Xa rồi làng Noh!

Bài và ảnh: Trần Văn Phúc |

Năm 1968, máy bay B52 của quân đội Mỹ thả bom làm cháy 7 nóc nhà, khoảng 40 người dân bị chết oan ức, dân làng Noh phải sang các làng khác sinh sống. Làng bị xóa sổ kể từ ngày đó.

Đúng hẹn, chúng tôi có mặt tại UBND huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum để cùng cán bộ Phòng Văn hóa - Thông tin của huyện này trở lại vùng căn cứ Huyện ủy H67 năm xưa (đóng tại xã Mô Rai, huyện Sa Thầy) để tìm hiểu về vụ thảm sát dân lành năm Mậu Thân 1968 tại làng Noh.

Lập làng "kháng chiến, kiến quốc"

Xe về đến trụ sở UBND xã Mô Rai, chúng tôi đón thêm một cán bộ xã phụ trách văn hóa - thông tin và nhân vật quan trọng nhất của chuyến đi là nhân chứng sống của vụ thảm sát - ông A Meo.

Từ đây, chiếc ôtô của UBND huyện Sa Thầy chở chúng tôi đi lòng vòng giữa bạt ngàn cao su của Công ty Cao su Duy Tân. Được chiêm ngưỡng một vùng đất từng vô cùng khốc liệt trong chiến tranh nay giàu có lên nhờ bàn tay của con người, lòng tôi tràn ngập niềm vui.

Nhưng xe chỉ đi được đến chân núi Ia Lê (xã Mô Rai) thì phải dừng lại vì đường rừng quá nhỏ, đồi dốc lởm chởm đá. Đứng từ núi này đã nhìn thấy nơi ngày xưa là làng Noh đã rất gần nhưng đường đi thì còn những 6 km đường rừng. 

Nắng nóng của mùa khô biên giới Việt Nam - Campuchia càng trưa càng rát bỏng. Dừng chân nghỉ giữa rừng cây cao su và cây điều mênh mông, chúng tôi được ông A Meo kể về ký ức đau thương của dân làng Noh - nơi ông sinh ra và lớn lên trong muôn vàn gian khổ. Ông A Meo năm nay đã 68 tuổi, nguyên là xã đội phó của xã Mô Rai.

Ông A Meo nhớ về thời ông còn nhỏ, người dân Gia Rai ở làng Noh sống bình yên với việc săn bắt thú rừng và trồng ngô, trỉa lúa. Do sống biệt lập trong rừng sâu nên người dân ở đây rất đoàn kết, yêu thương đùm bọc nhau. Kháng chiến chống Mỹ cứu nước, dân làng nghe lời bộ đội Cụ Hồ lập làng "kháng chiến, kiến quốc".

Rồi làng Noh nằm trong vùng căn cứ Huyện ủy H67 (nay thuộc xã Mô Rai). Cán bộ cách mạng được người dân thay nhau nuôi giấu, đùm bọc, chở che để vào ra hoạt động trong khu căn cứ của Huyện ủy H67. Cũng vì thế, làng Noh thường xuyên trở thành mục tiêu mà quân đội Mỹ và Quân lực Việt Nam Cộng hòa ném bom bắn phá. Dân của làng phải nhiều lần di tản tới các địa điểm khác nhau trong núi để tránh truy quét. Dù thiếu thốn vật chất nhưng dân làng vẫn một lòng son sắt theo Đảng.

Cuối năm 1967, máy bay Mỹ bắt đầu quần thảo suốt ngày đêm và thả bom Napan làm cháy rụi những mảng rừng xanh của xã Mô Rai, tiêu diệt sự sống của muôn loài. Sau Tết Mậu Thân gần 1 tháng, Mỹ đưa máy bay B52 đến thả bom làm cháy tất cả nhà cửa ở đây, nhiều người dân chết thảm thương; vườn tược tan hoang, gia súc và gia cầm chết cháy la liệt.

Xóa sổ hoàn toàn

Trầm ngâm một hồi, ông A Meo nhớ ngày đó làng có tất cả 7 ngôi nhà dài. Theo truyền thống của người Gia Rai lúc bấy giờ, các thành viên trong gia đình tứ đại đồng đường đều ở chung trong một ngôi nhà dài. Vì thế, mỗi nhà có từ 2-4 hộ gia đình, mỗi gia đình có từ 3-4 người nên cả làng có tổng cộng khoảng 30 hộ với khoảng 120 nhân khẩu.

Nén xúc động, ông A Meo kể tiếp: Hôm đó chạng vạng tối, dân làng sau bữa ăn chiều đang chuẩn bị đi ngủ thì hơn 10 máy bay B52 kéo đến quần thảo và thả bom Napan dày đặc vào giữa làng. Chúng bay từng tốp, mỗi tốp 3 chiếc và mỗi chiếc thả xuống khoảng 100 quả bom. Lúc đó, dân làng chạy tán loạn vào các hang đá to ở phía bìa làng để ẩn nấp.

Máy bay ném bom suốt đêm cho đến tối hôm sau mới rút lui, để lại bầu trời xám xịt khói bom. Những cánh rừng loang lổ âm ỉ cháy. Tiếng kêu la thảm thiết của dân làng vọng đến rừng sâu nghe nhức nhối tâm can. Vụ thảm sát thật kinh hoàng.

Sợ máy bay Mỹ quay trở lại, dân làng Noh buộc phải di tản sang làng Kênh, làng Kđin... cùng trong xã để sống nhờ. Trước khi đi, nhờ sự giúp đỡ của bộ đội địa phương, dân làng chôn cất vội vã những người xấu số.

"Cả 7 nóc nhà dài của làng đều bị san bằng. Vụ thảm sát đã giết chết khoảng 40 người, bằng 1/3 dân số của làng. Trong đó có 2 liệt sĩ A Thên, A Hiu là dân quân du kích và liệt sĩ A Đuôn là chiến sĩ liên lạc của bộ đội địa phương. Làng Noh bị xóa sổ hoàn toàn kể từ ngày đó" - ông A Meo nói trong xúc động.

Ông A Ke, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Mô Rai, kể: "Trước đây, cha mẹ mình ở làng Noh. Sau trận thảm sát đó, gia đình phải chuyển đến sống ở làng Kđin. Nhớ lại ngày đó, ba mẹ tôi bảo hãi hùng lắm. Tôi lúc đó còn nhỏ, chưa biết gì nhiều, chỉ chạy theo ba mẹ vào rừng trốn trong hang đá để tránh bom. 

Ba mẹ kể nghe tiếng máy bay vần vũ trên đầu, chưa kịp ẩn nấp thì máy bay sà xuống thả bom Napan bốc lửa ngút trời. Người nào sống sót thì thông báo cho bà con chạy trốn nhưng máy bay Mỹ đuổi theo giết gần hết dân làng".

Chỉ còn trong ký ức

Ông Rơ Chăm Huệ, Bí thư Đảng ủy xã Mô Rai, nói vụ thảm sát xảy ra cách hơn nửa thế kỷ rồi nhưng đến nay, với ông, đó vẫn là nỗi ám ảnh không thể nào quên. 

"Mỗi khi có dịp trở lại làng Noh, nhớ cảnh hoang tàn, xóm làng xơ xác không một bóng người, không một ngôi nhà tồn tại, mọi người không khỏi xót thương người dân tộc Gia Rai vô tội sinh sống nơi rừng sâu, núi thẳm vẫn bị bom Mỹ giết hại. Giờ đây, làng Noh chỉ còn trong ký ức mà thôi".

Theo anh Nguyễn Văn Then, cán bộ văn hóa - thông tin xã Mô Rai, mấy năm trước đây, đoàn cán bộ khảo sát của Bảo tàng tỉnh Kon Tum có về làng Noh tìm hiểu để làm di tích lịch sử nhưng đến nay chưa thấy họ trở lại và thông tin gì thêm.

Đã qua rồi một thời đạn bom chiến tranh và cũng đã trên 50 năm kể từ ngày vụ thảm sát làng Noh nhưng với bà con các dân tộc ở xã Mô Rai nói riêng và huyện Sa Thầy nói chung, mỗi khi nhắc đến vụ thảm sát này họ đều xúc động. Dấu tích làng Noh nay chỉ còn là những lùm cây và mấy tảng đá cheo leo giữa rừng cao su bạt ngàn đang trong thời kỳ khai thác.

Mô Rai mùa này nắng nóng nhưng đứng bên bờ suối Ia Lê, đoạn từ làng Noh chảy về phía hạ nguồn, giữa trưa hè vẫn nghe hơi nước phả lên mặt mát rượi. Nghe như đâu đây trong gió vọng về nỗi bi thương thống thiết của oan hồn những người dân làng Noh thuở nào.

Tượng đài bất tử của lòng dân

Ông Nguyễn Ngọc Sâm, Bí thư Huyện ủy Sa Thầy, tâm sự: "Trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước, Sa Thầy là một trong những căn cứ địa cách mạng nổi tiếng của tỉnh Kon Tum. Vì thế, quân Mỹ đã trút xuống nơi đây hàng ngàn tấn bom đạn hòng tiêu diệt quân giải phóng, làng Noh cũng nằm trong tầm ngắm của quân thù.

Vụ thảm sát làng Noh đã để lại vết nhơ muôn đời của quân đội Mỹ và quân lực Việt Nam Cộng hòa; đồng thời là nỗi đau chiến tranh không thể nào nguôi của nhân dân ta, dân tộc ta.

Vì thế, huyện rất mong các ngành chức năng tìm hiểu, sưu tầm, đánh giá trận thảm sát này, đồng thời đầu tư xây dựng nơi đây một tượng đài bất tử của lòng dân giữa núi rừng Trường Sơn đại ngàn hùng vĩ mà bao dung, để người dân có dịp trở về nguồn sẽ biết được tội ác tày trời của quân Mỹ xâm lược".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại