Xạ thủ kỳ tài tên lửa Việt Nam: Diệt 5 máy bay - Những chiến công không theo lý thuyết

Nguyễn Hữu Mão - CCB Trung đoàn tên lửa 236 |

Khi chiếc C-130 xuất hiện, tôi đã vác tên lửa chạy ngược dốc, lên chiếm lĩnh đỉnh đồi cao 500m. Nếu để lọt sẽ gây hậu quả nghiêm trọng, nhưng bắn nó chắc chắn tôi sẽ bị thương.

Có dịp trò chuyện với Anh hùng LLVT Nhân dân Nguyễn Văn Toản ở cuộc gặp mặt kỷ niệm 55 năm ngày truyền thống của Bộ đội Tên lửa Việt Nam Anh hùng (24/7/1965 – 24/7/2020), được nghe ông kể kỹ hơn về những trận chiến đấu năm xưa, tôi mới hiểu vì sao nhiều anh em xạ thủ "Mũi tên xanh" thời ấy đều nói trong những chiến công mà ông Toản lập được có những chiến công không theo lý thuyết tính năng của tên lửa A72.

Trở lại thăm chiến trường xưa - nơi lập chiến công đầu

Mở đầu cuộc trò chuyện hôm ấy, tôi được nghe ông Toản kể về chuyến thăm lại mảnh đất nơi ông và các đồng đội cùng đơn vị chiến đấu năm xưa ở huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước vào một ngày đầu tháng 4/2012.

Xạ thủ kỳ tài tên lửa Việt Nam: Diệt 5 máy bay - Những chiến công không theo lý thuyết - Ảnh 1.

Trong chuyến đi ấy, theo nguyện vọng của ông, các cán bộ Ban chỉ huy quân sự huyện Lộc Ninh đã tìm được và đưa ông cùng các cựu chiến binh trong đoàn về thăm gia đình cụ Kim ở ấp 5B Lộc Tấn ngày xưa, nay ở ấp Cây Chặt.

Đây là gia đình đã nuôi nấng, giúp đỡ ông Toản và nhiều đồng đội trong những ngảy chiến đấu đánh giặc năm xưa, mặc dù nhà cụ Kim khi ấy chỉ là một ngôi nhà rất nhỏ ở nơi sơ tán. Người con trai lớn của cụ là liệt sỹ.

Người con trai thứ tên Thủy đã nhận ngay ra ông Toản mặc dù 40 năm trước anh Thủy chỉ mới 13 tuổi. Khi gặp lại cụ Kim năm ấy đã 93 tuổi, cụ đã không còn nhớ tên ông nhưng khi mọi người nhắc đến người đã bắn rơi máy bay là cụ nhớ ngay, cười móm mém.

Ông Toản xúc động ôm chầm lấy bà cụ và nói ông thật bất ngờ, xúc động không nghĩ rằng mình còn có ngày gặp lại cụ Kim.

Tất cả mọi người có mặt hôm ấy đều vô cùng xúc động được chứng kiến cảnh tượng thật tuyệt vời về tình quân dân cá nước: Một bà cụ đã ngoài 90 tuổi, tóc bạc, lưng còng, da nhăn nheo, một bên mắt hầu như nhắm nghiền, chỉ một mắt mở và nhìn thôi.

Thế nhưng cụ vẫn còn ngồi dậy được, nói được và miệng luôn cười bên người chiến sĩ năm xưa nay tóc cũng đã bạc, tai bị lãng vì tuổi tác và cũng do ảnh hưởng của chiến tranh… vậy mà họ vẫn cười, vẫn nói, vẫn kể rất nhiều về ký ức của 40 năm trước!

Trở lại với những ký ức trong cuộc đời quân ngũ, xạ thủ tên lửa A72 Nguyễn Văn Toản kể đã tham gia nhiều trận đánh, nhưng ông luôn nhớ về trận đánh lập công đầu tiên của mình tại chốt Đức Huệ, tỉnh Long An ngày 16/4/1972.

Trận đánh diễn ra ngay từ những ngày đầu tiên ông cùng các đồng đội Tiểu đoàn 172 tên lửa vác vai hành quân bộ vượt Trường Sơn vào chiến đấu tại miền Đông Nam bộ khi nơi đây đang là chiến trường nóng bỏng bom đạn.

Hôm ấy, trận địa đơn vị được đặt trên đồi cách hàng rào của chốt địch khoảng 200 mét, không có điều kiện làm hầm hố công sự, mà chỉ lợi dụng cỏ lác cao làm vật che khuất.

Do đó, hàng ngày cán bộ, chiến sĩ phải chịu mưa bom bão đạn quanh mình và bị thương vong do đạn pháo các loại từ trong chốt bắn ra và từ các chi khu bên cạnh bắn tới chi viện.

Xạ thủ kỳ tài tên lửa Việt Nam: Diệt 5 máy bay - Những chiến công không theo lý thuyết - Ảnh 3.

Nhân dân Lộc Ninh đón chào bộ đội vào giải phóng ngày 7/4/1972

Khoảng 4 giờ chiều, giữa lúc hàng chục khẩu pháo các nơi của địch bắn cấp tập vào các địa điểm quanh chốt mà chúng khả nghi có trận địa phòng không thì địch ở trong chốt cũng đồng loạt mở các đợt tấn công với quy mô lớn, đánh phá ác liệt vào lực lượng của ta.

Đúng lúc đó 1 chiếc máy bay vận tải quân sự C-130 xuất hiện chuẩn bị đổ quân tiếp viện. Tình thế lúc này rất cấp bách nhưng đứng lên bắn máy bay chắc chắn bị địch phát hiện và dễ phải trả giá bằng sinh mạng của cả đơn vị.

Ông Nguyễn Văn Toản khôn khéo quỳ xuống để quả đạn A72 lấp ló dưới chiều cao của cỏ lác. Khi bắt được tín hiệu máy bay, đến giây thứ 15, ông giữ chặt ống phóng trên vai từ từ đứng lên, bằng động tác nhanh gọn, chính xác phóng đạn tiêu diệt máy bay ở giây thứ 20.

Chiếc C-130 trúng đạn tên lửa A72 bốc cháy nổ tung. Toàn bộ phi công cùng số quân địch trên máy bay bị tiêu diệt hoàn toàn. Sau chiến công đầu với cách đánh độc đáo này, ông Nguyễn Văn Toản còn ghi dấu với hai trận đánh thành công đặc biệt xuất sắc tại Lộc Ninh.

Những chiến công không theo lý thuyết

Từ tháng 4/1972, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước - huyện đầu tiên của miền Nam đã được hoàn toàn giải phóng và được coi là thủ đô của vùng giải phóng miền Nam, tập trung nhiều cơ quan đầu não của Trung ương Cục và Mặt trận Dân tộc giải phóng.

Chính vì vậy, đây là nơi Mỹ, ngụy thường xuyên dùng máy bay trinh sát, kể cả máy bay không người lái, nhằm phát hiện mục tiêu cho máy bay cường kích đánh phá hòng tiêu hao lực lượng của ta.

Để đảm bảo an toàn vùng giải phóng, tiểu đoàn 172 được giao nhiệm vụ bằng mọi giá phải tiêu diệt máy bay địch trên bầu trời Lộc Ninh.

Xạ thủ kỳ tài tên lửa Việt Nam: Diệt 5 máy bay - Những chiến công không theo lý thuyết - Ảnh 4.

Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Văn Toản

Nhớ lại trận đánh ngày 28/11/1974 ở Lộc Ninh, ông Toản kể:

"Hôm ấy, khi chiếc C-130 xuất hiện, tôi đã vác trên vai cả ống phóng và quả đạn tên lửa nặng 20kg chạy ngược dốc, lên chiếm lĩnh đỉnh đồi cao 500m.

Tôi biết rằng nếu để lọt chiếc máy bay này sẽ gây hậu quả nghiêm trọng nhưng bắn nó chắc chắn tôi sẽ bị thương. Không do dự, bất chấp hiểm nguy tôi đã bắn tan xác nó trên bầu trời Lộc Ninh trong niềm vui reo hò của nhân dân. Còn tôi bị lửa của quả đạn làm cháy rụi tóc, bỏng mặt và ngã xuống đất…

Đây là chiếc máy bay bị bắn rơi ở độ cao lớn nhất của tên lửa A72 - khoảng 3.500m - trong khi theo lý thuyết thì độ cao hiệu quả của tên lửa A72 chỉ là từ 2.300m trở xuống".

Cũng tại vùng giải phóng Lộc Ninh, ông Toản có dịp lập thêm chiến công khá đặc biệt: bắn rơi máy bay không người lái của Mỹ.

Có những chiến công mà các xạ thủ A72 lập được, cho đến bây giờ nhiều người vẫn không tin. Xét về cấu tạo, nguyên lý hoạt động, tốc độ, tên lửa vác vai A72 không thể tiêu diệt được máy bay không người lái của Mỹ bởi đây là máy bay loại nhỏ, tốc độ nhanh, rất khó phát hiện và tiêu diệt.

Xạ thủ kỳ tài tên lửa Việt Nam: Diệt 5 máy bay - Những chiến công không theo lý thuyết - Ảnh 5.

Anh hùng Nguyễn Văn Toản (thứ hai từ phải ) và tác giả (đứng giữa) cùng các Anh hùng Tên lửa A72 trong cuộc gặp mặt kỷ niệm 55 năm ngày truyền thống Bộ đội Tên lửa phòng không Anh hùng (24/7/1965 – 24/7/2020). Ảnh: Hữu Mão

Ông Toản nhớ lại: "Trận địa A72 chúng tôi ngày ấy được đặt tại điểm cao 178 Lộc Ninh. Nhiều phương án, cách đánh được chúng tôi đặt ra, rút kinh nghiệm từ các trận đánh trước.

Tôi đề nghị thay nguồn điện của đạn bằng điện ắc quy 12V của ô tô nối gộp lại để cung cấp điện liên tục, đạn lúc nào cũng ở trạng thái làm việc, khi mục tiêu bay vào là xạ kích được ngay. Ý kiến của tôi được chỉ huy chấp thuận.

Sau những ngày trực căng thẳng, vào lúc hơn 11 giờ trưa ngày 15/1/1975, tổ quan sát báo có máy bay từ hướng đường 13. Đạn đã sẵn sàng, mục tiêu như một chấm đen vun vút lao tới ở độ cao trên 500m, tham số gần như bằng 0, tôi bình tĩnh thao tác bắn ở chế độ tự động, bằng thao tác kỹ thuật chính xác tôi đã tiêu diệt mục tiêu.

Chiếc máy bay rơi cách trận địa khoảng 1.500 mét. Toàn bộ trận đánh diễn ra chưa đầy 1 phút... Từ hôm đó, hàng tháng sau, loại máy bay này không dám bay qua khu vực Lộc Ninh nữa".

Sau trận thắng này, chỉ huy Sư đoàn đã xuống tại trận địa chúc mừng và trao Giấy chứng nhận đạt danh hiệu vẻ vang "Dũng sĩ diệt máy bay Mỹ" cho ông Nguyễn Văn Toản và tặng quà cho đơn vị liên hoan mừng chiến thắng.

Trong cuộc tổng tiến công mùa xuân năm 1975, ông Nguyễn Văn Toản và một số xạ thủ A72 được giao nhiệm vụ phối thuộc đánh địch cùng Sư đoàn 3 bộ binh và ông Toản đã lập công xuất sắc: chỉ với 2 quả đạn, trong 2 ngày liền, ông đã bắn rơi tại chỗ 2 máy bay địch, bảo vệ và chi viện đắc lực, kịp thời cho bộ binh ta trong những tình huống và thời điểm ác liệt nhất.

Ngày 13/3/1975, chỉ với 1 quả đạn A72 ông Toản đã bắn rơi tại chỗ 1 máy bay A37. Trận đánh diễn ra tại 2 chốt An Thạnh và bến Cầu - Gò Dầu, Tây Ninh vô cùng ác liệt do địch lợi dụng có công sự kiên cố kiên quyết chống trả.

Pháo địch trong thị trấn Gò Dầu và chi khu quân sự Trà Cao chi viện bắn cấp tập vào đội hình của ta. Trên trời có 3 chiếc A37 lao đến ném bom.

Với tinh thần sẵn sàng hy sinh, vì sự an toàn của đồng đội, khi chiếc đầu tiên của tốp A37 vừa bổ nhào ném bom ngóc lên, khói bom còn nồng nặc tối đen cả trận địa, ông Toản bình tĩnh bám sát mục tiêu phóng đạn bắn rơi tại chỗ 1 chiếc A37 cách tuyến bộ binh của ta 500 mét.

Xạ thủ kỳ tài tên lửa Việt Nam: Diệt 5 máy bay - Những chiến công không theo lý thuyết - Ảnh 7.

Vợ chồng Anh hùng Nguyễn Văn Toản tại buổi lễ khánh thánh và bàn giao "Nhà tình nghĩa" do Trung đoàn 64, Sư đoàn PK 361 xây dựng tặng tháng 7/2020. Ảnh: Hữu Mão

Hai chiếc A37 còn lại ném bom vu vơ rồi tháo chạy. Thấy máy bay bị bắn rơi, bọn địch trong chốt hoang mang, thừa cơ bộ binh ta xông lên giải phóng hoàn toàn 2 chốt nói trên.

Tiếp đến ngày hôm sau, 14/3/1975, cũng tại chốt An Thạnh, ông Toản phát hiện một chiếc L19 bay lượn thấp ngó nghiêng chỉnh cho pháo địch bắn cấp tập vào đội hình bộ binh ta và bắn pháo khói chỉ điểm cho tốp máy bay F5 ném bom phản kích.

Thấy chiếc L19 quá lợi hại, bất chấp bom đạn, ông Toản ghé lưng vào một gốc dừa làm vật che chắn phóng tên lửa bắn cháy chiếc L19 khiến nó rơi tại chỗ.

Trưa ngày 30/4/1975, khi lá cờ chiến thắng của quân ta đã tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, ông Toản đã cùng đồng đội tiến vào Sài Gòn trong niềm vui chiến thắng. Như vậy từ ngày vào chiến trường cho đến khi kết thúc chiến tranh, xạ thủ A72 Nguyễn Văn Toản đã bắn rơi tại chỗ 5 máy bay địch, gồm 2 chiếc C-130, 1 chiếc A37, 1 chiếc L-19 và 1 chiếc không người lái.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông Nguyễn Văn Toản được điều động đi làm nhiệm vụ ở biên giới Tây Nam, rồi sau đó là biên giới phía Bắc năm 1979. Đến năm 1986, ông Toản về quê hương ở Phú Thọ nghỉ chế độ với quân hàm Đại úy và thương binh hạng 3/4.

Với những chiến công đặc biệt xuất sắc trong chiến tranh chống Mỹ, năm 2015, ông Nguyễn Văn Toản đã vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại