Theo nghiên cứu đứng đầu bởi tiến sĩ Sayedeh Sara Sayedi từ Đại học Brigham Young ở Thành phố Salt Lake (Mỹ), biến đổi khí hậu có thể làm tăng tóc độ thải ra khí nhà kính từ Bắc Băng Dương một cách chóng mặt.
Hiện nay, băng giá đang bị tan dần ở vùng biển này đã giải phóng vào khí quyển trái đất hàng triệu tấn carbon hữu cơ và mêtan mỗi năm.
Một vùng bờ biển ở Siberia lộ ra khi các khối băng vĩnh cửu bị tan chảy và rơi xuống biển. Hiện tượng tan băng tương tự đang diễn ra dưới đáy biển Bắc Băng Dương, khu vực thềm lục địa - Ảnh: P.Overdium
Khảo sát từ Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) cho thấy các chất nguy hiểm này đang bị mắc kẹt trong băng giá dưới đáy biển, vốn là trầm tích đông lạnh và 120 mét nước biển bị đóng băng từ kỷ băng hà (14.000-18.000 năm trước) tạo thành.
Hiện nay, khối băng khổng lồ đó đang tan chảy dần, giải phóng xác động thực vật chưa kịp phân hủy lúc đóng băng và các dạng hợp chất hữu cơ khác. Tờ Live Science ví những thứ đó như "xác sống": chúng trỗi dậy nguyên vẹn để rồi bắt đầu phân hủy trong thế giới hiện tại, tạo ra những loại khí độc hại.
Từng có các nhóm nghiên cứu đưa ra mối lo ngại rằng thế giới đóng băng này sẽ như một "quả bom hẹn giờ", bất ngờ bị tan chảy nhanh chóng và khiến Trái Đất ngập đầy khí nhà kính.
Nhưng theo tác giả Sayedi, quá trình này sẽ diễn ra từ từ trong vài thế kỷ chứ không phải vài thập kỷ hay vài năm và chính con người đang quyết định tốc độ các khí nhà kính này rò rỉ.
Chính sự phát thải khí nhà kính từ hoạt động công nghiệp của con người làm biến đổi khí hậu, biến đổi khí hậu lại làm rò rỉ "hồ chứa" khí nhà kính dưới đáy biển, đưa đến một hậu quả "cộng dồn" tồi tệ.
Ước tính có tới 60 tỉ tấn mêtan và 560 tỉ tấn carbon hữu cơ đang được "niêm phong" bên dưới Bắc Băng Dương.