn vì chủ nghĩa lý tưởng mà là vì chính lợi ích của họ.
Chính Quản Trọng, một nhà tư tưởng của Trung Quốc thời Xuân Thu, người đã làm cho nước Tề thành "bá" từ 6 thế kỷ trước Công Nguyên đã từng khẳng định: "Pháp (luật) là cái quy tắc của thiên hạ…"
Cho nên, tôi cũng hy vọng các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhận ra điều này. Anh không thể cứ cậy lớn, cậy to mà làm càn thế được.
Với Việt Nam, theo tôi, trong bối cảnh này, cũng là cách hành xử văn minh, giải pháp cần tính đến là kiện.
Chúng ta luôn sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ. Đây là trách nhiệm, sứ mệnh thiêng liêng. Chúng ta nên nhớ, cách đây gần 600 năm, vua Lê Thánh Tông từng tuyên bố: Kẻ nào đem một thước núi, một tấc đất của Thái Tổ để lại làm mồi cho giặc, kẻ đó sẽ bị tội tru di... Tinh thần ấy, ý chí ấy, quyết tâm ấy từ lâu đã trở thành lẽ sống cao cả của người Việt Nam.
Nhưng trên hết, chúng ta là một dân tộc yêu chuộng hòa bình, hòa hiếu.
Nhớ rằng, cuối năm 1427, trong những trận đánh cuối cùng chống quân Minh, chúng ta bao bây toàn bộ Đông Quan, quân tiếp viện từ Trung Quốc sang Chi Lăng, Xương Giang đều bị tiêu diệt triệt để, không có bất cứ ai có thể tiếp viện cho Vương Thông nữa. Ở trên kia, Mộc Thạnh nghe thấy cũng bỏ chạy. Có thể nói quân Minh như cá nằm trên thớt, ta diệt lúc nào cũng được.
Nhưng, Lê Lợi, Nguyễn Trãi đã không làm như vậy. Các ông chủ trương: "Sửa hòa hiếu cho hai nước. Tắt muôn đời chiến tranh".
Bây giờ cũng vậy, chúng ta đã và đang lựa chọn giải pháp hòa bình. Vận động, thuyết phục, xua đuổi hợp pháp mà họ không nghe thì có thể đưa ra tòa án quốc tế.
Chúng ta đã biết phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực được công bố vào ngày 12 tháng 7 năm 2016 đã phủ định hoàn toàn đường lưỡi bò mà Trung Quốc bịa đặt ra. Phải nói đó là một phán quyết mẫu mực. Trung Quốc cũng là bên phê chuẩn công ước luật biển, họ không thể nào mà nhắm mắt phủ định điều đó.
Rõ ràng, nếu kiện thì chúng ta làm thế cũng là để bảo đảm sự hòa hiếu. Cũng là "Sửa hòa hiếu cho hai nước. Tắt muôn đời chiến tranh". Đó là một cách hành xử văn minh trong bối cảnh hiện nay.
Nếu Trung Quốc là một cường quốc lục địa, họ mang tư duy lục địa đến với biển khơi, vậy thì chúng ta thử nhìn rộng ra, có những quốc gia nào họ mang văn hóa biển, tư duy biển để thành công ở biển, bảo vệ và thực thi được pháp luật trên biển một cách hiệu quả, cân bằng và hài hòa quyền lợi của nước mình cũng như các nước láng giềng. Và chúng ta có nên tham khảo những mô hình hay bài học đó hay không thưa Giáo sư?
GS. TS Nguyễn Quang Ngọc: Những lúc như thế này, Việt Nam cần thể hiện được bản lĩnh của một quốc gia độc lập, tự chủ. Những phản ứng chính thức từ Bộ Ngoại giao Việt Nam thời gian qua tôi cho rằng rất đáng mừng. Ở chỗ thái độ chúng ta thể hiện ra rất rõ ràng, kiên quyết. Và tôi cũng thấy rằng thế giới đang hiểu Việt Nam hơn, chính nghĩa đang đứng về phía chúng ta, mặc dù Trung Quốc đã xây dựng cả bộ máy khổng lồ để tuyên truyền sai lệch, bóp méo dư luận về các hành vi sai trái của họ ở biển Đông. Thậm chí, có lúc họ còn đóng vai người bị hại. Đó là một thứ đại diện cho cách thức truyền thông bẩn, lừa bịp trong chính trị.
Cho nên tôi cũng rất mong là các cơ quan báo chí của Việt Nam có giải pháp tuyên truyền quyết liệt hơn, thường xuyên hơn nữa. Đó cũng một là cơ sở để cho các cơ quan của Đảng, Nhà nước có những đối sách, chủ trương hiệu quả hơn về vấn đề này. Và tôi tin rằng trong bối cảnh quốc tế hiện nay, trong xu thế phát triển của thế giới văn minh thượng tôn pháp luật hiện nay, thế giới luôn có khả năng để tìm ra sự thật, đứng về sự thật. Từ đó, chúng ta có nhiều cơ hội để thành công trong vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo, nếu như chúng ta biết nắm lấy cơ hội đó.
Thực ra lịch sử thế giới có rất nhiều bài học về bảo vệ chủ quyền biển đảo. Bài học thành công cũng nhiều, bài học không thành công cũng lắm. Tôi xin nói là đừng cho rằng chỉ bài học thành công mới là tốt đâu. Có khi những bài học không thành công để rút kinh nghiệm phòng tránh cũng là rất quý.
Cho nên vấn đề ở chỗ là chúng ta làm thế nào để xây dựng đất nước Việt Nam này theo hướng vươn ra biển, và trở thành một nước như là trong Nghị quyết là "mạnh về biển, làm giàu từ biển". Luật biển chúng ta có rồi, chiến lược biển chúng ta cũng có rồi, đến năm 2020 chúng ta lại xây dựng tiếp một chiến lược biển cập nhật nữa. Chiến lược đã có, giờ điều cần làm là tổ chức, huy động lực lượng để thực hiện một cách đầy đủ, hiệu quả những chiến lược đó.