Nhưng thực tế, một mình đơn vị vận tải thì không thể làm được việc này, do vậy việc mua bán, chuyển nhượng này cần phải có sự tham gia của cơ quan nhà nước, cụ thể là bằng việc làm các thủ tục thu hồi và cấp lại tem, phù hiệu mới của Sở GTVT Hà Nội.
Đây là nguyên nhân vì sao, bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, Lương Yên đã có chủ trương không tiếp nhận thêm lượt tuyến, nhưng tình trạng mua bán “lốt” xe tại đây vẫn diễn ra.
“Đây là kẽ hở của quy định, và cơ quan quản lý nhà nước lĩnh vực này lẽ ra phải chấn chỉnh, xử lý nhưng lại tái cấp phép cho những “lốt” xe hoạt động không hiệu quả này”, đại diện Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam nói.
Cũng theo đại diện Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam, đa phần “lốt” xe được mua bán, chuyển nhượng là “lốt” xe hoạt động kém hiệu quả hoặc chủ nhân bị phá sản.
Tuy chưa có quy định nào từ chối việc sang nhượng “lốt” xe, nhưng với “lốt” xe hoạt động kém thì cơ quan quản lý nhà nước cần phải thu hồi để tránh hệ lụy.
Hà Nội cũng từng có chủ trương thu hồi những “lốt” xe có tần suất hoạt động chỉ khoảng 20% lượt, chuyến so với biểu đồ đăng ký. Vậy không hiểu sao tình trạng “lốt” xe bị mua đi, bán lại vẫn diễn ra tại bến Mỹ Đình (!?)
Cho ý kiến về việc ngăn chặn tình trạng mua bán, chuyển nhượng “lốt” xe với giá cao, cả đại diện Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam và Hiệp hội vận tải Hà Nội đều cho rằng, cơ quan quản lý cần thu hồi các “lốt” xe hoạt động kém hiệu quả thay vì cấp phép trở lại.
Nếu các doanh nghiệp khác có nhu cầu sử dụng các “lốt” xe này thì Sở GTVT tổ chức đấu thầu.