Theo báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, Cục Xuất nhập khẩu đã rà soát các vấn đề liên quan, theo đó Công ty TNHH ADC (Cần Thơ) có văn phòng tại TP.HCM và nhiều tỉnh thành khu vực Nam Bộ là công ty được thành lập vào năm 1999 kinh doanh nhiều ngành nghề như thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, giống cây trồng, dược phẩm, thực phẩm, siêu thị và nhà hàng…
“Công ty này chưa bao giờ gửi hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo cũng như các yêu cầu khác về xuất khẩu gạo đến Bộ Công Thương”, báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu nêu.
Trước đó, tại buổi tọa đàm về định hướng sửa đổi Nghị định 109/2010 về kinh doanh xuất khẩu gạo do Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, ông Ngô Văn Nam, Tổng Giám đốc Công ty TNHH ADC cho biết, xin giấy phép xuất khẩu gạo rất tốn kém.
Báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu dẫn ý kiến được ông Nam nêu ra đăng tải trên một số báo: "Mỗi lần đi xin giấy phép xuất khẩu gạo, tốn ít nhất mấy chục ngàn đô". Khi được đại diện ban tổ chức hỏi lại: "Mấy chục ngàn đô đó, anh nộp cho ai?, ông Nam không ngần ngại nói:"Thực sự, mỗi lần không dưới 20.000 USD!"
Theo ông Nam, đơn cử như quy định gia hạn khi hết thời hạn theo giấy phép xuất khẩu, doanh nghiệp cũng lại phải tốn tiền. Nếu không, công ty sẽ mất tên trong danh sách được xuất khẩu gạo.
Không chỉ có thế mỗi lần xuất khẩu gạo, công ty còn tốn thời gian vào những việc không cần thiết như phải đi báo cáo Bộ Công Thương những nội dung như xuất khẩu bao nhiêu, còn tồn đọng bao nhiêu...