Nợ vợ con cả cuộc đời
"Ông lấy bà năm 1947, lúc đấy mới 20 tuổi. Rồi đi bộ đội biền biệt. Mười hai năm sau mới trở về sinh được anh cả - năm 1959. Rồi lại đi. Mỗi lần ghé về nhà, lại một đứa con nữa ra đời", người con thứ 3 của cố xạ thủ huyền thoại Trần Oanh bắt đầu câu chuyện như thế.
"Tôi sinh năm 1963, là kết quả của 3 ngày phép được thưởng sau chiến công phá kỷ lục thế giới thế giới môn súng ngắn ổ quay năm 1962 tại Tiệp Khắc. Ông đặt tên cho tôi là Trần Quốc Tiệp. Anh cả là Đức, kỷ niệm chuyến thi đấu của ông bên Đức.
Cô em thứ sáu, em út ra đời sau thời gian ông được nghỉ hưu là người duy nhất không được đặt tên theo đất nước mà ông từng đặt chân tới - Trần Thị Yến. Trước đó là Đức, Việt, Tiệp, Hoa (Trung Hoa) và Ba (Trần Cu Ba, sau đổi thành Trần Văn Ba).
Ông Trần Quốc Tiệp - con thứ 3 của cố xạ thủ Trần Oanh.
Tiếng tăm của ông lừng lẫy, nói đến ông ai cũng biết, ai cũng tự hào, nhưng ông đi cả năm trời, chỉ cuối năm mới về ăn Tết cùng gia đình. Bà ở nhà một mình lo cho đàn con, cày cấy cho hợp tác xã, chăm lo ruộng vườn, ăn khoai, ăn sắn thay cơm để ông đi lập chiến công".
Vợ ông Tiệp, nước mắt rưng rưng khi nhắc lại câu chuyện về người bố chồng, rằng cuối đời, ông hay nhắc lại rằng cả cuộc đời ông có tiếng mà không có miếng, chẳng phải hờn trách hay oán thán, mà như xót xa thanh minh với vợ, với con về những gì họ phải trải qua.
Năm 1974, ông nghỉ hưu về quê, ngày ngày lên núi lấy củi, xuống biển hớt tép, cào ngao đổi lấy cái ăn cho gia đình và... mua rượu.
Nghỉ hưu rồi, ông vẫn vừa thi đấu giải ở tỉnh, vừa huấn luyện. Một năm đi chừng vài đợt, tiêu chuẩn gạo 13,5 cân và lương hưu ít ỏi cũng chẳng thể trang trải nổi gia đình.
Hàng trăm chiếc huân chương, kỷ niệm chương được dùng để đánh đáo, giờ chỉ còn lại từng này.
Những năm cuối đời, cố xạ thủ Trần Oanh vẫn đau đáu nỗi đau về cảnh nghèo khó của gia đình, có lỗi với người vợ tảo tần hôm sớm để nuôi đàn con thơ. Thứ duy nhất ông để lại cho con là những tấm huân, huy chương, được mấy anh em dùng để đánh đáo, rồi mất gần hết.
Người ở lại vẫn phải sống đời cơ cực
Cố xạ thủ Trần Oanh mất năm 1986. Ông mất đi, gia tài còn lại cho cả gia đình chỉ là căn nhà gỗ năm gian mục nát ở quê. Những người con dần lớn, anh cả đi bộ đội, nghỉ hưu, rồi vào Bình Dương sinh sống. Người con thứ hai bôn ba kiếm sống, hiện đang lái máy xúc ở Gia Lai.
Ba người con nữa lần lượt theo anh vào Bình Dương, đi làm công nhân, làm thợ rồi định cư luôn ở đây, chỉ duy có người con thứ ba - Trần Quốc Tiệp ở lại quê giữ nhà, giữ vườn, nuôi mẹ già - năm nay đã tròn 90 tuổi.
Phần mộ của cố xạ thủ Trần Oanh.
Năm 1991, Cục Thể dục Thể thao và Sở TDTT Thanh Hóa về xây lại mộ cho ông, dời từ đồi cát ven biển về nghĩa trang Nồn Choàn gần nhà.
Nhưng mãi sau, theo lời ông Tiệp kể, gia đình mới biết số tiền xây mộ là do một người bạn của ông Trần Oanh quen ở Đức về, hỏi thăm mới biết ông đã khuất núi, bèn đứng ra "tài trợ" tiền xây mộ.
"Họ về, tính toán, đo vẽ rồi ước chừng mất hơn 20 triệu đồng để xây mộ cho ông, nhưng tôi là người coi thợ, trực tiếp xây sửa, tất cả chỉ chưa đến 4 triệu đồng".
Kỷ vật quý giá nhất ông Trần Oanh để lại cho gia đình là 5 tấm huy chương vàng quốc tế. Ông Tiệp còn giữ lại ở quê 2 tấm, 3 tấm còn lại xuôi Nam theo người anh cả "để còn có kỷ vật nhớ về ông".
Hai tấm huy chương GANEFO 1966 ông Tiệp còn giữ, một tấm vàng chóe, tấm kia màu đen. "Nguyên thủy chiếc kia cũng màu vàng, nghèo quá, anh Đức nghĩ là bằng vàng, đem ra khò thử, hóa ra mạ vàng, chỉ được vài dem vàng thật", ông Tiệp ngậm ngùi giải thích.
Những năm 80, thỉnh thoảng ông được đoàn Thể Công mời về Hà Nội để họp mặt. Khi về, ông lại nói với vợ con: "Ra ngoài đấy, toàn được bạn bè mời đi ăn phở, ngồi nhìn bát phở, thương vợ con phải ăn sắn, ăn khoai mà rơi nước mắt, không thể nuốt nổi"
Ông Trần Quốc Tiệp kể về bố mình - cố xạ thủ Trần Oanh
Vàng cho người sống, bạc cho người khuất núi
"Sau cái năm 91 xây mộ cho ông, ba năm sau họ còn về thăm bà, vào mỗi dịp ngày thể thao. Còn sau đó thì biệt tích, cho đến cuối năm ngoái, có đoàn cô Nhung (HLV Nguyễn Thị Nhung - PV) mới về thăm, nhân dịp kỷ niệm 55 năm bắn súng Việt Nam", vợ ông Tiệp nói trong nước mắt.
"Ông thì đã mất rồi. Những năm tháng đất nước chiến tranh, khó khăn thì không nói làm gì, nhưng những năm trở lại đây, họ tôn vinh ngành thể dục thể thao, tôn vinh những người đi thi đấu mang thành tích về cho đất nước, vậy mà những người như ông thì bị lãng quên.
Chúng tôi là con thì không nói làm gì, nhưng bà vẫn còn sống đấy thôi, họ cũng chẳng hỏi han gì bao giờ. Khi nào cần thì về, còn không thì chả thèm nhớ tới.
Tấm ảnh cố xạ thủ Trần Oanh vinh dự được ngồi cạnh Bác Hồ được gia đình treo trang trọng trên tường.
Như Thanh Hóa đấy, xây nhà bắn súng đặt tên ông, có cả nhà lưu niệm về ông đặt trong trường TDTT, mà họ chẳng thèm nói với gia đình tôi lấy một câu, chẳng thèm mời bà hay gia đình về khánh thành".
Năm 2000, cố xạ thủ Trần Oanh được Ủy ban Olympic Quốc tế công nhận là Vận động viên xuất sắc nhất thế kỷ XX của Việt Nam, nhưng gia đình bao nhiêu lần hỏi xem cái mảnh giấy chứng nhận trông nó ra làm sao, để được thấy tận mắt, để tự hào về ông mà vẫn bặt vô âm tín.
Suốt mười sáu năm, bao nhiêu lần hỏi han, đề nghị là bấy nhiêu lần được nghe hứa hẹn, để rồi cái hi vọng có được mảnh giấy tôn vinh ông để đặt lên bàn thờ "cho ông xem" cứ trôi tuột đi, rơi tõm vào sự thờ ơ, lạnh lùng đáng sợ.
Chỉ mong được đưa ông về gần nhà
Căn nhà gỗ ngày nào cố xạ thủ Trần Oanh về nghỉ hưu, vui vầy cùng con cái ở xã Hải Yến ngày nào, giờ đã lọt thỏm giữa nhà máy lọc dầu Nghi Sơn sừng sững, rộng ngút ngàn - chẳng còn dấu tích.
Thời may, dự án lấy đất, gia đình bà Cao Thị Xang - quả phụ của xạ thủ Trần Oanh và người con trai thứ ba được đền bù bằng hai mảnh đất ở khu tái định cư Hải Yến mới, cách đấy gần hai chục cây số.
Số tiền đền bù đất dư ra được dùng để cất hai căn nhà, bên ngoài khá khang trang - theo đúng quy định quy hoạch chung của khu dân cư, nhưng bên trong chẳng có mấy thứ vật dụng đáng giá, trừ chiếc tủ thờ của xạ thủ huyền thoại Trần Oanh ngày nào và những tấm huân chương và hình ảnh của ông.
Bà Cao Thị Xang, vợ của cố xạ thủ Trần Oanh năm nay đã 90 tuổi, 65 năm tuổi Đảng. Ngót 70 năm lấy chồng, nuôi con, chờ đợi và thờ chồng hiện vẫn đang rất mạnh khỏe. Ngày chúng tôi đến nhà, bà Xang vào Bình Dương thăm 5 người con còn lại, các cháu và chắt.
Hiện tại, bà đã có 13 cháu, 6 chắt và hết mực mong chờ được cầm tận tay tấm giấy chứng nhận người chồng quá cố của mình được công nhận là vận động viên xuất sắc nhất của Việt Nam thế kỷ XX.
Ngoài sân căn nhà là khoảng chục chiếc xích lô con con, thứ hai vợ chồng ông Tiệp dùng để mưu sinh bằng cách chiều chiều, lại cho các cháu nhỏ, và cả người lớn thuê với giá 10 nghìn đồng mỗi giờ để đạp xung quanh khu dân cư mới.
Mộ phần của cố xạ thủ Trần Oanh giờ đây nằm giữa nghĩa trang Nồn Choàn trơ trọi, với những đám đất xung quanh đang được san đi để làm dự án. Bên kia con đường đầy bụi mù mỗi khi xe tải đi qua, là nhà máy lọc dầu Nghi Sơn.
Những chiếc xích lô nhỏ này là kế mưu sinh của vợ chồng ông Trần Quốc Tiệp.
"Tôi cũng muốn đưa ông về đây cho gần con, gần cháu. Đất nghĩa trang mới đã quy hoạch xong rồi, có chỗ rồi, có điều chưa có tiền để xây cho khang trang, xứng với danh tiếng và hình ảnh của ông", ông Tiệp nói trong nghẹn ngào.
Chiến tranh đã đi rất xa. Những ngày đất nước khó khăn, gian khổ cũng đã trôi qua rất xa. Những hành động thực tế để đền ơn đáp nghĩa, để tôn vinh những người từng giương cao niềm tự hào cho Tổ quốc, bù đắp phần nào sự thiệt thòi trong quá khứ cũng đã được thực hiện.
Nhưng cớ sao vẫn còn những sự quên lãng đáng sợ, và đáng trách đến như vậy?!