Đề xuất của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã được UBND thành phố Hà Nội đồng ý. Theo đó việc lưu trữ, bảo quản lâu dài sẽ phục vụ cho các mục đích như nghiên cứu khoa học, trưng bày, truyền thông giáo dục cộng đồng.
Trước đó, vào ngày 24/4, một ngày sau khi phát hiện rùa Hoàn Kiếm ở hồ Đồng Mô chết, xác rùa đã được đưa về bảo quản ở phòng âm lạnh của Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam chờ phương án xử lý.
Việt Nam từng có kinh nghiệm xử lý mẫu vật rùa Hoàn Kiếm. Vào năm 2016, xác “cụ rùa” Hồ Gươm cuối cùng được bảo quản và chế tác theo phương pháp nhựa hóa - phương pháp bảo quản mẫu vật tiên tiến và hiện đại nhất hiện nay với khả năng bảo quản nguyên trạng mẫu vật từ hình thái, màu sắc, kể cả những phần khó như mắt và diềm mai (cấu tạo bằng sụn).
Do mẫu vật quá lớn và đặc biệt quý hiếm nên phải mất hơn 2 năm, với sự tham gia của hai chuyên gia hàng đầu châu Âu, đến từ Bảo tàng Berlin, Đức, việc chế tác mới hoàn thành. Vào ngày 16/3/2019, mẫu vật cá thể rùa Hoàn Kiếm cuối cùng ở Hồ Gươm được trưng bày tại Đền Ngọc Sơn, Hà Nội.
Rùa Hoàn Kiếm ở hồ Đồng Mô sẽ được bảo quản, lưu trữ lâu dài phục vụ nhiều mục đích.
Cá thể rùa Hoàn Kiếm ở hồ Đồng Mô, cùng loài với “cụ rùa” Hồ Gươm được phát hiện chết tại thôn Lòng Hồ, xã Kim Sơn, thị xã Sơn Tây vào sáng 23/4. Cá thể này có chiều dài toàn thân 1,56m, chiều dài mai rùa 0,76m, cân nặng 93kg. Các cán bộ của Chương trình Bảo tồn rùa Châu Á (ATP) nhận định, rùa có thể đã chết trước đó 3 ngày.
UBND thành phố Hà Nội đã giao Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan thành lập Tổ công tác khám nghiệm, lấy mẫu xét nghiệm xác định các nguyên nhân có thể làm cá thể rùa chết, các yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe của cá thể rùa.
UBND thành phố cũng giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các cơ quan liên quan đánh giá chất lượng nước, môi trường tại vị trí phát hiện rùa chết và các vị trí có nguồn xả thải lớn vào hồ. Đồng thời báo cáo đánh giá kết quả quan trắc môi trường nước tại hồ Đồng Mô và hồ Xuân Khanh, nơi ghi nhận còn cá thể rùa Hoàn Kiếm ở Việt Nam sinh sống.
Mẫu vật "cụ rùa" cuối cùng của Hồ Gươm được trưng bày tại đền Ngọc Sơn, Hà Nội.
Theo ông Timothy McCormack, Giám đốc Chương trình Bảo tồn rùa Châu Á, cái chết của cá thể rùa Hoàn Kiếm ở hồ Đồng Mô là đòn giáng mạnh vào nỗ lực bảo tồn loài rùa quý hiếm nhất thế giới này.
Sau cái chết của cá thể rùa Hoàn Kiếm ở hồ Đồng Mô, thế giới chỉ còn ghi nhận hai cá thể rùa còn lại, một cá thể ở hồ Xuân Khanh (Việt Nam) và một cá thể rùa ở vườn thú Tô Châu (Trung Quốc).
Nỗ lực khôi phục loài rùa này trở nên vô cùng khó khăn khi cá thể rùa đực ở vườn thú Tô Châu được cho là quá già, mất khả năng sinh sản. Trong khi cá thể rùa Hoàn Kiếm ở hồ Xuân Khanh chưa xác định được giới tính, cũng chưa có một bức ảnh rõ nét về cá thể này được chụp.
Tại hồ Đồng Mô, các nhà khoa học hy vọng vẫn còn tồn tại loài rùa này, dựa trên bức ảnh chụp được hai cá thể rùa Hoàn Kiếm xuất hiện song song vào ngày 20/8/2020. Nỗ lực tìm kiếm thêm cá thể rùa Hoàn Kiếm ở hồ Đồng Mô được đẩy mạnh những ngày qua với sự tham gia của các chuyên gia nước ngoài, cán bộ bảo tồn và ngư dân địa phương.
Ông Timothy McCormack cũng cho rằng, loài rùa mai mềm khổng lồ này có thể vẫn còn tồn tại ngoài tự nhiên. Tuy nhiên, việc tìm kiếm các cá thể đòi hỏi nguồn lực lớn và rất nhiều thời gian bởi loài này có tập tính vô cùng hoang dã, bí ẩn, thích ngâm mình hàng giờ dưới nước sâu.
Công nghệ gene môi trường (công nghệ từng giúp phát hiện rùa Hoàn Kiếm ở hồ Xuân Khanh) cũng chưa mang lại hiệu quả ở những vùng sông hồ rộng lớn.