Ảnh minh họa.
Dịp kỷ niệm 46 năm ngày chiến thắng 30/4 vừa rồi, tôi được dự cuộc gặp mặt và giao lưu với một số cựu chiến binh Tiểu đoàn 172 tên lửa A72 Anh hùng!
Dù đã viết không ít bài về chiến công của các xạ thủ "Mũi tên xanh" trong những năm chiến tranh nhưng cứ mỗi lần gặp gỡ, giao lưu với các anh, tôi lại thêm bất ngờ, khâm phục trước những câu chuyện, ký ức một thời trận mạc của những con người quả cảm!
Một trong những cựu xạ thủ "Mũi tên xanh" để lại ấn tượng sâu sắc với tôi hôm ấy là Nguyễn Hữu Căn. Với vẻ bên ngoài hiền lành, chất phác và giọng nói nhỏ nhẹ, không ai nghĩ rằng ông là một xạ thủ tên lửa A72 đã bắn rơi 5 máy bay địch trong chiến tranh - trong đó có 2 chiếc bị ông bắn hạ trong ngày 29/4/1975!
Lập công từ những ngày đầu ra trận
Sinh ra trong một gia đình có bố là bộ đội tham gia kháng chiến chống Pháp, tuổi học trò của Nguyễn Hữu Căn gắn bó với quê hương là thành phố Nam Định yên bình.
Tốt nghiệp phổ thông, có lẽ do tác động của môi trường công nghiệp của thành phố dệt nên chàng thanh niên Nguyễn Hữu Căn không thi vào đại học mà đi học thợ cơ khí ở trường Cơ giới - Bộ Giao thông.
Đầu năm 1967, tốt nghiệp trường nghề, Nguyễn Hữu Căn được phân công công tác xa tít tận huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn. Tuổi trẻ vô tư, chàng thợ trẻ vui vẻ chấp nhận sự phân công không hề có chút đắn đo và hăng hái cống hiến sức mình cho vùng đất mới!
Đây là những năm tháng cuộc chiến tranh chống Mỹ đã lan rộng ra cả nước, vì vậy, tháng 8 năm 1971, cùng với đông đảo bạn bè, đồng nghiệp, chàng thợ trẻ Nguyễn Hữu Căn đã lên đường nhập ngũ.
Vào quân đội, Nguyễn Hữu Căn cùng một số anh em được Quân chủng PKKQ lựa chọn biên chế về Trung đoàn 237 để huấn luyện tên lửa A72 - loại vũ khí phòng không mới của Liên Xô vừa viện trợ cho Việt Nam.
Anh kể: "Theo quy định của các chuyên gia quân sự Liên Xô, để sử dụng được loại vũ khí mới này phải qua khóa huấn luyện 18 tháng nhưng do đòi hỏi của chiến trường, khóa học của chúng tôi chỉ diễn ra có hơn 4 tháng.
Kết thúc khoá huấn luyện câp tốc ấy, tôi là một trong những xạ thủ xuất sắc được tham gia bắn đạn thật và quả đạn của tôi bắn đã tiêu diệt mục tiêu".
Cựu xạ thủ tên lửa A72 Nguyễn Hữu Căn trong cuộc giao lưu. Ảnh: Hữu Mão
Đầu tháng 2/1972, xạ thủ Nguyễn Hữu Căn cùng đơn vị được lệnh vượt Trường Sơn vào tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Đông Nam Bộ.
Sau gần 3 tháng lặn lội vượt núi băng rừng, vượt qua không ít gian nan, vất vả, hiểm nguy, cuối tháng 4/1972, các xạ thủ A72 vào tập kết tại Bình Long và ngay sau đó tham gia chiến dịch Nguyễn Huệ đầu tháng 5/1972.
Đây là một chiến dịch lớn của Quân Giải phóng Miền Nam nhằm mục tiêu chiến lược mở rộng vùng giải phóng trên địa bàn các tỉnh Bình Long, Phước Long, Tây Ninh làm nơi đóng trụ sở của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam, đồng thời làm bàn đạp uy hiếp Sài Gòn từ hướng Bắc và Tây Bắc.
Nhớ lại những ngày đầu ra trận ấy, xạ thủ Nguyễn Hữu Căn kể: "Tiểu đoàn 172 chúng tôi có 2 đại đội.
Tôi vốn là xạ thủ số 1 của Đại đội 4 nhưng khi vào trận được Tiểu đoàn điều chuyển sang Đại đội 3 theo mũi chiến đấu do Đại đội phó Nguyễn Văn Tiện chỉ huy, gồm Trung đội trưởng Phạm Văn Tám, tôi và xạ thủ Vi Văn Định phối thuộc trong đội hình chiến đấu của Sư đoàn 5 bộ binh.
Vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu, trong những ngày tham gia chiến dịch, tôi đã 2 lần được phóng đạn và 1 trong 2 quả đạn ấy đã tiêu diệt 1 chiếc máy bay AD6 của Mỹ khi nó đang ném bom vào đội hình bộ binh ta.
Đến hôm nay tôi vẫn nhớ tiếng reo hò của anh em bộ binh khi được chứng kiến chiếc máy bay địch trúng đạn tên lửa A72 cháy bùng như ngọn đuốc lao cắm đầu xuống đất".
Xạ thủ tên lửa A-72 của phòng không Việt Nam.
Một tháng bắn rơi 2 máy bay địch
Đó là tháng 5/1974. Khi ấy, mũi chiến đấu A72 của xạ thủ Nguyễn Hữu Căn đi phối thuộc trong đội hình chiến đấu của Sư đoàn 9 bộ binh Quân Giải phóng miền Nam tham gia trận "Tam giác sắt" diễn ra từ ngày 16/5 khi Sư đoàn 9 đánh chiếm các căn cứ của địch ở vùng địa bàn chiến lược sát cửa ngõ phía Bắc Sài Gòn.
"Tam giác sắt" là một vị trí chiến lược nằm ở trung tâm hành lang sông Sài Gòn, hướng tây của Bến Cát, tại nơi giao nhau giữa Quốc lộ 1 và Quốc lộ 13, chỉ cách ngoại ô Sài Gòn có 16km nên có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc phòng thủ Sài Gòn.
Một chuỗi ba tiền đồn rất mạnh của quân lực Việt Nam cộng hòa được dựng lên để bảo vệ rìa phía bắc của khu vực "Tam giác sắt" này gồm: căn cứ Rạch Bắp ở phía tây dọc theo đường 7 đến căn cứ An Điền ở phía đông và Căn cứ 82 nằm giữa Rạch Bắp và An Điền.
Ngày 16/5, Sư đoàn 9 Quân Giải phóng mở màn cuộc tấn công vào Rạch Bắp, Căn cứ 82 và An Điền bằng pháo hạng nặng, tên lửa và súng cối để lực lượng bộ binh lần đầu tiên có xe tăng yểm trợ đánh chiếm.
Lực lượng địch ở Rạch Bắp, Căn cứ 82 kháng cự đến khoảng 3 giờ sáng ngày 17/5 thì không trụ được nữa, số lính còn sống sót tháo chạy về cố thủ ở An Điền. Từ đó, cuộc giao tranh giữa ta và địch ở An Điền và cả khu vực "Tam giác sắt" diễn ra ác liệt trong nhiều ngày tháng bởi một bên quyết chiếm và một bên quyết giữ!
Bản đồ quân sự vùng “Tam giác sắt” của quân đội Mỹ và Sài Gòn
Đến hôm nay, xạ thủ Nguyễn Hữu Căn vẫn không quên những ngày mũi chiến đấu A72 của ông bám sát bộ binh tham gia trận đánh quyết liệt ấy!
Vì là trận chiến quan trọng nên mũi A72 này do Chính trị viên Đại đội Đặng Văn Cầu trực tiếp chỉ huy gồm Đại đội phó Nguyễn Văn Tiện cùng hai xạ thủ là Nguyễn Hữu Căn và Vi Văn Định.
Hôm ấy, ngày 17/5/1974, Mũi tên lửa A72 đang cùng bộ binh truy đuổi địch rút chạy về Phú Cường - tỉnh lỵ cũ của tỉnh Bình Dương - thì xuất hiện một tốp máy bay AD6 của địch bổ nhào ném bom vào đội hình bộ binh ta ở Phú Thứ. Mũi A72 nhanh chóng triển khai chiến đấu đánh địch.
Nhận lệnh của chỉ huy, bằng thao tác rất nhanh nhẹn và chính xác, xạ thủ Nguyễn Hữu Căn nhanh chóng bắt được mục tiêu và quả đạn tên lửa A72 đã lao vút lên xuyên thẳng vào một chiếc máy bay AD6 vừa ngóc đầu lên sau khi nó vừa bổ nhào ném bom.
Chiếc máy bay bùng cháy. Tên phi công vội bật dù nhảy ra khỏi máy bay hòng thoát thân thì bị các tay súng bộ binh dưới đất bắn lên tiêu diệt.
Tiếp đó, ngày 26/5, cũng tại khu vực này, Nguyễn Hữu Căn lại bắn rơi tại chỗ chiếc máy bay trinh sát RC-47 của địch bằng 1 quả đạn A72. Với hai chiến công liên tiếp trong vòng chưa đến 10 ngày đó, xạ thủ Nguyễn Hữu Căn đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Ba.
Chiến công bắn rơi 2 máy bay địch trong ngày 29/4/1975
Bằng giọng nhỏ nhẹ, ông Nguyễn Hữu Căn kể cho tôi nghe về những ngày đơn vị ông tham gia cuộc tổng tiến công mùa xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh:
"Ngày ấy, lực lượng tên lửa A72 miền đông Nam bộ chúng tôi tham gia cùng mũi tấn công của các Sư đoàn 5 và Sư đoàn 9 bộ binh của Đoàn 232 từ phía nam tiến về Sài Gòn, trong đó, mũi của tôi đi phối thuộc với Sư đoàn 9 do Đại đội trưởng Nguyễn Văn Tiện chỉ huy và tôi khi ấy là Tiểu đội trưởng đồng thời là xạ thủ số 1.
Vào Chiến dịch Hồ Chí Minh, đơn vị chúng tôi vượt sông Vàm Cỏ sang ém quân bao vây thị xã Hậu Nghĩa của tỉnh Hậu Nghĩa cũ, ngay sát Sài Gòn. Rạng sáng ngày 29/4, quân ta tấn công giải phóng thị xã Hậu Nghĩa đã vấp phải sự kháng cự quyết liệt của quân địch cả dưới đất và trên không.
Trên trời, các máy bay cường kích và máy bay trinh sát của địch liên tục quần đảo. Tôi nhớ khoảng 12 giờ trưa ngày 29/4, khi chúng tôi đang ăn trưa tại trận địa thì có một chiếc máy bay trinh sát L19 của địch bay qua.
Ngay lập tức, tôi vớ ống phóng đứng lên thao tác khẩn trương, rê ngắm theo mục tiêu đã ở ngay trên đỉnh đầu và phóng đạn. Vì góc phóng thẳng đứng nên đuôi lửa phụt ngay xuống gót chân tôi nóng bỏng nhưng quả đạn đã lao lên trúng mục tiêu khiến chiếc L19 rơi như một chiếc lá.
Nghe tiếng reo hò mừng rỡ của bộ đội và nhân dân trong khu vực, tôi cũng quên cả cảm giác bỏng rát gót chân mình!
Đến khoảng 3 giờ chiều hôm ấy, khi một tốp A37 của địch bay đến ném bom vào đội hình bộ binh ta, tôi đã kịp thời phóng quả đạn thứ hai trong ngày và một chiếc A37 đã trúng đạn, rơi tại chỗ.
Với thành tích trong một ngày bắn rơi 2 máy bay địch ấy, một lần nữa tôi lại được tặng thưởng Huân chương Chiến công Giải phóng. Nhưng vui hơn cả, đó là những chiếc máy bay cuối cùng của địch bị đơn vị chúng tôi bắn hạ trong cuộc chiến tranh vì ngày hôm sau, Sài Gòn được giải phóng".
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, xạ thủ Nguyễn Hữu Căn với chức vụ Trung đội trưởng lại cùng các đồng đội tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam.
Đầu năm 1979, cả đại đội của ông nhận lệnh tức tốc trở ra làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới phía Bắc chống quân Trung Quốc xâm lược.
Đến năm 1983, với quân hàm Trung úy, trợ lý huấn luyện A72 của Sư đoàn Phòng không 377, Quân chủng PK-KQ, ông Nguyễn Hữu Căn chuyển ngành về công tác tại Phòng Lao động - Thương binh - Xã hội huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn cho đến lúc nghỉ hưu năm 2008.