Trong 2 ngày, 17 và 18/9, chị Trần Nam Trang ở Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội, phát hiện bọ xít hút máu người bay vào nhà.
Trao đổi với chúng tôi, chị Trang cho biết, buổi tối, khi cả nhà đang cùng xem tivi thì con bọ xít bay vào nhà. Chị bắt lại và dự định nhờ Viện Sốt rét kí sinh trùng côn trùng Trung ương sang tìm ổ của những cá thể này.
Chị Tuyết Anh (quê Thanh Hóa) hiện đang sống và làm việc tại Hà Nội cũng chia sẻ, bọ xít hút máu người đã xuất hiện trong phòng trọ của mình. Tuy các cá thể đó chưa gây ảnh hưởng gì tới sức khỏe của chị, nhưng sự xuất hiện của chúng cũng khiến chị Tuyết Anh và những người đang sống ở đó hoang mang.
Trao đổi với phóng viên, PGS.TS Trương Xuân Lam, Trưởng phòng Côn trùng học thực nghiệm, Viện Sinh Thái và Tài nguyên sinh vật cho biết: "Bọ xít hút máu đang sinh sôi đáng kinh ngạc và có xu hướng lan rộng. Mỗi cá thể bọ xít hút máu có thể sản sinh ra 200 - 250 trứng/năm. Cá biệt có những cá thể đẻ tới 500 trứng. Tỉ lệ trứng nở khoảng 80 - 85%. Vì thế, mỗi cá thể bọ xít hút máu, một năm lại sản sinh ra 160 - 220 cá thể mới. Cá thể mới, ngay sau khi ra đời đã có khả năng hút máu".
Với những cá thể được tìm thấy, chị Trang dự định sẽ nhờ bên Viện sốt rét kí sinh trùng sang tìm xem ổ của những cá thể này ở đâu.
Phát hiện gần đây cho thấy, bọ xít hút máu đang có xu thế sống gần con nguời, hoạt động về đêm. Chúng gây tê trước khi hút máu nên con người khó có thể phát hiện ra. Hầu hết các trường hợp bị hút máu khi đang ngủ trên giường hoặc trên bàn học, bàn làm việc. Thời gian hút máu của loài này khá dài và lượng máu bị hút rất nhiều. Khi bị loài côn trùng này hút máu sẽ có triệu chứng xuất hiện các nốt đỏ, có thể bị phù, nề, sưng to, nặng hơn là bị sốt.
Theo các nhà khoa học, bọ xít hút máu ở Việt Nam có mối liên hệ khá chặt chẽ với loài chuột. Sau khi kiểm tra máu dạ dày của 200 con bọ xít hút máu thì có đến 85 % máu của chuột, 7,5% cả máu chuột và máu người.