Theo ghi nhận của VietNamNet, 10h sáng, 2 sà lan chứa 2 cẩu nổi đã được xoay ngang móc vào nhịp 2 cầu treo để các công nhân tiếp tục cắt, hạ xuống nước.
Phía dưới nước, người nhái lặn sâu xuống độ sâu khoảng 14m để cắt các thanh, nhịp cầu chìm dưới lòng sông.
Hai nhịp cầu Ghềnh bị sà lan tông sập
Trong khi đó, các công nhân liên tục tải bình khí đá CO2, tiếp “đạn” cho nhóm thợ hàn dùng máy cắt chuyên dụng, tách bỏ phần nhịp cầu bị kéo gãy dính vào cầu Ghềnh.
Đến gần 12h, công tác cắt bỏ phần nhịp cầu dính vào cầu Ghềnh hoàn tất. Hai cẩu “khủng” bắt đầu di dời phần cầu Ghềnh bị gãy khỏi vị trí.
Cụ thể, một cần cẩu nhấc 1 vòm cầu có chiều dài hơn 4m, nặng hàng tấn lên sà lan.
Trong khi đó, cần cẩu còn lại dịch chuyển toàn bộ 2 nhịp cầu (bị sà lan kéo ngã - PV) cho chìm hẳn xuống sông để thợ lặn dưới nước tiến hành cắt nhỏ, phục vụ công tác trục vớt được dễ dàng hơn.
Thợ lặn Nguyễn Kiến Giang (quê Long An) cho biết, sáng nay nhóm thợ lặn gồm 9 người đã lặn xuống lòng sông Đồng Nai để cắt đôi các thanh ray dưới nước. Trong ngày mai sẽ cắt xong các thanh ray này.
Hơn chục người nhái chuẩn bị lặn sâu xuống độ sâu khoảng 14m để cắt các thanh, nhịp cầu chìm dưới lòng sông.
“Chúng tôi dùng thiết bị bình oxy, máy cắt chuyên dụng lặn xuống dưới cắt. Mỗi lần xuống nước khoảng 2h.
Do khu vực lòng sông nhiều đá cộng với nước thủy triều lên xuống thất thường nên việc cắt các thanh ray gặp nhiều khó khăn”- anh Giang nói.
Theo ông Nguyễn Duy Thắng, Phó TGĐ CIENCO 1, công tác triển khai thi công gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của thủy triều. Khi thủy triều lên, thợ lặn bị trôi không thể làm việc được, phải chờ nước rút.
Do đó, đơn vị thi công phải canh từng con nước, họp bàn phương án ngay trên sà lan để cập nhật, điều chỉnh kịp thời. Việc trục vớt dự kiến sẽ hoàn thành trước ngày 2/4, theo chỉ đạo của Bộ Giao thông- Vận tải.
Trước đó, ngày 26/3, hàng chục người nhái đã lặn xuống đáy sông Đồng Nai để xác định các hạng mục cầu bị chìm nhằm đưa ra phương án trục vớt.
Theo các thợ lặn, nhịp cầu chìm nằm ở độ sâu 14m, dính nhau bởi thanh ray, nặng khoảng 300 tấn. Trong đó, một đầu nhịp 2 kê lên mố cầu sập, nhịp cầu 3 treo lơ lửng do dính ray sắt với nhịp bên kia.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ có văn bản đồng ý giao Bộ Giao thông vận tải và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thực hiện việc khôi phục cầu Ghềnh theo lệnh khẩn cấp.
Tổng kinh phí toàn bộ dự án gần 300 tỷ đồng được lấy từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2016. Trong đó hạng mục xây mới cầu là 153 tỷ đồng. Dự kiến ngày 15/7 sẽ thông tuyến đường sắt Bắc - Nam.
Hình ảnh cắt nhịp cầu Ghềnh:
Hơn chục người nhái chuẩn bị lặn sâu xuống độ sâu khoảng 14m để cắt các thanh, nhịp cầu chìm dưới lòng sông.
Hai sà lan chứa 2 cẩu nổi xoay ngang, móc vào nhịp 2 đang treo để các công nhân tiếp tục cắt và hạ xuống nước.
Một nhóm thợ hàn liên tục dùng máy cắt chuyên dụng để tách bỏ phần nhịp cầu bị kéo gãy dính vào cầu Ghềnh.
Các công nhân liên tục tải bình khí đá CO2 phục vụ việc khoan cắt nhịp cầu
Đến gần 12h, việc cắt bỏ phần nhịp cầu dính vào cầu Ghềnh hoàn tất. Hai cẩu “khủng” bắt đầu di dời phần cầu Ghềnh bị gãy khỏi vị trí.
Ngày 20/3, sà lan chở 800 tấn cát do 2 tài công người miền Tây chưa có bằng lái điều khiển đi qua vùng nước xoáy đã đâm sập cầu Ghềnh.
Tai nạn khiến 2 nhịp cầu đổ xuống sông, nhiều người thoát nạn bỏ xe bò lên bờ.
Sự cố khiến tuyến đường sắt Bắc - Nam bị đứt mạch, tàu đến ga Biên Hòa sau đó khách được trung chuyển về Sài Gòn.
Tuyến giao thông thủy qua khu vực cũng bị phong tỏa. Hai tài công và chủ sà lan đã bị bắt.