Xác định thời hạn sở hữu nhà chung cư: Thiệt hơn ra sao?

Dy Khoa |

Bộ Xây dựng nêu quan điểm nên quy định thời hạn sở hữu chung cư. Tuy nhiên, một số tổ chức lại cho rằng như vậy là không nên.

Bộ Xây dựng vừa có đề xuất quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư. Theo đó, bộ này đưa ra hai phương án quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư tại dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đang lấy ý kiến của nhân dân.

Trong đó phương án 1 là bổ sung quy định mới về thời hạn sở hữu nhà chung cư được xác định căn cứ vào thời hạn sử dụng công trình theo quy định của pháp luật xây dựng.

Theo đó, thời hạn sở hữu nhà chung cư được áp dụng đối với các loại nhà chung cư, bao gồm nhà chung cư thương mại, nhà chung cư xã hội, nhà chung cư tái định cư, nhà chung cư công vụ. Thời hạn sở hữu nhà chung cư được xác định theo thời hạn sử dụng của công trình nêu trong hồ sơ thiết kế công trình nhà chung cư được cơ quan có thẩm quyền thẩm định và được tính từ khi nghiệm thu toàn bộ công trình nhà chung cư đưa vào sử dụng theo quy định của pháp luật về xây dựng.

Còn phương án 2 là giữ nguyên như quy định hiện hành (không quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư, người mua nhà chung cư được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ổn định, lâu dài).

Xác định thời hạn sở hữu nhà chung cư: Thiệt hơn ra sao? - Ảnh 1.

Bộ Xây dựng cho rằng quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư là cần thiết vì các yếu tố an toàn.

Đại diện của Bộ Xây dựng trả lời trên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam cho rằng đề xuất này xuất phát từ đặc điểm của nhà chung cư là công trình đặc thù có quy mô lớn, tập trung nhiều người sinh sống, theo thời gian sử dụng công trình sẽ xuống cấp, không còn bảo đảm an toàn.

Thực tế, nhà chung cư khác nhà trong hẻm, đông người, ảnh hưởng đến tính mạng của nhiều người dân. Nếu có nguy cơ sập đổ chưa nói đến tài sản mà liên quan đến hàng nghìn người. Nhà nước phải có chính sách bảo đảm cho người dân. Chính vì vậy phải xác định có thời hạn, đánh giá, kiểm định lại mặc dù đó là tài sản của dân.

Theo vị này, với những căn cứ pháp lý rõ ràng, đề xuất này không vi hiến, phù hợp với Luật Dân sự. Bởi theo quy định của Hiến pháp, quyền sở hữu sẽ không bị hạn chế trừ trường hợp có những quy định nhằm đảm bảo an toàn tính mạng của người dân. Mặt khác, Luật Dân sự cũng quy định, quyền sở hữu sẽ chấm dứt khi tài sản bị tiêu huỷ.

Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng cho rằng nếu điều khoản này được thông qua, việc cải tạo chung cư cũ, vốn ách tắc nhiều năm nay sẽ được thúc đẩy; giá chung cư có điều kiện để giảm. Tất nhiên, đây không phải là nguyên nhân chính để kéo giá nhà giảm. Mặt khác, theo quy định hiện nay, Luật Nhà ở cho phép các bên thỏa thuận mua bán nhà ở có thời hạn. Sau thời hạn đó trả lại cho chủ ban đầu. Thực tế, tại một số địa phương, một số chủ đầu tư đã bán căn hộ có thời hạn.

Bên cạnh đó, thực trạng công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trong thời gian vừa qua cho thấy, nhiều trường hợp nhà chung cư đã hết niên hạn sử dụng, chất lượng bị xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản người dân nhưng rất khó khăn trong việc di dời, phá dỡ để xây dựng lại vì người dân cho rằng, quyền sở hữu tài sản nhà ở này là vĩnh viễn nên quyền phá dỡ là do các chủ sở hữu quyết định, do đó kéo dài thời gian phá dỡ, thực hiện xây dựng lại nhà chung cư.

Hiệp hội Bất động sản TP HCM nói gì về thời hạn sở hữu nhà chung cư?

Nói với chúng tôi, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cho biết hiệp hội đã nhiều lần đề nghị Bộ Xây dựng không nên quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư đối với tất cả các dự án nhà chung cư xây dựng mới.

Theo ông Châu, tại khoản 2 Điều 9 và khoản 1 Điều 123 Luật Nhà ở 2014 đã quy định chế độ sở hữu nhà ở có thời hạn gắn liền với quyền sử dụng đất có thời hạn và thực hiện song song hai chế độ “sở hữu nhà ở không xác định thời hạn" và chế độ "sở hữu nhà ở có thời hạn" để đáp ứng nhu cầu của người mua nhà trên thị trường.

"Như vậy, Luật Nhà ở 2014 không quy định bắt buộc sở hữu căn hộ nhà chung cư có thời hạn đối với tất cả dự án nhà chung cư xây dựng mới. Đây là quy định đột phá của Luật Nhà ở 2014 giúp "đa dạng hóa" quyền sở hữu nhà ở và giúp cho thị trường bất động sản có thêm sản phẩm nhà ở mới là nhà ở sở hữu có thời hạn, bao gồm căn hộ nhà chung cư sở hữu có thời hạn", ông Châu cho hay.

Cũng theo Chủ tịch HoREA, ưu điểm của căn hộ nhà chung cư sở hữu có thời hạn là giá bán thấp hơn căn hộ sở hữu không xác định thời hạn tương tự tại cùng khu vực, phù hợp với khả năng tài chính của một bộ phận khách hàng. Nhưng đa số người dân lại có tâm lý lựa chọn nhà chung cư không xác định thời hạn sở hữu. Từ đó, các cơ quan nhà nước nên cho phép phát triển cả hai loại dự án nhà chung cư sở hữu không xác định thời hạn gắn liền với quyền sử dụng đất ở ổn định lâu dài hoặc sở hữu có thời hạn.

Xác định thời hạn sở hữu nhà chung cư: Thiệt hơn ra sao? - Ảnh 2.

Phía Hiệp hội Bất động sản TP HCM thì đề xuất không nên quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư.

Cạnh đó, trường hợp chủ đầu tư dự án thực hiện phương thức trả tiền thuê đất hằng năm thì giá căn hộ nhà chung cư sở hữu có thời hạn sẽ còn thấp hơn nữa nhưng loại căn hộ nhà chung cư sở hữu có thời hạn trả tiền thuê đất hằng năm có thể chưa phù hợp với thị hiếu và nhu cầu của thị trường hiện nay.

Theo ông Châu, nếu phương án 1 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) được thông qua thì có thể làm tăng thêm gánh nặng công việc cho cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện. Ông dẫn số liệu, hiện nay, cả nước có hơn 4.500 khu nhà chung cư tại các đô thị. Riêng TP HCM có hơn 1.550 khu nhà chung cư với hơn 2.550 tòa nhà (block) với hàng trăm ngàn căn hộ nhà chung cư, trong đó có 474 khu nhà chung cư xây dựng trước 1975.

Từ một số lý lẽ liên quan đến cả lý và tình, hiệp hội đề nghị chọn phương án 2 dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại