Xót xa trước gia cảnh nạn nhân vụ “địa ngục trần gian”

Có 2 con trai nhưng đứa lớn chết sau khi rời cơ sở gỗ được xem như “địa ngục trần gian”, đứa út bị mù 2 mắt. Mới đây, bà Lệ lại ngã bệnh khi trong túi không có một đồng.

Trao đổi với phóng viên ngày 10.1, bà Phan Thúy Mừng (trưởng ấp Xung Thum A, xã Lai Hòa, thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng) cho biết, mẹ của nạn nhân Sơn Bồ Rót (thanh niên tử vong khi trốn khỏi cơ sơ gỗ ở Bình Dương) là bà Lâm Thị Lệ (49 tuổi) vừa ngã bệnh, nhập viện khi trong túi không có đồng nào. Nữ trưởng ấp đã vận động nhiều nhà hảo tâm góp tiền đưa bà Lệ đi cấp cứu.

Ở nhà, con trai út của bà Lệ là Sơn Xê Nát (20 tuổi) bị mù cả 2 mắt, được một ngôi chùa gần nhà cho 10 kg gạo, 1 thùng mì gói cùng nước mắm, đường, bột ngọt để chị gái nấu ăn đắp đổi qua ngày.

Gần 8 tháng trước, trưa 26.5.2013, Sơn Bồ Rót (25 tuổi) nhảy xuống hồ Cần Nôm ở xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng (Bình Dương) để trốn khỏi cơ sở sản xuất gỗ của ông Trần Tấn Phong (52 tuổi, ngụ ấp Cà Tong). Cùng vượt hồ còn có Vũ Minh Đương (17 tuổi, ngụ Cà Mau) nhưng Rót không may chết đuối

Sau khi xảy ra vụ việc, mẹ và ngoại của Rót lên Bình Dương đưa thi thể con trai về quê biển hỏa táng, gửi tro cốt vào chùa gần nhà.

Đây là ngôi nhà tình thương được chính quyền địa phương cất cho mẹ con Rót từ 5 năm trước ở ấp Xung Thum A. Hiện nhà chỉ còn vài chiếc cột ximăng, vách lá xung quanh rách nát, trống trước hở sau. Vì nhà quá nghèo mà Rót rời quê đi làm thuê tận Bình Dương.

Từ ngày vào cơ sở của ông Phong thông qua môi giới ở TP HCM, Rót không được gia đình chủ đối xử như hứa hẹn. Không riêng gì anh, những công nhân khác khi vào cơ sở gỗ đều bị ông Phong đối xử tệ bằng cách khóa cửa không cho ra ngoài.

Theo điều tra, hàng ngày, mọi người bị đánh thức lúc 4 giờ sang  để ăn mì gói rồi làm việc cho đến 12 giờ trưa. Sau khi ăn đạm bạc, công nhân tiếp tục làm việc lúc 13h cho đến chiều. Đặc biệt, chủ quy định công nhân không được sử dụng điện thoại, không được ra khỏi phòng để đi vệ sinh mà phải tranh thủ một lần trước khi ngủ.

Để quản lý công nhân, ngoài chó dữ canh chừng, ông Phong còn gắn 8 camera theo dõi. Với cách quản lý quá hà khắc này, Bồ Rót đã trốn khỏi cơ sở và tử nạn. Từ ngày trụ cột chính này mất đi, gia đình anh ở dưới quê không có ai làm ra tiền vì cha Bồ Rót mất cách nay gần 20 năm.

Còn bà Lệ bệnh gan, mắt và da vàng hoạch. Người mẹ này thường xuyên ngất xỉu, con trai Sơn Xa Nát thì mù, mọi sinh hoạt cá nhân phải nhờ người hướng dẫn. Mấy ngày trước, đứa con gái duy nhất của bà Lệ bị nhà chồng hắc hủi nên bồng con gái hơn 1 tuổi về nhà mẹ tá túc khiến cuộc sống nghèo càng vất vả hơn.

“Tết đến nơi rồi mà gia đình bà Lệ không ai có tiền mua chiếc áo mới. Sau vài ngày nằm viện, bác sĩ cho bà về nhà điều trị ngoại trú, hẹn tái khám mỗi tuần và dặn không được làm việc nặng nhọc”, bà Mừng cho biết thêm. Theo nữ trưởng ấp, 2 ngày trước có nghe TAND huyện Dầu Tiếng lên lịch xét xử ông Phong về tội “giữ người trái pháp luật”.

Thế nhưng, từ ngày Bồ Rót chết đến nay không thấy cơ quan tố tụng nào ở Dầu Tiếng hay Bình Dương làm việc với người thân của Rót. Ngay cả ngày xử án cũng không được tòa triệu tập để gia đình bà Lệ cử người tham dự dù Rót là nạn nhân trong vụ án.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại