Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La, đến thời điểm hiện tại bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị cho 253 bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm .
Đây đều là những người tham gia một đám cưới tại bản Nà Mện, xã Nậm Ty từ ngày 6/5.
BS. Lò Văn Tiến - Trưởng khoa khám bệnh (Bệnh viện Đa khoa huyện Sông Mã) cho hay, sau khi ăn cỗ cưới, các nạn nhân xuất hiện triệu trứng ngộ độc với biểu hiện: sốt cao, buồn nôn, đau bụng…
Số người có dấu hiệu ngộ độc cứ tăng dần và được đưa đến bệnh viện thăm khám.
Hiện tại, tình hình sức khỏe của các bệnh nhân đang theo dõi tại bệnh viện đã ổn định tuy nhiên, một số trẻ nhỏ còn sốt cao.
Các nạn nhân bị ngộ độc nằm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Huyện Sông Mã - Sơn La. Ảnh: Thanh Loan
Theo báo cáo của Chi cục An toàn Thực phẩm tỉnh Sơn La, cỗ cưới gồm có: Thịt lợn luộc, thịt lợn nướng, thịt bò luộc, thịt bò xào, Lá nhội nộm với thịt lợn và nước luộc thịt lợn, nước canh bò, rượu trắng, cơm nếp.
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Sở Y tế Sơn La đã chỉ đạo Bênh viện Đa khoa Huyện Sông Mã phối hợp với Trung tâm y tế tổ chức điều trị cho các nạn nhân đồng thời hướng dẫn người dân tổng vệ sinh môi trường, triển khai phun tiêu độc khử trùng môi trường tại địa bàn xảy ra ngộ độc.
Chị Đường Thị Thu (trú tại Xã Nậm Tỵ - một trong số nạn nhân bị ngộ độc đang điều trị tại Bênh viện Đa khoa Huyện Sông Mã ) kể, bản Nà Mện có hơn 130 hộ thì tất cả mọi người đều bị ngộ độc.
Riêng chị đến ngày 5/9 thì mới cảm thấy đau đầu, chóng mặt và phải nhập viện.
"Mọi người không ăn cỗ cưới tại đám cưới mà mang về nhà ăn cũng đều bị đau bụng, nôn ói. Tôi bị ngộ độc nhẹ còn con tôi đang bú mẹ lại bị ngộ độc nặng, sốt, nôn, tiêu chảy", chị Cầm Thị Khiêm, một bệnh nhân khác nói thêm.
Nhiều phụ nữ, trẻ em nhập viện sau khi ăn cỗ cưới.
Theo ghi nhận của phóng viên, dù tất cả các khoa phòng của Bênh viện Đa khoa Huyện Sông Mã đều được huy động để cấp cứu các bệnh nhân thế nhưng với số lượng người dân nhập viện ngày một tăng lên thì cơ sở y tế lớn nhất huyện cũng đã quá tải, nhiều bệnh nhân phải nằm ghép hoặc nhẹ hơn thì ngồi ngoài hành lang.
Liên quan đến sự việc trên, bà Nguyễn Thị Kim An – Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Sơn La cho biết: "Trước tình hình vụ ngộ độc và số bệnh nhân ngày một tăng lên, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Sơn La cũng đã lấy 17 mẫu bệnh phẩm và đang nuôi cấy, kết quả sẽ công bố trong thời gian tới.
Tới thời điểm này, dù chưa có kết quả chính xác nhưng nguyên nhân ban đầu có thể là do cỗ có các món thịt nên thức ăn có khả năng bị ôi thiu trong quá trình chế biến, không phải gia súc bị nhiễm bệnh.
Theo nhận định của lực lượng chức năng, nguồn nước mà người dân sử dụng cũng có thể cũng là một trong những tác nhân dẫn đến vụ ngộ độc thực phẩm. Trước đó, tại bản Suối Khoang, xã Tân Hợp, huyện Mộc Châu (Sơn La) cũng xảy ra vụ ngộ độc tập thể.
Nguyên nhân sau đó được các cơ quan chức năng xác định do nhiều mẫu nước tại các hộ gia đình các bệnh nhân sử dụng có chất paraquat (có trong thuốc diệt cỏ ).