Xác định nguyên nhân vụ nhiều nhà dân ở Bắc Ninh bị sạt xuống sông Cầu

Minh Châu - Khương Lực |

Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam và một số chuyên gia đầu ngành đã trực tiếp về phường Vạn Hà, thành phố Bắc Ninh (Bắc Ninh) để kiểm tra hiện trường và làm rõ nguyên nhân vụ sạt lở khiến nhiều nhà dân sạt xuống sông Cầu.

Liên quan tới vụ 6 ngôi nhà dân ở phường Vạn An, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh bị sụt lún xuống sông Cầu, sáng 8/4/2024, Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam và một số chuyên gia đầu ngành đã trực tiếp về kiểm tra hiện trường vụ việc để làm rõ nguyên nhân và đưa ra phương án xử lý.

Ông Đặng Thanh Ngân – Phó Chủ tịch UBND phường Vạn An cho biết: Đầu tháng 3/2024, người dân ở khu Vạn Phúc báo cáo về UBND phường Vạn An về tình hình rạn nứt khu vực đê sông Cầu thuộc địa phận phường quản lý.

"Chúng tôi đã lên kiểm tra, đồng thời báo cáo UBND thành phố Bắc Ninh và địa phương cũng triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản", ông Ngân nói. Theo ông Ngân, qua rà soát, trên địa bàn phường có hơn 20 hộ có thể bị ảnh hưởng trực tiếp, đang ở trong khu vực nguy hiểm sạt lở ở khu vực đê sông Cầu.

Xác định nguyên nhân vụ nhiều nhà dân ở Bắc Ninh bị sạt xuống sông Cầu- Ảnh 1.

Cơ quan chức năng đang vào cuộc xác định nguyên nhân vụ sạt lở nghiêm trọng ở sông Cầu tại Bắc Ninh

Nói về nguyên nhân gây ra sạt lở, ông Đặng Thanh Ngân cho biết thêm: "Do con nước lớn nhiều năm chảy xiết và khu vực chúng tôi là bên lở, các thuyền to, phương tiện đi lại cũng tác động, ảnh hưởng dần dần tới các công trình nhà dân".

Trong khi đó, ông Đàm Phương Bắc, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi - Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bắc Ninh (NNPTNT tỉnh Bắc Ninh) chỉ ra có 4 nguyên nhân chính gây ra sạt lở: Thứ nhất, do dòng chảy, dòng chủ lưu ép về phía nào thì phía đó sẽ bị ảnh hưởng; thứ hai do địa chất nền yếu; thứ ba do hình thái của dòng sông cong; thứ tư do tác nhân con người lấn chiếm ra.

Theo ông Bắc, để hạn chế tình trạng sụt lún, lực lượng chức năng cần kiểm đếm, sau đó phải di dời hết các hộ dân, kể cả những hộ chưa bị sạt lở nhưng có nguy cơ bị sạt lở thì cũng phải cho tháo dỡ. "Chắc chắn phương án đưa ra tới đây cũng phải di dân, tái định cư thì mới có biện pháp xử lý căn cơ, lâu dài, chứ còn xử lý lặt vặt không giải quyết được" – ông Bắc thông tin thêm.

Xác định nguyên nhân vụ nhiều nhà dân ở Bắc Ninh bị sạt xuống sông Cầu- Ảnh 2.

Khu vực sạt lở đã được dựng biển cảnh báo nguy hiểm

"Chiều mai (9/4) UBND tỉnh Bắc Ninh họp sẽ có báo cáo sơ bộ, sau đó anh em phải tiến hành khảo sát, đo vẽ, tính toán thì mới đưa ra phương án xử lý đảm bảo đúng kỹ thuật và chỉnh trị được cả đoạn đấy. Trước mắt, Chi cục Thủy lợi đề xuất thành phố Bắc Ninh cho tháo dỡ tất cả các nhà đã sụt lún để giảm tải", ông Bắc nói.

Theo đánh giá mới nhất từ Sở NNPTNT tỉnh Bắc Ninh, UBND thành phố Bắc Ninh, hiện nay sự cố sạt lở bờ sông đoạn từ K49+750 đến K49+800 đê hữu Cầu, phường Vạn An đang có xu hướng phát triển mạnh gây nguy hiểm cho tính mạng, tài sản của nhân dân và an toàn đê điều tại khu vực này.

Để khẩn trương đưa ra các giải pháp hiệu quả xử lý sự cố trên, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh sẽ tổ chức cuộc họp bàn giải pháp xử lý vào chiều ngày 9/4, trong đó có yêu cầu Sở NNPTNT báo cáo tóm tắt tình hình sự cố, các nhiệm vụ đã triển khai; đề xuất các giải pháp khả thi để xử lý sự cố; báo cáo đề xuất xử lý chống sạt lở bờ sông đoạn K49+750 đến K49+800 đê hữu Cầu, phường Vạn An.

Xác định nguyên nhân vụ nhiều nhà dân ở Bắc Ninh bị sạt xuống sông Cầu- Ảnh 3.

Một số hộ dân mất nhà đang được bố trí ở tạm tại Nhà Văn hóa khu Vạn Phúc

Tại cuộc họp, UBND thành phố Bắc Ninh sẽ báo cáo các nhiệm vụ đã triển khai, đánh giá hiện trạng dân cư tại khu vực; đề xuất giải pháp đền bù, giải phóng mặt bằng, di dân, tái định cư tại các khu vực có nguy cơ (nêu rõ tiến độ, thời gian thực hiện); rà soát, thống kê các tàu thuyền neo đậu, sinh sống trên địa bàn, đề xuất biện pháp xử lý, giải tỏa.

Hiện nay, các hộ dân có nhà bị sụt lún và có nguy cơ bị sụt lún đã được bố trí ở tạm tại Nhà Văn hóa khu Vạn Phúc hoặc đến người thân ở nhờ. Từ ngày 15/4, UBND phường Vạn Phúc sẽ bố trí nơi sơ tán lâu dài cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi sự cố sạt lở bờ sông đến khuôn viên Trường Mầm non Vạn An cũ để ở trong khi chờ lực lượng chức năng truy tìm nguyên nhân, đưa ra phương án khắc phục, xử lý.

Trước đó, vào tháng 10/2023 đã xảy ra sạt trượt tại vị trí K49+300 đê hữu Cầu thuộc phường Vạn An với chiều dài khoảng 50m làm 7 hộ dân phải di chuyển. Qua theo dõi cho thấy hiện tượng lún, nứt tiếp tục phát triển.

Đến ngày 8/3/2024, khu vực bờ sông đoạn từ K49+750 đến K49+800 đê hữu Cầu, phường Vạn An bị sạt trượt với chiều dài 50m, ăn sâu vào bãi sông từ 5-10m làm sạt toàn bộ công trình phụ của 3 hộ dân xuống sông. Ngày 14/3, sự cố tiếp tục phát triển và làm sạt lở thêm toàn bộ nhà anh Nguyễn Văn Quy cao 2 tầng ở khu dân cư Vạn Phúc.

Sau sự cố, 7 hộ dân bên cạnh đã được di dời khẩn cấp, 5 gia đình đến ở nhờ nhà người thân, 2 gia đình phải tá túc tạm tại nhà văn hóa. Các hộ dân khác chưa phải di dời nhưng nằm gần khu vực sạt lở đều tỏ ra lo lắng, bất an.

Xác định nguyên nhân vụ nhiều nhà dân ở Bắc Ninh bị sạt xuống sông Cầu- Ảnh 4.

Khu vực sạt lở có xu hướng phát triển mạnh gây nguy hiểm cho tính mạng, tài sản của nhân dân

Rạng sáng ngày 7/4, thêm 6 ngôi nhà tại phường Vạn An bị nghiêng, sụt xuống sông Cầu. May mắn tại thời điểm đó, người dân đã được di chuyển đến nơi an toàn.

Trước tình trạng sạt trượt này, ngày 20/3, UBND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành quyết định công bố tình huống khẩn cấp sự cố về đê điều và Lệnh xây dựng công trình khẩn cấp để ngăn chặn tình trạng sạt lở bờ sông trên đê hữu Cầu, phường Vạn An.

UBND tỉnh chỉ đạo lực lượng chức năng cắm biển cảnh báo, làm hệ thống rào chắn, theo dõi sát diễn biến sự cố, chuẩn bị sẵn sàng vật tư, nhân lực, trang thiết bị cần thiết để có thể huy động ngay nếu sự cố phát triển thêm, gây ảnh hưởng đến an toàn của người và tài sản, an toàn đê điều; đồng thời xây dựng phương án, kịch bản sơ tán dân khỏi khu vực sự cố.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại