Trong cuộc chiến không phận bí mật giữa Mỹ và Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh (1946 - 1989), một trong những "cú đánh" của Liên Xô khiến Mỹ choáng váng nhất phải kể đến sự kiện ngày 1/5/1960: Tên lửa đất đối không của Không quân Liên Xô bắn hạ thành công máy bay trinh sát Lockheed U-2 của Mỹ, đồng thời bắt sống phi công kiêm điệp viên CIA Francis Gary Powers tại khu vực giáp tỉnh Sverdlovsk ở dãy núi Ural, tây nam Liên Xô.
Việc phi công máy bay U-2 Francis Gary Powers bị bắt giữ vừa làm bại lộ kế hoạch triển khai máy bay trinh sát tầm cao của Mỹ trên không phận của Liên Xô, buộc Tổng thống Mỹ đương thời là Dwight D. Eisenhower phải hủy bỏ kế hoạch thăm dò tiềm lực hạt nhân của Liên Xô từ trên không; đồng thời khiến cho mối quan hệ vốn đã căng thẳng của hai cường quốc thời Chiến tranh Lạnh thêm đóng băng.
Tuy nhiên, Francis Gary Powers không phải là phi công Mỹ duy nhất bị Liên Xô bắn hạ. Lịch sử Chiến tranh Lạnh ghi nhận, trong cuộc chiến không gian ngầm giữa một bên muốn do thám và ngăn chặn sức mạnh đối phương (Mỹ) và một bên kiên quyết bảo vệ không phận và bí mật của mình (Liên Xô), thì bầu trời Liên Xô lúc ấy thực sự là một "vùng không gian nóng" hơn bao giờ hết.
Trở về những năm tháng khi cuộc Chiến tranh Thế giới thứ hai (1939 - 1945) đang diễn ra ác liệt, lo sợ Đức sẽ nhanh tay chế tạo được siêu vũ khí sử dụng năng lượng cực mạnh từ hạt nhân, Mỹ tức tốc nghiên cứu và cho ra đời quả bom nguyên tử đầu tiên trong lịch sử nhân loại.
Ngày 16/7/1945, chưa đầy 2 tháng trước khi Thế chiến II kết thúc, Mỹ mở ra kỷ nguyên nguyên tử cho loài người bằng việc thử thành công quả bom nguyên tử mang mật danh "Trinity".
Thành công gây chấn động thế giới này khiến Liên Xô lo ngại, bởi không lâu sau khi phe Trục thất bại và lần lượt đầu hàng, Liên Xô và Mỹ lại bước vào cuộc chiến mới có tên "Chiến tranh Lạnh".
Vào đầu thập nhiên 1950, ám ảnh về tiềm lực hạt nhân mạnh mẽ mà Liên Xô đang sở hữu có thể làm lung lay vị trí "bá vương hạt nhân" mà Mỹ vừa tạo dựng, Washington bí mật lên kế hoạch triển khai do thám Liên Xô từ trên cao.
Mang biệt danh "Dragon Lady", chiếc máy bay trinh sát một động cơ Lockheed U-2 trở thành "sứ giả" đắc lực để quân đội Mỹ sử dụng nhằm xâm nhập vào không phận Liên Xô để chụp ảnh do thám từ trên cao.
Việc triển khai máy bay trinh sát tầm cao Lockheed U-2 trên bầu trời Liên Xô được xem là kế hoạch "nhất cử lưỡng tiện" mà Mỹ thực hiện trong giai đoạn căng thẳng của Chiến tranh Lạnh. Bởi, Lockheed U-2 không chỉ mang đến hy vọng phát hiện hệ thống radar phòng thủ của Liên Xô, phát hiện các cơ sở nghi ngờ chế tạo vũ khí hạt nhân mà còn khắc phục được các yếu điểm từ việc cho gián điệp Mỹ sang Liên Xô.
Quan trọng hơn nữa, trước khi Lockheed U-2 xâm nhập không phận Liên Xô năm 1956 với sứ mệnh do thám ở tầm cao vượt trội, thì ngay từ khi Thế chiến II kết thúc năm 1945 (Chiến tranh Lạnh nhen nhóm), Mỹ đã triển khai việc do thám sức mạnh cũng như tiềm lực của Liên Xô từ trên cao bằng các máy bay ném bom trang bị thiết bị điện tử giúp phát hiện hệ thống radar của đối phương. Nhược điểm của các máy bay ném bom là dễ bị phát hiện và tấn công bởi tên lửa, pháo phòng không và tiêm kích.
Yên tâm với khả năng bay cao 21.000m của chiếc Lockheed U-2, độ cao có thể vượt quá tầm với của các tiêm kích, tên lửa và hệ thống radar từ Liên Xô, chỉ riêng trong 4 năm (từ 1956 đến 1960), Mỹ đã âm thầm triển khai 20 phi vụ trinh sát Liên Xô bằng Lockheed U-2.
Lockheed U-2 nhanh chóng phát huy được sứ mệnh mà giới quân đội Mỹ tin tưởng. Chỉ riêng tại khu vực bãi thử tên lửa Kapustin Yar (thuộc tỉnh Astrakhan, nằm cách thủ đô Moskva 804km về phía nam), Lockheed U-2 đã cung cấp được những bức ảnh cho thấy Liên Xô sử hữu ít nhất 4 bãi phóng tên lửa đạn đạo, 14 bệ phóng, 1 hệ thống radar phòng thủ tinh vi cùng nhiều khu vực mà tình báo Mỹ phải dày công nghiên cứu về sau.
Tuy nhiên, không phải lúc nào kế hoạch do thám Liên Xô từ trên không của Hải quân và Không quân Mỹ (còn được gọi là Reconnaissance Mission hay Ferret Flights) cũng "hái quả ngọt". Trong thời Chiến tranh Lạnh, Mỹ nhiều lần phải "nếm trái đắng" từ Liên Xô. Việc bị địch thủ bắn hạ 40 máy bay trinh thám chính là "ác mộng trên không" của Mỹ thời kỳ từ năm 1945 đến 1977.
Trong tài liệu của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) có đoạn: "Chiến tranh Lạnh kết thúc cho phép Mỹ phần nào dỡ bỏ rào cản bao quanh những bí mật quốc gia liên quan đến các chương trình trinh sát trên không để chúng tôi (NSA) có cơ hội tưởng nhớ đến sứ mệnh, sự hy sinh của nhiều cá nhân và kể những câu chuyện về họ..."
Cây bút Paul Glenshaw của Tạp chí Air & Space thuộc Bảo tàng Hàng không và Vũ trụ Quốc gia (Mỹ) đã tổng hợp một số trường hợp điển hình để thấy rằng, bầu trời Liên Xô những năm Mỹ - Xô đối địch căng thẳng thực sự là một vùng "không gian nóng".
1. Lockheed C-130 số hiệu 60528
Trường hợp đầu tiên mà cây bút Paul Glenshaw nhắc đến là sứ mệnh do thám Liên Xô trên không của quân đội Mỹ năm 1958. NSA về sau gọi đó là "Thảm kịch trên không".
Vào ngày 2/9/1958, phi công của máy bay phản lực chiến đấu cận siêu âm Liên Xô (MiG-17) đã bắn hạ máy bay không vận chiến lược Lockheed C-130 (tên đầy đủ: Lockheed C-130 Hercules) số hiệu 60528 trên vùng trời Armenia (thuộc Liên Xô).
Trên máy bay khi đó có 17 người, gồm 6 người thuộc đội 7406th Support Squadron và 11 thuộc Không quân Mỹ.
Hôm đó, chiếc C-130 khởi hành từ căn cứ không quân Incirlik (tại thành phố Adana của Thổ Nhĩ Kỳ) lên đường thực hiện nhiệm vụ trinh sát dọc theo vùng biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Armenia. Theo kế hoạch, C-130 sẽ bay cách biên giới Liên Xô 160km.
Khi bay trên vùng trời của Trabzon (đông bắc Thổ Nhĩ Kỳ) ở độ cao 7.700m, tín hiệu liên lạc của C-130 hoàn toàn im lặng.
Liên Xô tiếp tục phủ định việc bắn hạ C-130.
Tài liệu của NSA báo cáo rằng, không ai biết những gì xảy ra sau đó. Vào thời gian đó, phía Liên Xô phủ nhận việc bắn hạ máy bay, chỉ tuyên bố rằng chiếc C-130 "rơi" trên lãnh thổ của họ.
Ngày 24/9/1958, Liên Xô bàn giao 6 thi thể cho Mỹ. Khi được truy hỏi, Liên Xô nói rằng họ không có bất cứ thông tin gì về 11 thành viên còn lại trên chuyến bay của C-130 số hiệu 60528.
Đến ngày 6/2/1959, tại một phiên họp của Liên Hợp Quốc, Mỹ công khai một bản ghi âm cuộc đối thoại của phi công chiến đấu Liên Xô khi họ tấn công chiếc C-130. Liên Xô tiếp tục phủ định việc bắn hạ C-130.
Từ đó, số phận của 11 người trên chiếc Lockheed C-130 số hiệu 60528 trở thành một trong những bí ẩn của Không quân Mỹ thời Chiến tranh Lạnh.
Đọc phần 2: Sợ mất "ngôi vương", Mỹ do thám Liên Xô trên không: Kết cục, 126 phi công chết bí ẩn
Bài viết sử dụng nguồn: Air & Space Magazine, NSA.gov, History.state.gov
Đọc các bài hồ sơ về Liên Xô, Mỹ và Chiến tranh Lạnh - Tại đây.